Hợp tác quốc tế góp phần nâng cao vị thế ngành VHTTDL

Hoạt động đối ngoại của Bộ VHTTDL với những kết quả tốt đẹp, tạo dấu ấn đậm nét đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của công tác VHTTDL.

Hoạt động ngoại giao song phương, đã được triển khai chủ động, tích cực, toàn diện, góp phần quan trọng trong tổng thể thành tựu đối ngoại chung của Bộ VHTTDL, đưa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực VHTTDL giữa Bộ VHTTDL với ngành VHTTDL các nước phát triển theo chiều sâu, toàn diện và thực chất.

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và ông Jonathan Baker-Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội

Được đánh giá là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam, ngoại giao văn hóa đang ngày càng được phát huy. Vai trò của ngoại giao văn hóa đã được xác định rõ trong "Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030", đó là đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định; bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế quốc gia.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, ngoại giao văn hóa có vai trò quan trọng. Ngoại giao văn hóa được đề cao là “quyền lực mềm”, “sức mạnh mềm” trong bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa được Đảng và Nhà nước ta xác định là ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam. Trong thời gian qua, ngoại giao văn hóa đã có vai trò tích cực trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước và góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Năm 2023, dấu ấn của công tác văn hóa đối ngoại đạt được thông qua các chương trình chính trị nghệ thuật trong khuôn khổ 07 chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước (03 chương trình trong chuyến thăm Italia, Áo và Nhật Bản của Chủ tịch nước; 04 chương trình trong chuyến thăm Hoa Kỳ và Brazil của Thủ tướng Chính phủ; 04 chương trình trong chuyến thăm Cuba, Argentina, Uruguay của Chủ tịch Quốc hội). Tổ chức 06 chương trình Tuần Văn hóa, Lễ hội du lịch-văn hóa Việt Nam tại nước ngoài năm 2023. Các chương trình văn hóa lớn của các nước được tổ chức tại Việt Nam như: Chương trình biểu diễn Opera đặc biệt “Công nữ Anio” kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản; Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam; Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam; Những ngày Văn hóa Nga tại Việt Nam, kết hợp bế mạc Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam; Những ngày Văn hóa Belarus tại Việt Nam năm 2023…

Ngoại giao văn hóa góp phần nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương, ngoại giao văn hóa đã góp phần đưa nước ta hội nhập sâu rộng, nâng cao năng lực chủ động, đóng góp tích cực cho các mục tiêu hòa bình, an ninh, phát triển của thế giới, từ đó tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tích cực đóng góp vào xây dựng và hoạt động của các định chế, diễn đàn đa phương tại các diễn đàn, tổ chức khu vực, liên khu vực và quốc tế về văn hóa mà Việt Nam là thành viên. Do đó, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, thể hiện qua việc được đăng cai nhiều sự kiện văn hóa, hội nghị, hội thảo lớn. Tại các sự kiện, diễn đàn quốc tế, Việt Nam có những đóng góp thực chất, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng, sáng kiến, xây dựng các công ước, văn kiện quan trọng được đánh giá cao.

Bám sát Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Bộ VHTTDL đã nỗ lực thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để nâng tầm vị thế của ngành, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển của đất nước.

Văn hóa đối ngoại cũng góp phần xúc tiến du lịch, kết nối giao lưu quốc tế, đưa du lịch Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của thế giới. Năm 2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt khách, đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5-13 triệu lượt). Tổng lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch.

Bên cạnh văn hóa đối ngoại, công tác đối ngoại trong lĩnh vực TDTT cũng góp phần không nhỏ nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Ngoại giao thể thao đã và đang trở thành phương tiện vô cùng hiệu quả nhằm thúc đẩy quan hệ quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia. Thể thao giúp duy trì quan hệ trao đổi thường xuyên với các nước, các tổ chức thể thao quốc tế trong khu vực, châu lục và trên thế giới, là thành viên của nhiều Liên đoàn thể thao quốc tế. Việt Nam là một nước thành viên của Uỷ ban Olympic Quốc tế, nằm trong chương trình mục tiêu của Liên đoàn bóng đá quốc tế.

Hoạt động quan hệ quốc tế về TDTT của Việt Nam những năm qua tiếp tục phát triển sâu rộng với nhiều cường quốc thể thao trên thế giới, ở tất cả các châu lục: Châu á - Thái Bình Dương, Âu, Mỹ, Mỹ La Tinh, kể cả Bắc Phi, như các nước Asean, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Italia, Anh, Pháp, Đức, Nga, Đan Mạch, Phần Lan, các nước Đông Âu cũ như Cộng hoà Sec, Slovakia, Bungari, Rumani, Mỹ, Achentina, Brazin... và nhiều nước khác trên thế giới. Quan hệ quốc tế về TDTT với các nước này ngày càng tập trung vào mục tiêu chất lượng, thiết thực và hiệu quả, phù hợp với các điều kiện kinh tế tài chính, trình độ chuyên môn, thể chất con người Việt Nam nhằm mục đích phát triển nền TDTT Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Công tác hợp tác quốc tế  trong lĩnh vực TDTT sẽ tiếp tục được đẩy mạnh về mọi mặt. Trong đó tập trung vào hợp tác với các quốc gia có quan hệ truyền thống, gắn bó như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cu Ba, Hungary, Nga, Mỹ…; tham gia và hưởng ứng các chương trình, hoạt động trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN với vai trò chủ trì SOMS và AMMS năm 2024, 2025; tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao...

A.T, ảnh Đức Thắng

Ảnh trong bài
  • Hợp tác quốc tế góp phần nâng cao vị thế ngành VHTTDL
  • Hợp tác quốc tế góp phần nâng cao vị thế ngành VHTTDL