Phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch

Ngày hội tuyên truyền Hướng nghiệp năm 2024 phục vụ tuyển sinh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch do Bộ VHTTDL tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 4/5 tới.

Theo đó, ngày Hội nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, uy tín, chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch (VHNT, TDTT, DL) của các cơ sở đào tạo (CSĐT) trực thuộc Bộ VHTTDL. Đồng thời, tạo cơ hội cho các CSĐT tổ chức tư vấn hướng nghiệp, cung cấp thông tin rộng rãi về phương thức tuyển sinh, ngành nghề đào tạo, chế độ, chính sách và học phí; mang lại lợi ích thiết thực, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh, sinh viên.

Ngày hội sẽ diễn ra ngày 4/5 tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội với các hoạt động, gồm: Lễ phát động Ngày hội; Tọa đàm “Đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trong thời kỳ chuyển đổi số và cơ hội việc làm sau khi ra trường; Tổ chức Tư vấn, giới thiệu đặc thù đào tạo của các CSĐT trực thuộc Bộ, tư vấn lựa chọn ngành nghề, học bổng trong nước và nước ngoài; Tổ chức Chương trình giao lưu, trình diễn VHNT, TDTT, DL.

Trường Đại học TDTT Bắc Ninh đã tổ chức chương trình ký kết hợp tác đào tạo bồi dưỡng và cung cấp nguồn nhân lực TDTT
với các đơn vị theo chương trình tư vấn, hỗ trợ hướng nghiệp năm 2024 (ảnh: minh họa)

Thông qua các hoạt động tại Ngày hội, học sinh, sinh viên có cơ hội được giao lưu, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, hướng nghiệp, mở rộng cơ hội, lựa chọn về nghề nghiệp và định hướng cho tương lai sau khi tốt nghiệp.

Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm thu hút, phát triển hợp lý nguồn nhân lực cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là các ngành hiếm, ngành truyền thống cần bảo tồn và đào tạo theo cơ chế đặt hàng. Thúc đẩy sự tăng trưởng lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam trong tương lai. Phát huy vai trò, tầm quan trọng của các ngành đào tạo VHNT, TDTT, DL đối với thực tiễn cuộc sống và sự phát triển của đất nước.

Hiện cả nước có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học lĩnh vực VHNT, gồm 15 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL và 25 cơ sở đào tạo VHNT do các tỉnh/thành trực tiếp quản lý; 1 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ; khoảng 80 cơ sở đào tạo công lập và tư thục tham gia đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực VHNT.

Ở lĩnh vực thể thao, cả nước có 5 trường đại học, 1 viện nghiên cứu và khoảng 26 cơ sở tham gia đào tạo, cụ thể gồm 3 trường đại học và 1 viện nghiên cứu trực thuộc Bộ VHTTDL, 2 trường đại học sư phạm TDTT trực thuộc Bộ GD-ĐT.

Có 278 cơ sở đào tạo có tham gia đào tạo các ngành, chuyên ngành lĩnh vực du lịch, gồm: 101 trường đại học có các khoa đào tạo về du lịch, 110 trường cao đẳng và 67 trường trung cấp. Trong đó, có 1 trường du lịch thuộc Đại học Huế, 11 trường cao đẳng và trung cấp đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực chuyên môn du lịch.

Bộ VHTTDL có 10 trường đào tạo về du lịch, trong đó 2 trường thuộc khối giáo dục đại học có khoa Du lịch và 8 trường cao đẳng thuộc khối giáo dục nghề nghiệp, đào tạo chuyên sâu các ngành, nghề về lĩnh vực du lịch.

Ngoài hệ thống cơ sở đào tạo trên, ngành VHTTDL có Trường Cán bộ quản lý VHTTDL thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành VHTTDL; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế phục vụ đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân lực cho ngành.

Hệ thống cơ sở đào tạo VHNT, TDTT&DL có trên 125 ngành/nghề với khoảng trên 300 chuyên ngành được đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học.

 

MH

Ảnh trong bài
  • Phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch