Xây dựng chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

Sáng 12/5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề: “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

Hội thảo có sự tham dự của gần 300 đại biểu là các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các đại biểu Quốc hội, đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện lãnh đạo UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao ở Trung ương và thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu khai mạc Hội thảo

Công tác xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao trong thời gian qua luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, ưu tiên các nguồn lực để thực hiện. Qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ những thiết chế văn hoá, thể thao nghèo nàn, lạc hậu, chúng ta đã xây dựng và phát triển được một hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tương đối toàn diện và đồng bộ, bao phủ rộng khắp từ trung ương tới cơ sở, từ các đô thị cho đến những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới hải đảo.

Hệ thống thư viện, trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát, trung tâm huấn luyện thể thao, nhà thi đấu, phòng tập, sân tập thể thao…đã được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang trên cả nước; và đang tiếp tục được nâng cấp hiện đại hơn, một số cơ sở tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

Hình thức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng phong phú, đa dạng, vừa mang tính phổ biến chung trên cả nước; vừa phù hợp với đặc điểm, điều kiện phát triển của từng vùng, từng địa phương; bước đầu đáp ứng được nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, góp phần cải thiện đời sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa-thể thao lành mạnh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Toàn cảnh Hội thảo

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, cần được nghiên cứu, tháo gỡ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Hội thảo hướng tới mục tiêu rà soát, đánh giá toàn diện việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao; việc bố trí, huy động các nguồn lực cho thiết chế văn hóa, thể thao. Từ đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển hệ thống thiết chế, phục vụ nhu cầu đông đảo của nhân dân, đáp ứng yêu cầu về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đặc biệt, Hội thảo sẽ cung cấp thêm các căn cứ chính trị, lý luận, khoa học và thực tiễn, làm cơ sở để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sắp tới.

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham gia trình bày các báo cáo, tham luận và tiến hành bàn tròn. Hội thảo tập trung đánh giá 6 nhóm vấn đề gồm hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao; đánh giá quy hoạch hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao; đánh giá hiện trạng hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao; quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hoá, thể thao; đầu tư kinh phí, huy động nguồn lực xã hội phát triển thiết chế văn hoá, thể thao; tổ chức bộ máy và nhân sự.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về thiết chế văn hóa, thể thao không ngừng được hoàn thiện, từng bước thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cụ thể: Hệ thống pháp luật về văn hóa, thể thao hiện có 274 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó lĩnh vực văn hóa 180 văn bản, lĩnh vực thể thao 94 văn bản), 10 năm qua, có 55 văn bản quy phạm pháp luật quy định trực tiếp, gián tiếp liên quan đến xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao được ban hành theo thẩm quyền, cho thấy cơ bản đã định hình được hệ thống pháp luật về thiết chế văn hóa, thể thao.

Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ trung ương tới cơ sở từng bước được đầu tư củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nội dung thiết thực, góp phần phát triển phong trào văn hoá, thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đồng thời nâng cao thể lực, tầm vóc, đời sống tinh thần của nhân dân. Tính đến hết tháng 3.2024, cả nước có 66 thiết chế văn hoá cấp tỉnh; 689/705 quận huyện có Trung tâm Văn hoá, Thể thao hoặc Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ 97%; tỷ lệ này ở cấp xã là 77%, cấp thôn là 76%. Hệ thống công đoàn có 50 thiết chế văn hoá, thể thao. Các thiết chế do Đoàn TNCS HCM quản lý có 56 Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp tỉnh, 106 Nhà Thiếu nhi cấp huyện...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Căn cứ chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bám sát và nghiên cứu thấu đáo những vấn đề thực tiễn đặt ra, bảo đảm giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh; những vấn đề đã rõ, được kiểm nghiệm trong thực tiễn, đạt được sự thống nhất cao thì xây dựng, ban hành luật để áp dụng thống nhất, đặc biệt là đối với những vấn đề đang được điều chỉnh bởi văn bản dưới luật, những vấn đề thuộc quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển văn hoá, con người Việt Nam, những vấn đề bất cập với thực tiến và những vấn đề khác chưa được thể chế hoá, theo đó có 4 nhóm chính sách cần quan tâm, đó là: Chính sách về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng (chính sách hạ tầng); Chính sách về quản lý, khai thác, hoạt động (chính sách chuyên ngành và liên quan); Chính sách về huy động các nguồn lực và Chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Đối với Chính sách về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng, hiện tại Bộ VHTTDL đã hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045. Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để triển khai sớm, hiệu quả Quy hoạch này. Đề nghị các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tích hợp quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao trong công tác lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch của tỉnh, bố trí quỹ đất cho các thiết chế này ở các vị trí phù hợp; ưu tiên quỹ đất phát triển thể chế ở khu dân cư, khu đô thị, khu chung cư...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất xây dựng chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đối với tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao mang tính đặc thù; sửa đổi, bổ sung pháp luật về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thiện quy định về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Xây dựng, lựa chọn và phổ biến các mô hình tổ chức hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao hiệu quả, phù hợp với vùng miền, địa phương, dân tộc, đối tượng…

Hồng Hạnh, Ảnh: Toquoc

Ảnh trong bài
  • Xây dựng chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao
  • Xây dựng chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao
  • Xây dựng chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao