Công tác chuẩn bị cho Olympic Paris 2024 chu đáo, kỹ lưỡng
Ông Hoàng Quốc Vinh – Trưởng phòng thể thao thành tích cao 1 cho biết: Olympic Paris 2024 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 26/7 – 11/8 với 329 nội dung của 32 môn và 48 phân môn, trong đó có nhiều nội dung mới. Hiện đội tuyển Bắn súng Việt Nam đang có mặt tại Indonesia thi đấu giải vô địch châu Á. Đây là cơ hội tốt để đội tuyển Bắn súng Việt Nam có thêm vé Olympic. Trước đó, xạ thủ Trịnh Thu Vinh đã giành suất ở nội dung 10m súng hơi nữ. Cơ hội tham dự giải lần này được chia đều cho cả 11 VĐV tranh tài ở giải vô địch châu Á 2024 ở hai nội dung là súng ngắn và súng trường hơi.
Cục trưởng Đặng Hà Việt chủ trì buổi làm việc (Ảnh: Văn Duy)
Ngoài Trịnh Thu Vinh, thể thao Việt Nam còn có 2 vé chính thức tham dự Olympic nữa là VĐV Nguyễn Huy Hoàng (Bơi), Nguyễn Thị Thật (Xe đạp). Ở hai môn thể thao này vẫn còn những VĐV đủ trình độ và có nhiều khả năng thi đấu tranh chấp thành tích tại các giải đấu nằm trong hệ thống vòng loại Olympic diễn ra trong thời gian tới để giành vé.
Ông Hoàng Quốc Vinh nhấn mạnh: Ở thời điểm hiện tại, phòng thể thao thành tích cao 1 đang chỉ đạo các bộ môn, phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm HLTTQG, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh – nơi có VĐV tập huấn chuẩn bị cho các giải đấu vòng loại Olympic thực hiện rà soát, kiểm tra, giám sát công tác huấn luyện, chế độ dinh dưỡng, phục hồi của từng VĐV. Qua đó, nắm được chính xác, cụ thể về điểm mạnh, điểm yếu, những vấn đề liên quan đến tập luyện, dinh dưỡng và điều trị chấn thương phải được cập nhật kịp thời, theo từng ngày, từng tuần từ đó sẽ là cơ sở để lãnh đạo Cục, giới chuyên môn đưa ra các giải pháp giải quyết phù hợp nhất.
Ông Hoàng Quốc Vinh cũng cho biết, hiện ngành TDTT đang trình phê duyệt việc tăng chế độ chính sách dành cho những VĐV trọng điểm – làm nhiệm vụ thi đấu, giành vé Olympic 2024. Nếu được phê duyệt, sẽ mang lại những tín hiệu tích cực về dinh dưỡng, góp phần nâng cao thể lực, sức khỏe của VĐV trọng điểm. Cùng với đó, ngoài tăng chế độ tiền ăn thì các trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, cơ chế phục hồi thể lực cho những VĐV giành vé Olympic cũng cần được ưu tiên đặc thù. Các VĐV sẽ được tập luyện với HLV, chuyên gia riêng, dụng cụ hiện đại, đúng chuẩn… Đây là sự vào cuộc sâu sát, quyết liệt và dám đầu tư mạnh tay của ngành TDTT đối với những môn thể thao trọng điểm trong hành trình từng bước cải tổ lại nền thể thao nước nhà; đồng thời cũng thực hiện mục tiêu giành nhiều hơn những tấm vé đến Olympic Paris 2024.
Ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng phòng thể thao thành tích cao 1 báo cáo về công tác chuẩn bị (Ảnh: Văn Duy)
Cùng nói về vấn đề này ông Ngô Ích Quân – Trưởng phòng thể thao thành tích cao 2 cho rằng: Để có được những yếu tố tốt nhất phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn là Olympic 2024 và xa hơn là các đấu trường thể thao quốc tế lớn sẽ diễn ra trong những năm tới đây như: ASIAD 20, SEA Games 33... Về bản chất hoạt động thể thao thành tích cao sẽ phải thay đổi và điều chỉnh rất nhiều từ những tiêu chí, tiêu chuẩn đối với công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ từ cấp cơ sở, sau đó đưa lên đội tuyển quốc gia cần phải có sự đồng nhất, chuẩn hóa trong các phương pháp huấn luyện, có như vậy mới không lãng phí tài năng và công sức đào tạo của những người làm công tác chuyên môn và VĐV thành tích cao phát huy được hết khả năng trình độ chuyên môn của mình.
Đồng thuận trước ý kiến nâng cao hơn nữa chế độ dinh dưỡng, phục hồi cho VĐV đỉnh cao, trọng điểm, ông Ngô Ích Quân cho rằng: ngoài yếu tố chuyên môn cần sự nỗ lực, chăm chỉ luyện tập từ VĐV kết hợp với trình độ, phương pháp huấn luyện phù hợp của HLV, chuyên gia. Bên cạnh đó, hiện các Trung tâm HLTTQG đang bám sát theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục TDTT gấp rút, hoàn tất việc quy hoạch, tổ chức sắp xếp thêm các phòng tập thể lực với dụng cụ, trang thiết bị tập luyện hiện đại, đạt chuẩn nhằm mang đến những điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất cho VĐV, giúp họ có thể phát huy được tối đa trình độ chuyên môn của mình.
Cũng trong khuôn khổ của buổi làm việc, đại diện các bộ môn thể thao Olympic như: Điền kinh, Bơi, Bắn cung, Đua Thuyền (Rowing, Canowing), Đấu kiếm, Vật, Teakwondo, Bóng bàn, Boxing, Thể dục dụng cụ, Bắn súng, Xe đạp, Judo, Cầu lông đã báo cáo chi tiết về công tác chuẩn bị, đánh giá trình độ, kế hoạch thi đấu, tập huấn quốc tế của bộ môn nằm trong hệ thống các giải tích điểm giành vé Olympic 2024. Theo đó, về cơ bản VĐV đang tích cực, nỗ lực tập luyện để có sự chuẩn bị tốt nhất. Có một số VĐV bị chấn thương như Huy Hoàng (Bơi), Nguyễn Thị Tâm (Boxing), Nguyễn Thị Thanh Thủy (Judo), hiện đã được điều trị tích cực từ các bác sĩ và cơ bản sức khỏe đã được phục hồi và sẵn sàng bước vào tranh tài ở các giải đấu trong năm 2024.
Phần thưởng xứng đáng cho những VĐV giành thành tích ở đấu trường Olympic
Theo chia sẻ của ông Trần Văn Mạnh – Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam trong sáng nay Công ty TNHH Asong Invest của Hàn Quốc đã treo thưởng, tài trợ cho các VĐV của Việt Nam đạt huy chương tại Olympic Paris 2024. Cụ thể: VĐV giành HCV sẽ được thưởng 1 triệu USD, VĐV giành HCB - 500.000 USD và VĐV giành HCĐ sẽ nhận mức thưởng 200.000 USD.
Ngoài ra, Công ty TNHH Asong Invest còn hỗ trợ đưa các VĐV Việt Nam sang Hàn Quốc tập huấn cũng như đưa một số đội tuyển Hàn Quốc sang tập huấn tại Việt Nam, nhằm tăng cường trao đổi thể thao quốc tế và các hoạt động quản lý khác.
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Văn Duy)
Về điều này, ông Đặng Hà Việt khẳng định: "Sự hỗ trợ của Quỹ chiến lược thể thao quốc tế - một tổ chức có bề dày kinh nghiệm về gây quỹ phát triển phong trào thể thao ở nhiều nước trên thế giới, là một trong những cơ hội vàng cho thể thao Việt Nam trong chặng đường nâng cao thành tích tại đấu trường khu vực, châu lục và thế giới".
Đặc biệt, việc Công ty TNHH Asong Invest cam kết tài trợ tiền thưởng cho VĐV Việt Nam giành Huy chương tại Olympic với nguồn kinh phí khá lớn được xem là sự khích lệ rất lớn, tiếp thêm động lực để các VĐV nỗ lực, quyết tâm cao hơn trên hành trình thi đấu, giành thêm vé tham dự Olympic Paris 2024.
Cùng bàn về chế độ, chính sách đãi ngộ dành cho nhóm VĐV trọng điểm hướng đến Olympic Paris 2024, Cục trưởng Đặng Hà Việt khẳng định: đây là đấu trường thể thao lớn, nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành TDTT trong năm 2024. Chính vì vậy, toàn ngành đang dồn toàn lực, tạo mọi điều kiện tốt nhất trên mọi phương diện lấy VĐV làm trọng tâm để đầu tư trọng điểm. Cụ thể, các Trung tâm HLTTQG cần cân đối, vận dụng nguồn kinh phí tốt nhất để mua sắm, cung cấp đủ trang thiết bị tập luyện, phục hồi chức năng cho VĐV trong quá trình tập luyện. Đặc biệt, nhóm VĐV trọng điểm phải được phân tách khu ăn và khu tập riêng. Ưu tiên tăng cường đội ngũ y, bác sĩ thường xuyên hỗ trợ, chăm sóc VĐV trước, trong và sau khi tập luyện, thi đấu.
Trong trường hợp, đối với 1 số Trung tâm HLTTQG ở xa như: Cần Thơ, Đà Nẵng hay trường Đại học TDTT Bắc Ninh việc điều phối y, bác sĩ sẽ khó khăn hơn. Chính vì vậy, các đơn vị nên chủ động xây dựng các kế hoạch thuê, vận dụng nguồn lực lượng hiện có tại địa phương nhằm phục vụ, hỗ trợ tốt nhất cho VĐV có được thể lực và chăm sóc tốt nhất khi bước vào tranh tài tại các giải đấu nằm trong hệ thống tính điểm cũng như thi đấu tại Olympic.
N.H