Dưới đây là 10 sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2023
1. Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam
Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Theo đó, chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 80 năm ra đời bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp cùng các ban, bộ, ngành và địa phương tổ chức nhằm nhìn lại và tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn của bản đề cương.
Cùng với đó, Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam được tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Triển lãm ảnh cùng chủ đề cũng góp phần làm phong phú các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về sự kiện 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật với chủ đề "Đề cương Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử" để lại nhiều dấu ấn đặc biệt nhân dịp kỷ niệm trọng đại của dân tộc.
2. Lần đầu tiên tổ chức sự kiện "Tuyên dương 78 gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023" và Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc
Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 là dịp để đánh giá phong trào thi đua của ngành VHTTDL thời gian qua; đánh giá quá trình triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đồng thời, là dịp để biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những gương điển hình tiêu biểu của ngành trong hoạt động tham mưu, quản lý, tổ chức, thực hiện các hoạt động văn hóa trên toàn quốc.
Lĩnh vực Thể thao có 3 sự kiện được vinh danh trong năm 2023 của ngành VHTTDL (Ảnh: TTX)
Cũng trong dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập ngành, Bộ VHTTDL đã lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc. Hơn 1.000 cán bộ làm công tác văn hóa tham dự hội nghị để gặp gỡ, cùng nhìn lại chặng đường đã đi qua và nhận diện các mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở nhằm nhân rộng, lan tỏa trong đời sống xã hội.
3. Công nghiệp văn hóa có nhiều thành tựu nổi bật. Hội An, Đà Lạt được công nhận Thành phố sáng tạo của UNESCO
Đối với Đà Lạt, trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc là một tin vui ý nghĩa trong bối cảnh năm 2023, thành phố kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển. Thành phố mong muốn bên cạnh du lịch, tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là âm nhạc sẽ đóng vai trò cốt lõi để thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển đô thị bền vững, gắn kết các nhóm xã hội, dân tộc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong khi đó, với nguồn vốn văn hóa giàu có, đa dạng, độc đáo được kết tinh từ lịch sử hàng trăm năm, là điểm giao thoa của nhiều nền văn hóa, Hội An được coi là nơi nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của cộng đồng.
Như vậy, sau khi Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, giờ đây Việt Nam cùng lúc có thêm một thành phố sáng tạo âm nhạc và một thành phố sáng tạo thủ công và nghệ thuật dân gian.
Theo lộ trình từ nay đến năm 2030, mỗi 2 năm sẽ có tối đa 2 thành phố Việt Nam xây dựng và nộp hồ sơ ứng cử gia nhập UCCN với mục tiêu sẽ có từ 4 - 6 thành phố được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO.
4. Tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ 1 tại tỉnh Lai Châu, năm 2023
Năm 2023, lần đầu tiên, Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ 1 tại tỉnh Lai Châu được tổ chức với chủ đề "Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người".
Đây là minh chứng thiết thực thể hiện cụ thể hóa sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, công tác phát triển chính sách, văn hoá, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; cũng như tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa, du lịch của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; thực hiện chính sách đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc.
Sự kiện còn tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người; góp phần giáo dục thế hệ trẻ trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống. Đây cũng là dịp để lan tỏa, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tới bạn bè trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
5. Việt Nam trúng cử Thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027
Có 173 quốc gia bỏ phiếu, 171 phiếu hợp lệ, Việt Nam đạt 121 phiếu, đứng thứ nhất trong nhóm 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đứng thứ 2 trong tổng số 9 nước ở 5 khu vực được bầu, trong tổng số 195 quốc gia thành viên.
6. Thể thao Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu bảng tổng sắp khi thi đấu ở nước ngoài tại SEA Games 32
SEA Games 32 diễn ra từ ngày 26.4 - 18.5 gồm 36 môn thể thao với tổng số 581 nội dung. Sau 20 ngày thi đấu, Đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giành được tổng cộng 359 huy chương các loại, trong đó 136 HCV, 105 HCB, 118 HCĐ, phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games.
Đây là lần đầu tiên thể thao Việt Nam dẫn đầu toàn đoàn tại một kỳ đại hội thể thao lớn nhất khu vực khi thi đấu ở nước ngoài.
7. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự Vòng chung kết FIFA World Cup nữ 2023
Quốc kỳ Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện, Quốc ca Việt Nam lần đầu tiên được vang lên tại World Cup 2023.
Thông qua ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, HLV Mai Đức Chung và các học trò không chỉ khẳng định sự phát triển và hội nhập của bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế mà còn là những "sứ giả" quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
8. Bắn súng Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành huy chương vàng tại Đại hội Thể thao châu Á - Asian Games
Với điểm số 240.5, Phạm Quang Huy đã vượt quaxạ thủ Lee Won Ho (Hàn Quốc) trong loạt bắn chung kết để giành tấm HCV đầu tiên cho bắn súng Việt Nam ở đấu trường Asian Games.
Đồng thời, đây cũng là HCVđầu tiên của Đoàn thể thao Việt Nam tại Asian Games 19 sau nhiều ngày chờ đợi.
9. Ngày 14.8.2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc thực hiện áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và Nghị quyết số 128/NQ-CP nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với 13 nước được đơn phương miễn thị thực
Nghị quyết này được coi là sự “cởi trói” đúng lúc cho ngành du lịch, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời phù hợp với xu thế mở cửa của các nền kinh tế trên thế giới.
Các giải pháp mang tính đột phá này đã khẳng định chủ trương mở cửa đối với người nước ngoài đến Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch tới Việt Nam.
10. Du lịch Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới năm 2023
Du lịch Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới năm 2023. Trong đó, lần thứ 4 Việt Nam được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới, lần thứ 5 được bình chọn là Điểm đến Du lịch hàng đầu châu Á.
Những giải thưởng này là sự ghi nhận của bạn bè, đối tác quốc tế trên toàn thế giới đối với du lịch Việt Nam, tiếp tục là động lực để Việt Nam khai thác tiềm năng du lịch to lớn, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; lan tỏa sức hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế trên toàn cầu đến khám phá và trải nghiệm trọn vẹn tại Việt Nam.
Tháng 7.2023, Tạp chí du lịch nổi tiếng The Travel của Canada bình chọn Việt Nam là một trong 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới từ khảo sát do InterNations tiến hành dựa trên câu trả lời của 12.000 người thuộc 174 quốc gia.
Năm 2023, ngành du lịch phục vụ khoảng 110 triệu khách du lịch nội địa, 13 triệu khách quốc tế.
N. H