Thể thao Việt Nam: khẳng định dấu ấn phái nữ

Ngày 8/3 năm nay đánh dấu 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910-8/3/2024). Đây không chỉ là dịp để “một nửa thế giới” tôn vinh những người phụ nữ xung quanh mình, mà còn để ghi nhận và đánh giá đúng nhất về vai trò của phụ nữ, những đóng góp của họ trong mọi mặt đời sống, trong đó có lĩnh vực Thể dục thể thao.

Trải qua mỗi giai đoạn, mỗi thế hệ, Thể thao Việt Nam có rất nhiều lứa VĐV đạt thành tích cao cùng các đội tuyển thể thao quốc gia, trong số đó có sự đóng góp không nhỏ của các nữ VĐV. Tấm huy chương đầu tiên mà Thể thao Việt Nam giành được tại một kỳ Olympic tới từ cựu nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân (Olympic Sydney 2000).

Hay ở đấu trường châu Á, kỳ ASIAD năm 1994 tại Nhật Bản đã ghi dấu của nữ tuyển thủ Phạm Hồng Hà với tấm HCB môn karate và đây cũng là kết quả huy chương đầu tiên của một VĐV nữ Việt Nam giành được tại ASIAD kể từ khi thể thao chúng ta hội nhập trở lại với khu vực, châu lục và thế giới.

Bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền với 3 HCV tại SEA Games 32

Ở đấu trường khu vực, nhiều nữ VĐV Việt Nam đã trở thành những cái tên được bạn bè khu vực Đông Nam Á ngưỡng mộ không chỉ bởi thành tích thi đấu mà còn là sự nỗ lực của những bà mẹ vượt khó để thành công. Đó là bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) biền biệt tập huấn xa nhà, nhớ con đến phát khóc nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, chờ bùng nổ trên đất Campuchia với 3 HCV, giành tổng cộng 13 ngôi vô địch SEA Games trong sự nghiệp. Nguyễn Thị Huyền xứng đáng là tấm gương sáng về tinh thần phấn đấu và nỗ lực hết mình để cống hiến cho thể thao Việt Nam. Cô cũng là biểu tượng về đức hi sinh, nghị lực và ý chí người phụ nữ Việt Nam, vừa làm tròn thiên chức làm mẹ, vừa duy trì thành tích xuất sắc trên đường chạy SEA Games.

Hay nữ võ sĩ Hà Thị Linh, tuyển thủ 30 tuổi, người dân tộc Tày - trở lại sàn đấu SEA Games tròn 10 năm sau lần giành HCV đầu tiên và bà mẹ 2 con quê Lào Cai tiếp tục mang về tấm HCV môn boxing trên đất Campuchia. Những bộn bề trong cuộc sống không thể dập tắt niềm đam mê của Linh. Nhưng để trở lại với võ đài, nữ võ sĩ này đãgặp không ít khó khăn.

Linh chia sẻ: là bà mẹ 2 con, khó khăn sẽ gấp nhiều lần, em phải xa gia đình, xa các con. Giáo án luyện tập của boxing rất nặng. Phụ nữ sau khi sinh nở, sức khỏe giảm sút , mọi thứ em phải cố gắng rất nhiều. Những chia sẻ, tâm sự rất thật lòng, rất khiêm nhường giản dị của một nữ VĐV - một người mẹ nhưng thực chất phía sau đó là những sự nỗ lực cực lớn lao. Với thể thao nói chung, nữ VĐV rất khó giữ được phong độ đỉnh cao sau khi sinh nở, với bộ môn boxing lại càng khó. Các nữ võ sĩ trên thế giới hầu hết đều giải nghệ sau khi đã sinh con. Tấm ảnh bà mẹ Hà Thị Linh địu con nhỏ trên sàn boxing đã lan tỏa mạnh mẽ, ở trong đó có sự khâm phục và yêu mến dành cho nữ võ sĩ người Tày.

Chia sẻ về mong muốn của mình, bà mẹ 2 con cho biết khi 40 tuổi sẽ về quê và mở lớp dạy võ, nâng cao sức khỏe, tinh thần cho các em nhỏ, đặc biệt là những em nhỏ người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Vượt qua những thách thức, chiến thắng giới hạn bản thân, luôn mạnh mẽ để tiến về phía trước là những thông điệp mà nữ võ sĩ boxing nhà nghề đầu tiên của Việt Nam muốn gửi gắm.

Hà Thị Linh - HCV SEA Games 32 (Ảnh: Internet)

Ở môn Rowing, chiến tích của VĐV rowing 34 tuổi, "bà mẹ hai con" Phạm Thị Thảo ở đấu trường ASIAD. Thảo là VĐV hiếm hoi của thể thao Việt Nam tham dự 4 kỳ ASIAD liên tiếp và đều đoạt huy chương với bộ sưu tập đầy đủ 1 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ. Cô thổ lộ: "Hai con của mình còn nhỏ đang ở nhà, được ông xã chăm sóc. Đó là hậu phương vững chắc để tôi quyết tâm thi đấu”. Tại ASIAD 19, Thảo cùng đồng đội đã mang về cho đoàn Thể thao Việt Nam 1 HCĐ.

Và còn rất nhiều cái tên nữ VĐV đã ghi dấu ấn trên con chặng đường phát triển của Thể thao Việt Nam như: Đàm Thanh Xuân, Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Thị Oanh, các cầu thủ nữ đội tuyển Bóng đá nữ,..

Phó Chủ tịch Thường trực trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam – bà Đỗ Thị Thu Thảo đã chia sẻ “Tôi cảm phục những thành tích xuất sắc của các nữ tuyển thủ Đoàn thể thao Việt Nam. Với tinh thần kiên cường, bất khuất của dòng dõi Bà Trưng - Bà Triệu, họ đã kiên trì khổ luyện, nỗ lực không ngừng, vượt khó khăn, đổ mồ hôi và nước mắt, vượt nỗi đau thể chất và tinh thần, gác lại những riêng tư và cả tình mẫu tử để quyết tâm mang vinh quang về cho tổ quốc”.

Năm 2024, Thể thao Việt Nam tiếp tục hành trình chinh phục thành tích cao ở các đấu trường Olympic, và tính tới thời điểm này thể thao Việt Nam đã giành được 4 suất tham dự Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024, trong đó có sự góp mặt của 3 VĐV nữ là Nguyễn Thị Thật (Xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (Bắn súng).

Đó là kết quả rất đáng tự hào dành cho các nữ VĐV. Bên cạnh đó, còn phải kết đến rất nhiều các gương mặt VĐV nữ đang nỗ lực ngày đêm tập luyện và thi đấu để tìm kiếm tấm vé tham dự sự kiện thể thao đa môn mùa hè lớn nhất hành tinh sẽ diễn ra tại Paris như: Nguyễn Thùy Linh (Cầu lông), Trương Thị Kim Tuyền (Taekwondo), Nguyễn Thị Ngoan (Karate).

Hy vọng với tinh thần kiên cường, bất khuất của dòng dõi Bà Trưng - Bà Triệu, các nữ VĐV Việt Nam sẽ tiếp tục tỏa sáng, giành vinh quang về cho Tổ quốc.

KC

Ảnh trong bài
  • Thể thao Việt Nam: khẳng định dấu ấn phái nữ
  • Thể thao Việt Nam: khẳng định dấu ấn phái nữ