Nhiều góc tiếp cận mới tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành VHTTDL

Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành VHTTDL diễn ra vào ngày 3/1 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ các đại biểu là lãnh đạo các Sở VHTTDL, lãnh đạo Sở VH-TT trên cả nước.

Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành VHTTDL (ảnh: Văn Duy)

Ông Bùi Hữu Toàn - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương - Phát triển Thể thao thành tích cao cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Trong năm 2023, TTTTC Bình Dương đã tham dự 145 giải, kết quả đạt được 692 huy chương các loại ở các cấp độ giải. Có 285 VĐV đẳng cấp quốc gia trong đó có 139 kiện tướng, 146 cấp 1. Đặc biệt, trên đấu trường quốc tế nhiều VĐV của tỉnh Bình Dương đã trở thành nhà vô địch thế giới như: Bao Phương Vinh - vô địch giải Bi-a Carom 3 băng thế giới tại Thổ Nhĩ Kì; Hồ Huy Bình - vô địch giải thể hình thế giới tổ chức tại Hàn Quốc; Lại Lí Huynh - vô địch giải cờ tướng thế giới tại Hoa Kì hay cặp đôi Trần Thị Kim Thanh và VĐV Trần Thị Diễm Trang vô địch bi sắt thế giới tại Thái Lan; Dương Đức Bảo - vô địch Muay thế giới...

Để có được kết quả trên, Bình Dương đã tập trung chuẩn hóa đội ngũ HLV; Chú trọng đổi mới cơ chế tổ chức và quy trình đào tạo VĐV TTTTC, phát triển các tài năng trẻ để bổ sung cho tuyến tuyển, đầu tư tập trung các môn thể thao có thế mạnh những môn nằm trong nhóm 1 quốc gia thi đấu SEA Games, ASIAN Games, Thế vận hội Olympic. Chuẩn hóa cơ sở vật chất kĩ thuật, trang thiết bị có vai trò rất quan trọng cần được quan tâm nhằm bước đầu đáp ứng nhu cầu tập luyện của các VĐV và phục vụ tổ chức thi đấu các giải quốc gia và quốc tế.

Điều chỉnh, thay đổi các cơ chế chính sách đãi ngộ khích lệ, động viên kịp thời lực lượng VĐV, HLV, những người tham gia công tác TDTT cũng như đảm bảo tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện cho các đội tuyển tập luyện và thi đấu thể thao.

Tăng cường trong công tác tập huấn, thi đấu cọ xát trên các đấu trường khu vực, quốc gia và quốc tế để các VĐV biết rõ vị trí của mình đang ở đâu, đẳng cấp nào để từ đó tích lũy chuyên môn, kĩ thuật, chiến thuật, kinh nghiệm tâm lí vững vàng trong quá trình thi đấu.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Văn hóa góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch

Lâm Đồng đang ưu tiên phát triển 4 nhóm sản phẩm chủ lực là du lịch sinh thái gắn với tham quan, văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch canh nông (nông nghiệp) và đa dạng hóa các nhóm sản phẩm du lịch hỗ trợ: chăm sóc sức khỏe, du lịch ẩm thực, du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng triển khai cơ chế chính sách phát triển kinh tế ban đêm, trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã và đang hình thành các mô hình dịch vụ du lịch về đêm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan trải nghiệm của du khách như Vườn Ánh Sáng Lumiere Đà Lạt, Vườn ánh sáng tại khu du lịch cấp tỉnh TTC World Thung lũng Tình Yêu… 

Ông Bùi Thế Nhân- Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận - thu hút du khách qua việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023

Năm 2023, Bình Thuận đón khoảng 8,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 220.000 lượt. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân 16,28%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 2,07 lần/năm; khách nội địa tăng bình quân 14,8%/năm. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 19.500 tỷ đồng, tăng bình quân 16,56%/năm. Du lịch Việt Nam ghi nhận ngành du lịch tỉnh Bình Thuận đã lọt vào top các địa phương trong cả nước có doanh thu trên 10.000 tỉ đồng….

Ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM: hướng tới thành lập Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa

Đây là nhân tố quan trọng tham gia dẫn dắt thị trường văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa còn đang bỏ ngỏ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Trong thời gian qua, các dịch vụ văn hóa ngày càng được định hình, tạo thành những sản phẩm văn hóa mang tính đặc thù, tạo ra giá trị kinh tế, giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mỹ để công chúng tiếp nhận và tiêu thụ. Tuy nhiên, việc làm này là mô hình mới, đòi hỏi sự chặt chẽ nhưng không quá thận trọng để mất đi những "cơ hội vàng" trong lĩnh vực công nghiệp giải trí, sáng tạo.

Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc: tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực văn hóa

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bên cạnh những thành tựu khoa học và sự hỗ trợ phát triển đáp ứng nhu cầu đời sống con người thì cũng có những tác động tiêu cực, đặc biệt đối với văn hoá.  Là một đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL, Nhà hát luôn ý thức rất rõ vai trò và vị trí của mình trong việc phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá và việc bảo vệ biên cương văn hoá tư tưởng nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hoá con người. Với vai trò là những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng, Nhà hát luôn chủ động chuyển mình để đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới từ năng lực chuyên môn, nhận thức xã hội, bản lĩnh chính trị, truyền thông phương pháp tiếp cận, không ngừng nắm bắt những thông tin và xu hướng nhằm góp phần xây dựng văn hoá, con người Việt Nam trong tình hình mới

Ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của đại biểu tại diễn đàn Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh những ý kiến này sẽ góp phần quan trọng vào sự phối hợp nhuần nhuyễn của “Cỗ xe tam mã” VHTTDL trên chặng đường hướng tới thành công chung.

A.T

Ảnh trong bài
  • Nhiều góc tiếp cận mới tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành VHTTDL