Nhìn lại để tiến xa hơn
Trong buổi gặp mặt báo chí những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn, Phó Cục trưởng Cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ: Những năm qua, thể thao Việt Nam (TTVN) liên tục dẫn đầu tại các kỳ SEA Games và bỏ xa các đối thủ về số lượng huy chương. Theo thống kê ở SEA Games 32 có khoảng 75% môn thi đấu nằm trong chương trình Olympic, số huy chương mà đoàn TTVN giành được trong các nội dung này chiếm khoảng 52%.
Tuy nhiên, cũng với lực lượng VĐV ấy chỉ sau 4 tháng khi bước ra đấu trường châu lục - ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) thì thành tích của VĐV Việt Nam khá khiêm tốn khi giành được 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ và được xem là hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, nhìn vào thành tích trong khu vực Đông Nam Á, Thể thao Việt Nam chỉ đứng thứ 6 sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore. Dù dẫn đầu 2 kỳ SEA Games 31, 32 liên tiếp, nhưng khi bước ra đấu trường châu lục, Thể thao Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa. Những tấm HCV của các nước ở đấu trường lớn nhất châu lục đều phản ánh được các thế mạnh của họ. Trong khi đó, trong số 3 HCV mà VĐV giành được thì chỉ có môn Bắn súng là môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu Olympic. Thực tế này cho thấy, Thể thao Việt Nam đã đầu tư mang tính dàn trải và đang nỗ lực thay đổi phương thức đào tạo cũng như cách lựa chọn đầu tư nhằm giúp thể thao thành tích cao Việt Nam vươn tầm châu lục, thế giới.
Thể thao Việt Nam thắng thắn nhìn nhận, đánh giá trực trạng thành tích để đưa ra chiến lược phát triển phù hợp trong tương lai (Ảnh: TTX)
Để cụ thể hóa mục tiêu vươn tầm, thay đổi diện mạo của Thể thao Việt Nam trong thời gian tới, cuối tháng 12/2023, Hội nghị “Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030” với chủ đề “Nâng tầm ASIAD - Khát vọng Olympic” do Bộ VHTTDL tổ chức với mục tiêu tìm phương hướng, giải pháp để nâng tầm Thể thao Việt Nam tại các sân chơi lớn. Thành tích thiếu bền vững tại các đấu trường châu Á và thế giới là lý do khiến những nhà quản lý, hoạch định chính sách thể thao phải nhìn lại, tìm hướng đi phù hợp cho thể thao nước nhà.
Nói về điều này, Cục trưởng Đặng Hà Việt cho rằng: Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều nhà chuyên môn và giới truyền thông trong nước vẫn cho rằng Thể thao Việt Nam đã và đang đầu tư dàn trải, chính vì vậy thành tích của VĐV Việt Nam mới chỉ dừng lại ở cấp độ khu vực. Điều này không hẳn sai, bởi một số mục tiêu mà Thể thao Việt Nam đặt ra tại đấu trường ASIAD và các suất tham dự Olympic chưa đạt được. Nguyên nhân của việc này là bởi, chúng ta vẫn đang thiếu khá nhiều nguồn tài năng trẻ. Cùng với đó, công tác đầu tư, đào tạo, tuyển chọn VĐV từ tuyến năng khiếu, trẻ, đỉnh cao vẫn còn thiếu tính hệ thống, bài bản. Đặc biệt, Thể thao Việt Nam vẫn chưa áp dụng tốt các ứng dụng khoa học hiện đại, phương pháp y sinh học...vào huấn luyện, đào tạo VĐV nên thành tích chưa thể phát huy hết được trình độ chuyên môn của mỗi cá nhân VĐV.
Dồn lực hướng tới Olympic Paris và các giải đấu quốc tế
Việc phát triển thể thao thành tích cao không phải chỉ trong ngày một, ngày hai là có ngay các nhà vô địch Olympic và châu Á. Để thay đổi diện mạo của Thể thao Việt Nam thì chắc chắn phải cần một quá trình với những giải pháp và tầm nhìn phát triển lâu dài. Cụ thể như cần thay đổi, điều chỉnh một cách bài bản từ việc phát triển giáo dục thể chất, hệ thống thi đấu tại các trường học trên cả nước (điều này cần sự phối hợp, chung tay chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Ở thời điểm hiện tại, trước mắt Thể thao Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn gần nhất là Thế vận hội 2024. Bởi lực lượng VĐV của Thể thao Việt Nam có trình độ tiệm cận và khả năng cạnh tranh ngang ngửa với những VĐV mạnh trong châu lục, thế giới còn khá mỏng, phong độ thi đấu cũng chưa hẳn đã ổn định. Được biết, mục tiêu quan trọng của Thể thao Việt Nam trong năm 2024 là giành được 12-15 suất dự Olympic Paris. Đây được xem là mục tiêu vừa tầm, phù hợp với thực lực của Thể thao Việt Nam ở thời điểm hiện tại, dù vậy để đạt được con số này hẳn không dễ dàng.
Lãnh đạo Cục TDTT chúc mừng thành tích ấn tượng của xạ thủ Phạm Quang Huy giành được tại ASIAD 19 (Ảnh: TTVN)
Về điều này, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1 -Cục TDTT Hoàng Quốc Vinh cho biết: "TTVN hiện có từ 30-40 VĐV tiệm cận trình độ của ASIAD và Olympic. Bởi vậy, mục tiêu phấn đấu từ 12-15 suất tham gia tranh tài tại Olympic 2024 là có cơ sở. Đây là quá trình gian nan, khó khăn, đòi hỏi các đội tuyển có kế hoạch chu đáo, tỉ mỉ; VĐV phải nỗ lực và tập trung tối đa. Trong nửa đầu năm 2024, TTVN sẽ cử các VĐV tham dự giải châu lục, quốc tế, để dồn sức giành thêm vé chính thức tới Paris".
Olympic sẽ diễn ra vào tháng 7/2024 tại Paris (Pháp) và hiện tại TTVN có 4 suất của Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội). Các chuyên gia nhận định việc đạt mục tiêu đề ra là khó khăn. Nhiều môn trọng điểm khác vẫn đang nỗ lực từng ngày trên hành trình tìm kiếm suất tham dự. Điền kinh Việt Nam có nhiều rào cản nhưng vẫn hy vọng ở nội dung 4x400m nữ với sự trở lại của Quách Thị Lan. Về boxing, Nguyễn Thị Tâm, Diệu Quỳnh và Hà Thị Linh cũng sẽ nỗ lực tranh chấp suất dự Olympic. Với taekwondo, các võ sĩ Kim Tuyền, Ánh Tuyết, Bạc Thị Khiêm hay Lý Hồng Phúc sẽ tham dự vòng loại khu vực châu Á vào tháng 3 để tranh suất. Ở môn cầu lông, Nguyễn Thùy Linh đang đứng trước cơ hội lớn góp mặt tại Olympic, đồng thời hai tay vợt nam là Đức Phát và Hải Đăng cũng được kỳ vọng. Thể dục dụng cụ có các VĐV tiềm năng là Khánh Phong, Xuân Thiện, Hải Khang và Vỹ Lương. Trong khi đó, môn bắn cung còn một giải đấu World Cup Final tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6. Và đua thuyền có vòng loại khu vực châu Á diễn ra vào tháng 4...
Thực tế, hiện nay Cục TDTT đã hoàn thiện, xây dựng xong Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 và đệ trình chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, ngành cũng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo Bộ Chính trị kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020. Đồng thời hoàn thiện Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT, đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2024-2045.
Nói về công tác chuẩn bị của VĐV Việt Nam hướng tới mục tiêu Olympic, Cục trưởng Đặng Hoàng Việt cho hay: sau giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán, một số giải thể thao quốc gia mới bắt đầu diễn ra từ cuối tháng 2-2024 tới tháng 3-2024. Vì thế, nhiều đơn vị yêu cầu, HLV, VĐV trong thời gian nghỉ Tết phải duy trì được thể lực, chuyên môn để tránh gặp sức ỳ khi trở lại tập luyện, thi đấu.
Hy vọng, với sự quan tâm của lãnh đạo ngành TDTT, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của các HLV, VĐV TTVN sẽ hoàn thành xuất sắc mục tiêu đã đề ra trong năm 2024 cũng như các chiến lược phát triển mang tính dài hạn trong thời gian tới.
N.H