Cầu truyền hình đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Cầu truyền hình trực tiếp "Dưới lá cờ quyết thắng" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) đã diễn ra lúc 20h00 ngày 5/5.

Sự kiện được tổ chức tại 05 điểm cầu, trong đó sân khấu chính là Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên; 4 điểm cầu còn lại gồm: Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Quảng trường Lam Sơn (TP. Thanh Hóa, Thanh Hóa), Nhà rông Kon Klor (TP. Kon Tum, Kon Tum), Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (Quận 1, TPHCM).

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự tại đầu cầu TP. Hồ Chí Minh 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc dự sự kiện tại điểm cầu Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (Quận 1, TPHCM).

Với thời lượng hơn 110 phút, 05 điểm cầu hòa chung bản hùng ca Điện Biên Phủ, đưa khán giả quay trở lại năm tháng hào hùng với những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn. Những dấu mốc quan trọng của 70 năm trước được thể hiện thông qua sự kết hợp giữa những trải nghiệm hiện tại và hồi tưởng quá khứ, giữa nghệ thuật và phân tích, đánh giá.

Những đoạn phim tư liệu về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” diễn ra cách đây vừa tròn 70 năm, cùng những câu chuyện lịch sử qua lời kể của các nhân chứng, xen lẫn là các tiết mục biểu diễn nghệ thuật với những ca khúc sống mãi với thời gian như “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Hò kéo pháo”, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, “Chiến thắng Điện Biên”, “Tiến về Hà Nội”, “Giai điệu Tổ quốc”… đã tạo nên một chương trình đặc biệt, ấn tượng.

 

Trong khuôn khổ của Chương trình Cầu truyền hình trực tiếp "Dưới lá cờ quyết thắng" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, khán giả được giao lưu cùng với Thiếu tướng Nguyễn Tụ - nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân Y, khi đó là cán bộ quân y đại đoàn 316; ông Lê Văn Sầm bí danh là Lê Biên, chiến sĩ liên lạc của giáo sư Tôn Thất Tùng tại mặt trận Điện Biên Phủ để hiểu rõ hơn về sự khốc liệt của chiến trường trong giai đoạn 2 đã đặt ra những sức ép như thế nào đối với lực lượng quân y.

Thiếu tướng Nguyễn Tụ cho biết: “giai đoạn 2 của chiến dịch là rất khốc liệt, thương vong rất lớn. Chúng tôi chuẩn bị được 200 chỗ nằm cho thương binh. Đêm 31/3, đại đoàn của chúng tôi về, chết 1.000 thương binh. Tôi nhớ rất kĩ, những thương binh bị thương ở phổi, có nhiều chị phải ngồi suốt đêm để cho đồng chí đó tựa vào để có thể thở được. Chúng tôi mổ suốt 5 ngày đêm… Đồng chí của mình, anh em của mình bị thương như thế mà mình không đủ kiến thức và kĩ năng để cứu sống cho thương binh. Cứ nghĩ đến mà thấy đau xót. Nhũng chiến sĩ hi sinh chỉ ở độ tuổi 18, 20, như người em của mình thôi, không khóc làm sao được…”

Theo ông Lê Văn Sầm, ở thời điểm đó, giáo sư Tôn Thất Tùng làm việc không quản giờ giấc, làm việc cả ngày cả đêm. Vừa làm, vừa dạy cho mạng lưới quân, y sĩ để cùng làm. Thương binh về nhiều quá. Lúc nào cũng mổ thôi”.

Các đại biểu dự tại đầu cầu TP. Hồ Chí Minh

Theo chia sẻ của Thiếu tướng Nguyễn Tụ, hai nhiệm vụ cơ bản của quân y trong chiến tranh là cứu chữa kịp thời cho thương binh, bệnh binh, giảm tỉ lệ tử vong và tàn phế, đưa nhanh, bổ sung nhanh quân số cho chiến đấu. Những phương tiện để cứu chữa thương binh về cơ bản là đủ. Phòng mổ, phòng thay băng và tất cả những vị trí tổ chức cấp cứu cho thương binh đều ở dưới hầm. Nhưng về ánh sáng thì hoàn toàn sử dụng đèn xe đạp để rọi vào vết thương mà mổ. Phải lấy dù của địch để băng bó vết thương. Kháng sinh thiếu, huyết thanh khô cũng phải tự túc sản xuất ngay tại chỗ để cứu chữa cho thương binh. Bác sĩ, y sĩ, hộ lý, dân công… tất cả vì thương binh.

Thông qua 05 điểm cầu, bức tranh về chiến thắng đỉnh cao được tái hiện chân thực và toàn cảnh, không chỉ ở Điện Biên mà còn trên khắp cả nước, truyền tải thông điệp "Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công chung của cả dân tộc, được hun đúc bởi khát khao giành độc lập tự do của một dân tộc. Gần 09 năm, chúng ta đã dồn sức để có được Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng đó không phải là chiến thắng tại riêng Điện Biên Phủ mà khắp cả nước đều có những chiến công để đóng góp chung.

A.T, ảnh BCP

Ảnh trong bài
  • Cầu truyền hình đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
  • Cầu truyền hình đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
  • Cầu truyền hình đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ