Tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách hợp tác công tư cho các đơn vị sự nghiệp thể thao

Phát biểu tham luận tại Hội nghị Văn hóa 2024 “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” diễn ra tại Quảng Ninh ngày 12/5, TS.Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cho rằng: Nghiên cứu giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách hợp tác công tư (PPP) trong quản lý khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao tại các đơn vị sự nghiệp thể thao là nội dung mới, cần được xem xét trong mối quan hệ tổng thể cả về quy định pháp luật, về khả năng tổ chức thực hiện và điều kiện thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh đến thời điểm hiện tại, pháp luật chung về PPP chưa có nội dung quy định cụ thể cho lĩnh vực này.

Theo TS.Lê Minh Nam, để có góc nhìn toàn diện, đầy đủ nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho các đơn vị sự nghiệp thể thao, chúng ta cần xem xét, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn chung, tổng thể của hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có các đơn vị sự nghiệp thể thao), đồng thời đi sâu phân tích thêm những khó khăn riêng, đặc trưng, đặc thù của các đơn vị sự nghiệp thể thao để nghiên cứu yêu cầu, điều kiện, khả năng xây dựng chính sách PPP, theo đó tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ một cách đầy đủ, toàn diện, thích hợp, đồng bộ, hiệu quả cho lĩnh vực này.

Những điểm “nghẽn”

Theo TS Lê Minh Nam, hoạt động của hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua đã có nhiều đổi mới, cho dù đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, quy định pháp luật, về tuân thủ pháp luật và tổ chức thực hiện. Theo một số báo cáo tổng kết, đánh giá, báo cáo kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước cho thấy, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã và đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc.

Một số nội dung quy định pháp luật về thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu, chưa thống nhất; Quy hoạch tổng thể mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập trên phạm vi cả nước chưa bảo đảm; Một số quy định về tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được cụ thể hóa hoặc sửa đổi, bổ sung để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức thực hiện; Cơ chế quản lý tài chính tại nhiều đơn vị còn bất cập. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy cần được giải quyết ở góc độ cơ chế, chính sách.

Quang cảnh Hội nghị

Một số quy định về quản lý, sử dụng tài sản công còn vướng mắc, có khó khăn khi triển khai áp dụng thực tiễn. Trong tổ chức thực hiện còn hạn chế trong việc đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cũng như thu hút nhân tài; Nhiều đơn vị chưa chủ động xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dịch vụ sự nghiệp theo ngành, lĩnh vực;

Phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị một số nơi còn hạn chế, trong đó: Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Chi tiêu ngân sách Nhà nước cho nhiều đơn vị sự nghiệp công còn lớn, một số đơn vị thua lỗ, tiêu cực, lãng phí...

Một số tồn tại, hạn chế có tính phổ quát, đang tác động ở diện rộng và là những vấn đề cơ bản nên cần phải ưu tiên xem xét giải quyết trước, trước khi xem xét đến áp dụng các chính sách hợp tác công tư.

Đặc biệt, nghiên cứu chính sách hợp tác công tư đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao cần phân tích kỹ lưỡng những đòi hỏi về yêu cầu, điều kiện và dự báo, đánh giá tác động của những khó khăn vướng mắc có thể xảy ra. Trước hết cần tiếp cận nguyên tắc gắn với bản chất, mục tiêu thì PPP là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công có chất lượng cao nhằm mang lại lợi ích cho cả Nhà nước, nhà đầu tư và người dân sử dụng dịch vụ.

Theo TS Lê Minh Nam, yếu tố quan trọng nhất để kêu gọi đầu tư tư nhân tham gia đối tác công tư là phải có cơ chế bảo đảm để nhà đầu tư có lợi ích đủ lớn, đồng thời bảo đảm các điều kiện về quy trình, thủ tục để thuận lợi cho họ hoạt động ổn định, lâu dài.

Theo đó, cần lưu ý, nếu để bảo đảm phương án tài chính bù đắp chi phí đầu tư sẽ đòi hỏi hoạt động hợp tác công tư phải cung cấp được khối lượng dịch vụ có thu tiền đủ lớn để hoạt động có lợi nhuận. Đây là một yếu tố quan trọng cần xem xét khi quyết định đầu tư PPP. Đặc biệt phải xem xét trong mối quan hệ hài hòa lợi ích giữa 3 bên: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, bảo đảm đạt được mục tiêu tổng thể, dài hạn của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, không thể coi nhẹ bất cứ khía cạnh hay mục tiêu nào.

Bên cạnh đó, cần đề xuất tháo gỡ những điểm nghẽn về quy định pháp luật đối với hoạt động văn hoá, thể thao hiện không thuộc lĩnh vực được áp dụng PPP; đồng thời phân tích, dự báo những khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra trong áp dụng PPP đối với các đơn vị sự nghiệp thể thao kể cả khi chính sách này được thể chế hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật; cần đánh giá những tác động tiêu cực từ thực trạng năng lực, trình độ, nhận thức của bộ phận trực tiếp thực thi PPP, những khó khăn về thực trạng nguồn lực đầu tư công, vấn đề về quy hoạch, khai thác quỹ đất, trong đó đặc biệt lưu ý - không phải tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao nào cũng có thể áp dụng hình thức PPP xét trên cả khía cạnh mục tiêu và điều kiện thực hiện…

Đề xuất 6 giải pháp căn bản

Theo TS. Nguyễn Văn Nam, từ những phân tích, đánh giá nêu trên, để tháo gỡ điểm nghẽn của chính sách trong quản lý khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao tại các đơn vị sự nghiệp thể thao, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các đơn vị sự nghiệp thể thao cần quan tâm giải quyết những khó khăn vướng mắc hiện tại, trước mắt, theo đó đồng thời nghiên cứu đề xuất các giải pháp xây dựng chính sách, pháp luật và các điều kiện để thực hiện PPP trong lĩnh vực thể thao trên cơ sở đánh giá đầy đủ, thận trọng, xem xét các điều kiện và dự kiến mức độ khả thi khi đầu tư PPP, cụ thể:

Một là, đánh giá toàn diện thực trạng các vướng mắc, tồn tại, điểm nghẽn về chính sách, pháp luật đối với hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trên phạm vi toàn quốc để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục.

Đây là môi trường pháp lý chung cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để các đơn vị sự nghiệp công lập có cơ sở pháp lý áp dụng khai thác tối ưu hiệu quả nguồn lực nhằm đạt mục tiêu đã được các nghị quyết của Đảng đề ra, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, bối cảnh cụ thể của từng lĩnh vực, từng loại hình, từng mức độ tham gia cung cấp dịch vụ công và đóng góp chung cho người dân, xã hội, đất nước.

Đây chính là căn cứ, cơ sở nền tảng căn bản để các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng chiến lược, kế hoạch triển khai các giải pháp áp dụng cho phù hợp với từng cơ quan, đơn vị; là cơ sở pháp lý để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý Nhà nước cũng như xem xét áp dụng các chính sách khuyến khích, thúc đẩy đối với các đối tượng này. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp thể thao trên cơ sở quy định chung sẽ xây dựng kế hoạch, chiến lược cụ thể nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để cải thiện hoạt động của cơ quan, đơn vị mình.

Hai là, rà soát hoàn thiện quy hoạch tổng thể, đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy và áp dụng các giải pháp quản trị nội bộ hiệu quả cụ thể, trong đó: Rà soát để cơ cấu lại tổ chức bộ máy bên trong từng đơn vị theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 và khoa học công nghệ tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế; Nghiên cứu phân tích quản trị để khai thác tối ưu nguồn lực hiện có, theo đó cần phân tích rõ nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước và nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước; nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết và dịch vụ khác (nếu có) để từ đó lựa chọn các giải pháp cải thiện phương thức khai thác từng nguồn lực một cách thích hợp, hiệu quả; Chủ động nghiên cứu tìm kiếm, khai thác và phát triển các hoạt động sự nghiệp nhằm tăng nguồn thu sự nghiệp thông qua vận động các nguồn viện trợ, tài trợ trong và ngoài nước, đẩy mạnh các hoạt động tạo nguồn thu từ sự đóng góp trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện cơ chế giá dịch vụ, tăng cường liên kết phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể của đơn vị mình; Nghiên cứu thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần (nếu đủ điều kiện) để áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp; đồng thời nghiên cứu áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư để tạo cơ chế thích ứng linh hoạt, khắc phục yếu tố quản lý kế hoạch hóa, cứng nhắc, chưa bám sát nhu cầu của đối tượng sử dụng dịch vụ công như phương thức quản lý truyền thống.

Ba là, nghiên cứu, đánh giá nhằm phân loại tách bạch lĩnh vực, hoạt động có khả năng thực hiện PPP hoặc phải sử dụng nguồn lực công hay theo mô hình hỗn hợp/kết hợp. Cần đánh giá, phân tích kỹ lưỡng để bố trí chỉ dùng nguồn lực công đầu tư cho những lĩnh vực, hoạt động mà khu vực tư không thể làm hoặc không muốn làm, đồng thời phải tính đến tránh trường hợp đưa ra triển khai PPP nhưng không thể triển khai được hoặc triển khai được nhưng không đạt được mục tiêu đã định. Việc phân loại để xác định công - tư không nên cứng nhắc theo lĩnh vực mà có thể tách riêng thành các hoạt động để có thể phối hợp khai thác tối ưu nguồn lực từ khu vực tư, từ xã hội hoá và từ đầu tư công.

Bốn là, nghiên cứu đề xuất áp dụng PPP ở phạm vi rộng hơn cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và/hoặc đề xuất thí điểm PPP tại các dự án do các đơn vị sự nghiệp thể thao thuộc quản lý của các Bộ, ngành quản lý (hiện mới thí điểm tại địa phương).

Theo đó, nếu triển khai thực hiện PPP cần quan tâm đến một số khía cạnh sau: Xây dựng cơ chế chính sách thích hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của lĩnh vực; Đề xuất áp dụng linh hoạt tổng mức đầu tư tối thiểu để tăng cơ hội cho nhà đầu tư, đối với lĩnh vực thể thao, ví dụ tính theo dải từ 30-100 tỷ đồng tuỳ hoạt động cụ thể; Đề xuất chính sách áp dụng giá dịch vụ công và cơ chế áp thuế phù hợp; Xác định các chính sách ưu đãi và đảm bảo đầu tư; Cân nhắc kỹ phương án thực hiện, tránh tình trạng đề xuất phê duyệt xong dự án lại “đắp chiếu” vì vướng quy trình, thủ tục, vì chưa bố trí được các điều kiện trong hợp đồng...

Năm là, nghiên cứu cơ chế phát huy được tinh thần tự lực, tự cường, chủ động từ chính các đơn vị sự nghiệp thể thao, theo đó các đơn vị không trông chờ, ỷ lại mà cần chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn cho cơ quan, đơn vị mình. Tại mỗi đơn vị sự nghiệp thể thao cần xem xét để áp dụng pháp luật về PPP và các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đơn vị mình nhằm mang lại hiệu quả tối ưu một cách chủ động, nếu không cho dù đã có quy định nhưng có thể vẫn tiếp tục gặp khó khăn, vướng mắc do cách hiểu và áp dụng pháp luật chưa kỹ lưỡng.

Sáu là, nghiên cứu cơ chế khuyến khích và cơ chế bảo vệ để thúc đẩy quyết tâm đổi mới từ lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp thể thao; theo đó tạo nhân tố dẫn dắt đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy cải thiện hiệu quả quản lý khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao tại các đơn vị sự nghiệp thể thao; tránh tình trạng sợ khó, sợ sai, sợ trách nhiệm…

 T.H

Ảnh trong bài
  • Tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách hợp tác công tư cho các đơn vị sự nghiệp thể thao
  • Tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách hợp tác công tư cho các đơn vị sự nghiệp thể thao