Theo báo cáo của ông Đặng Hà Việt – Cục trưởng Cục TDTT tại buổi làm việc: Hiện cơ bản, dự thảo Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 đã được hoàn thiện. Trong quá trình soạn thảo, Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT) đã nhiều lần chỉnh sửa, báo cáo và gửi xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực TDTT.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Cục trưởng Đặng Hà Việt cũng nhấn mạnh: việc sớm ban hành Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 là yếu tố cần thiết, có vai trò quan trọng để thúc đẩy phát triển hoạt động thể thao nước nhà (đối với thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao).
Theo ông Đặng Hà Việt, sau khi Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TD,TT đến năm 2020 được ban hành, sau 10 năm triển khai, các chỉ tiêu lớn trong Chiến lược đã cơ bản hoàn thành, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển TDTT. Đến nay, đã kết thúc giai đoạn thực hiện Chiến lược đến năm 2020, cần xây dựng, triển khai một Chiến lược mới nhằm định hướng phát triển sự nghiệp TDTT trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó bối cảnh trong nước và quốc tế trong giai đoạn 2021-2030 có nhiều thay đổi, tạo ra thời cơ, vận hội mới nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đối với công tác TDTT, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, cách tiếp cận mới về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với từng lĩnh vực TDTT.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đưa ra ý kiến về việc cần thiết sớm ban hành Chiến lược
Việc xây dựng, ban hành Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm cụ thể hóa, triển khai hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan tới phát triển TDTT được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20.5.2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển TDTT trong tình hình mới, việc xây dựng Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nhiệm vụ cấp thiết. Các nội dung mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược sẽ góp phần cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển TDTT nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lãnh đạo Cục TDTT lắng nghe, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ và các Cục, Vụ, đơn vị liên quan
Việc xây dựng Chiến lược cũng phải phù hợp các yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và phù hợp với xu thế phát triển TDTT thế giới; Đảm bảo sự phát triển đồng bộ, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, đề án phát triển của cả nước; có sự gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực VHTTDL trong phát triển; Đánh giá một cách khoa học, đầy đủ và chính xác về thực trạng hoạt động TDTT và tình hình thực hiện Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 để làm cơ sở thực tiễn xây dựng Chiến lược trong giai đoạn tiếp theo.
Chiến lược cũng đã đề xuất được các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở để lập các quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư; quản lý phát triển TDTT của quốc gia, của vùng và các địa phương. Tuân thủ các nguyên tắc về xây dựng chiến lược, quy hoạch được quy định trong các văn bản pháp luật liên quan; bảo đảm công khai trong quá trình lập và công bố chiến lược.
Về mục tiêu xây dựng Chiến lược, Chiến lược phải cụ thể hóa quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển TDTT thành những nhiệm vụ, phương án phát triển có định hướng, lộ trình, giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chỉ đạo các hoạt động TDTT của đất nước.
Toàn cảnh buổi làm việc
Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đã đưa ra các quan điểm phát triển, mục tiêu tổng quát, nội dung nhiệm vụ phát triển các lĩnh vực TDTT: TDTT cho mọi người; thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp; hợp tác, giao lưu quốc tế về TDTT; đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và y học thể thao; công tác quản lý nhà nước; công tác quản lý, phối hợp với các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về TDTT; kinh tế thể thao; tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT; thông tin, truyền thông TDTT.
Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp từ các Thứ trưởng, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc từ Cục TDTT, thể hiện qua việc Chiến lược xây dựng cấu trúc gắn gọn, tập trung vào các vấn đề quan trọng và đảm bảo đúng các yêu cầu về văn bản theo quy định của nhà nước. Để Chiến lược sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đưa vào áp dụng thực tiễn, ngay sau cuộc họp này Cục TDTT rà soát lại lần cuối, sửa chữa câu chữ chỉn chu hơn.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, dự thảo Chiến lược cần đề xuất được các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển thể thao, bắt đầu từ thể thao quần chúng.
Chiến lược mới được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành tựu của giai đoạn vừa qua, phát huy những mặt tích cực, đưa ra định hướng, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp phát triển phù hợp trong giai đoạn tới.
Từ đó bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao cho thể thao thành tích cao cùng với đó là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ HLV, VĐV và các thành tố khác có tính chất bổ trợ như hợp tác quốc tế về TDTT, học tập kinh nghiệm trong bối cảnh hội nhập, thi đấu quốc tế, chuyển đổi số, ứng dựng khoa học công nghệ…
Bài N.H, Ảnh: Văn Duy