Năm 2023: các mặt hoạt động của công tác Người khuyết tật được triển khai toàn diện, đồng bộ

Sáng 28/12, Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật (NKT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về NKT, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Hồi chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị về phía Bộ VHTTDL có Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình – Khuất Văn Quý; Cục TDTT có Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh.

Dự Hội nghị  có Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình – Khuất Văn Quý; Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh 

Tại Hội nghị, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam Tô Đức đã báo cáo về kết quả công tác về NKT năm 2023 trong đó nhấn mạnh: các mặt hoạt động của công tác NKT đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, chủ động với sự quan tâm và phát huy trách nhiệm của các thành viên Ủy ban các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức hữu quan. Quá trình triển khai nhiệm vụ luôn bám sát kế hoạch công tác được Chủ tịch Ủy ban phê duyêt, lựa chọn trọng tâm trọng điểm, tăng cường lồng ghép và phát huy vai trò điều phối của Ủy ban trên mọi mặt hoạt động để bảo đảm hiệu quả hiệu quả thực chất. Nhìn chung, hoạt động của Ủy ban ngày càng thu hút sự quan tâm, ủng hộ và tham gia tích cực của các Bộ, ngành, tổ chức và các đối tác phát triển; quan hệ phối hợp giữa các Bộ, ngành thành viên trong việc phát triển các nhiệm vụ được giao có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc bảo vệ quyền của NKT và thực hiện các chính sách trợ giúp NKT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc.

Những đổi mới tích cực trong hoạt động truyền thông về nội dung, phương pháp, đối tượng... mang lại nhiều hiệu quả thực chất trong việc nâng cao nhận thức, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội về vấn đề NKT, thu hút sự quan tâm và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân, cộng đồng dân cư, giảm thiểu định kiến xã hội về năng lực của NKT, thúc đẩy chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề, tạo sinh kế phù hợp để NKT tự chủ cuộc sống. Các rào cản xã hội từng bước giảm dần, quyền của NKT ngày càng được bảo đảm tốt hơn, các cơ quan, đơn vị đã cố gắng thực hiện các quy định hỗ trợ cho NKT.

Đặc biệt, công tác về NKT trong lĩnh vực thể thao năm 2023 cho thấy những kết quả rất đáng khích lệ. Đoàn Thể thao NKT Việt Nam tham sự Đại hội Thể thao NKT Đông Nam Á lần thứ 12 tại Campuchia, giành được 66 HCV, 58 HCB, 77 HCĐ, lập 19 kỷ lục Đại hội, xếp thứ 3/11 nước tham dự và giành được 01 HCV, 10 HCB, 09 HCĐ tại ASIAN Para Games 4 tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc. Tính đến thời điểm này, Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã có 1 suất chính thức tham dự Paralympic 2024 tại Pháp (VĐV Lê Văn Công môn Cử tạ). Hiện nay có 12 CLB thể thao NKT ở cơ sở được kiện toàn với trên 2650 nghìn người tham gia tập luyện hàng năm, 35 tỉnh, thành phố có phong trào thể thao NKT với nhiều hoạt động, nhiều môn thể thao phù hợp.

Thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, hạn chế, đồng thời chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại hạn chế đó, Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam đã rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để từ đó xây dựng 11 nhiệm vụ cho năm 2024 hiệu quả hơn. Trong số các nhiệm vụ này, công tác TDTT dành cho NKT được nhấn mạnh thông qua  việc tổ chức các giải thi đấu thể thao, liên hoan văn nghệ NKT toàn quốc, tham gia các giải thể thao quốc tế dành cho NKT. Phát triển một số môn thể thao cho NKT tập luyện phục hồi sức khỏe tại cộng đồng, phù hợp với thể chất và tình trạng khuyết tật.

Hội nghị cũng được nghe các ý kiến đóng góp của các đơn vị như: Hội người mù Việt Nam, Hội NKT thành phố Hà Nội, Liên hiệp hội về NKT Việt Nam, Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Liên hiệp hội về NKT Việt Nam....

Bà Trịnh Thu Thủy, Hội NKT thành phố Hà Nội chia sẻ ý kiến liên quan tới công tác NKT trong lĩnh vực du lịch. Vui mừng đánh giá về kết quả tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn 3 sao phải có xe lăn cho NKT, 4 sao có buồng cho NKT, sảnh đón tiếp phải có phòng vệ sinh cho NKT đi bằng xe lăn... tuy nhiên bà Thủy cũng chỉ ra mối băn khoăn rằng việc tiếp cận này chỉ mới áp dụng cho hệ thống khách sạn 3 sao trở lên. Bên cạnh đó, các khái niệm về du lịch cho mọi người, du lịch tiếp cận vẫn chưa được đề cập tới. Cũng liên quan tới lĩnh vực du lịch, một đại diện của Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc chia sẻ quan điểm hỗ trợ NKT thông qua giải pháp tổ chức tour, tuyến đưa khách du lịch tới tham quan tại các địa điểm làm nghề của NKT. Điểu này vừa góp phần cải thiện thu nhập đồng thời thay đổi thái độ của cộng đồng đối với NKT.

Đại diện Bộ VHTTDL, ông Khuất Văn Quý khẳng định: Bộ VHTTDL luôn quan tâm tới công tác NKT trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Để làm tốt hơn công tác cho NKT ở các lĩnh vực thuộc Bộ quản lý, ông Khuất Văn Quý mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức hữu quan đồng thời các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức hữu quan bố trí cán bộ chuyên trách cho công tác NKT nhằm theo dõi sát sao cũng như làm đầu mối trao đổi công việc....

Hội nghị Tổng kết của Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu dự Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh tầm quan trọng trong phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hữu quan, trong đónhấn mạnh, năm 2023, công tác bảo đảm an sinh xã hội theo Hiến pháp, trong đó có công tác bảo đảm an sinh cho NKT đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, chủ động.

Qua đó, các rào cản xã hội từng bước giảm dần, quyền của NKT ngày càng được bảo đảm tốt hơn, các cơ quan, đơn vị đã cố gắng thực hiện các quy định hỗ trợ cho NKT. Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác bảo đảm an sinh cho người khuyết tật, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về NKT mong muốn cơ quan điều hành tiếp tục phát huy thành quả hoạt động hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội đối với cộng đồng NKT, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Năm 2024, để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, Luật NKT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị các cơ quan, Bộ, ngành trung ương và địa phương có liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về NKT; nhất là cơ chế, chính sách cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, văn hóa, TDTT, giải trí và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, trợ giúp pháp lý, công nghệ thông tin và truyền thông. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp NKT, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp NKT.

Cả nước có khoảng 7 triệu người khuyết tật, trong đó 1,6 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng. 342.329 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức NKTđã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt cho NKT.

Năm 2023 ngân sách nhà nước đã bố trí 31,3 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và khoảng 489 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT.

A.T, ảnh Văn Duy

Ảnh trong bài
  • Năm 2023: các mặt hoạt động của công tác Người khuyết tật được triển khai toàn diện, đồng bộ
  • Năm 2023: các mặt hoạt động của công tác Người khuyết tật được triển khai toàn diện, đồng bộ
  • Năm 2023: các mặt hoạt động của công tác Người khuyết tật được triển khai toàn diện, đồng bộ