Trận cầu đoàn tụ (hay còn được gọi là trận cầu thống nhất) diễn ra tháng 11-1976, khi ấy đội Tổng Cục Đường Sắt đại diện cho bóng đá miền Bắc vào miền Nam đá giao hữu với đội Cảng Sài Gòn. Việc cử một đội bóng đại diện cho công nhân ngành đường sắt lúc đó vào Nam đá càng có ý nghĩa khi tuyến đường sắt Bắc Nam sắp khánh thành.
Ông Mai Đức Chung ngày ấy thuộc đội Tổng Cục Đường Sắt. Trong phim Chuyến tàu Thống Nhất, ông tâm sự: Gần 50 năm trôi qua nhưng cảm xúc trong tôi vẫn mới như ngày nào, bởi trận cầu này có nhiều kỷ niệm đối với tôi và đồng đội của tôi. Trận cầu của chúng tôi ngày ấy gắn liền với lịch sử đất nước. Đấy cũng là lần đầu tiên đội bóng của chúng tôi được đặt chân vào miền Nam và chúng tôi rất vinh dự khi được thay mặt cho nền Bóng đá ở miền Bắc vào thi đấu phục vụ bà con phía Nam.
Chúng tôi rất cảm động và phấn khích khi nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của bà con cũng như các cựu cầu thủ trong miền Nam. Trên sân vận động Thống Nhất lúc ấy cả bên trong lẫn bên ngoài sân đều đông nghịt người. Có một số bà con còn trèo lên các cây cao để xem cho bằng được.
Ông Mai Đức Chung nhớ như in bàn thắng đầu tiên của mình trong trận đấu đoàn tụ: Khi giãn biên, anh Nguyễn Minh Điểm chuyền xuống biên phải tạt vào, tôi nhảy lên đánh đầu ghi bàn đầu tiên. Bàn thắng thứ hai đến trong hiệp hai, do cầu thủ Lê Thụy Hải từ giữa sân sút xa lao thẳng vào khung thành.
Kể lại về trận đấu, ông Khuất Minh Trí - nguyên chủ tịch công đoàn Tổng Đường sắt Việt Nam cho biết: trận cầu mang ý nghĩa của một cuộc sum họp. Những người miền Bắc gặp người miền Nam để hiểu nhau hơn, chia sẻ với nhau hơn.
“Xúc động ở chỗ, chúng ta - những người trong một nước - chơi thể thao cùng nhau", ông Trí nói.
MH (ghi), Ảnh: tư liệu