Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hải Đường – Trưởng phòng hợp tác quốc tế đã báo cáo chi tiết về kế hoạch tổ chức sự kiện quan trọng này, trong đó nhấn mạnh: Trước bối cảnh vào năm 2011, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thể thao (AMMS) và Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về Thể thao (SOMS) lần đầu tiên được tổ chức tại Indonesia đã thống nhất AMMS sẽ họp với chu kỳ 2 năm 1 lần và họp hàng năm đối với SOMS.
Cùng với đó, tại các phiên họp AMMS và SOMS, đại diện các quốc gia thành viên ASEAN đóng góp, đưa ra ý kiến hướng tới việc đạt được các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN (ASCC) và các giải pháp đề xuất của nhóm SOMS có thể triển khai thực hiện một cách hiệu quả và toàn diện. Hội nghị cũng thảo luận về chương trình hành động ASEAN về thể thao theo từng giai đoạn như: phát triển thể thao chuyên nghiệp, khoa học thể thao, kinh tế thể thao; bình đẳng giới trong thể thao; bảo tồn và phát huy các môn thể thao truyền thống; thành lập Quỹ Thể thao ASEAN; thành lập Trung tâm Thể thao Thành tích cao ASEAN, thể thao và sức khỏe, thể thao hướng tới các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ... Đây là hướng đi có tầm quan trọng trong chiến lược thể thao ASEAN, vốn còn ở khoảng cách khá xa với các vùng khác của châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản… và các nước có nền thể thao phát triển mạnh trên thế giới.
Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Văn Duy)
Việc tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về Thể thao (SOMS) và các Hội nghị liên quan nhằm thảo luận và thông qua tuyên bố chung của các Bộ trưởng ASEAN về Thể thao phù hợp với nguyên tắc và mục tiêu của hiến chương ASEAN được hình thành trên khuôn khổ phát triển quốc tế toàn cầu. Do đó, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về Thể thao lần thứ 15 (SOMS 15) năm 2024 và các Hội nghị liên quan có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác thể thao và các hoạt động có liên quan đến thể thao giữa các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) với các tổ chức quốc tế và các nước đối tác như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Thông qua sự kiện này, Việt Nam sẽ thể hiện được trách nhiệm và hiệu quả nghĩa vụ quốc gia thành viên ASEAN trong cơ chế hợp tác chuyên ngành, cũng như đảm bảo được lợi ích của Việt Nam với các bên tham gia vì mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Từ đó, giới thiệu hình ảnh đất, nước con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế, tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau trong Cộng đồng ASEAN.
Theo kế hoạch dự kiến, Hội nghị diễn ra trong 05 ngày, trong đó có 03 ngày làm việc chính trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2024 tại Hà Nội hoặc Đà Nẵng (ban tổ chức đang tính toán lựa chọn thời gian phù hợp, thuận tiện di chuyển cho các đại biểu quốc tế về tham dự sự kiện tại Việt Nam).
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Văn Duy)
Hội nghị sẽ thu hút khoảng 80 đại biểu quốc tế là đại diện của ban thư ký ASEAN, lãnh đạo cơ quan thể thao Nhật Bản, Trung Quốc; các quốc gia thành viên ASEAN, Timor Leste, các tổ chức quốc tế, các nước đối thoại có liên quan của ASEAN. Trong khi đó, có khoảng 50 đại biểu Việt Nam đại diện các Bộ, ngành, cơ quan truyền thông.
Ghi nhận, đánh giá cao kế hoạch chuẩn bị để tổ chức sự kiện quốc tế quan trọng này từ các đơn vị chuyên môn, Cục trưởng Đặng Hà Việt cho rằng: Mục tiêu quan trọng mà sự kiện diễn ra tại Việt Nam là để thấy được sự chủ động, tích cực nhằm xây dựng các quyết nghị thiết thực, hiệu quả, đảm bảo lợi ích của Việt Nam cũng như các bên tham gia vì mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN hoà bình, ổn định và thịnh vượng.
Để đảm bảo việc tổ chức thành công sự kiện cũng như công tác chuẩn bị, các vấn đề liên quan được thuận lợi, Cục trưởng Đặng Hà Việt yêu cầu xây dựng kế hoạch tổ chức phải trang trọng, nhưng đảm bảo tiết kiệm, chất lượng và hiệu quả, kết hợp giới thiệu, quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Qua đó, thể hiện được tinh thần chủ động, vai trò của Việt Nam là đối tác tin cậy có trách nhiệm trong cộng đồng ASEAN.
N.H