Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, thể thao thành tích cao Việt Nam đã có sự tiến bộ rõ nét, khẳng định vị thế trong khu vực Đông Nam Á và bước đầu tiếp cận trình độ thể thao của châu lục và thế giới. Tuy nhiên, sự phát thể thao thành tích cao của nước ta đang gặp những thách thức lớn khi Việt Nam luôn là 1 trong 3 quốc gia có thành tích cao nhất tại khu vực Đông Nam Á nhưng tại đấu trường ASIAD, thể thao Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực.
Đây đang là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi ngành thể thao cần phải đổi mới về cả tư duy và cách làm. Từ thực tế đặt ra tại các kì Thế vận hội Olympic 2012, 2016, 2020 và Asian Games 2018 và 2022 đã chỉ ra rằng thành tích và số lượng VĐV Việt Nam tham dự không ổn định. Chình vì vậy, lãnh đạo ngành VHTTDL, đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có những trăn trở làm thế nào để thể thao thành tích cao của Việt Nam đáp ứng với những thay đổi của điều kiện thực tế cũng như giúp cho các VĐV nâng cao năng lực cạnh tranh tại Olympic và Asian Games. Xuất phát từ thực tế đó
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chỉ đạo ngành TDTT tổ chức Hội nghị định hướng phát triển TTTTC đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện như một “Hội nghị Diên hồng”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng hi vọng ngành TDTT sẽ thực hiện một cuộc cách mạng
Hội nghị đã được tổ chức với sự tham dự của đại diện Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; Ban Tuyên giáo Trung ương; Văn phòng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp; Bộ Công an; Bộ GDĐT; ngành Quân đội; lãnh đạo 45 Sở VHTT, Sở VHTTDL trên cả nước, lãnh đạo Cục TDTT, nguyên lãnh đạo ngành TDTT, các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia… Hội nghị định hướng phát triển TTTTC đã thu được những kết quả đáng mừng. Ngoài những ý kiến tham luận về các giải pháp để phát triển thể thao thành tích cao từ các nhà quản lý, chuyên gia,
06 nhóm nhiệm vụ được xây dựng dựa trên thực tế tại SEA Games, Asian Games, Thế vận hội Olympic đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao. Bên cạnh đó ngành TDTT cũng đã nhận dược những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm trong đó có cả những phê bình thẳng thắn.
Trên tinh thần cầu thị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định việc giải bài toán thể thao thành tích cao không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần có lộ trình, bước đi, nguồn lực, tổ chức rõ ràng. Nếu chỉ mong muốn trong một Hội nghị giải quyết được toàn bộ là không đủ, Hội nghị lần này chỉ là bước khởi đầu.
Để nâng tầm TTTTC Việt Nam trên đấu trường châu lục và thế giới trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chỉ ra những nhiệm vụ cấp thiết mà ngành TDTT cần phải tập trung triển khai trong thời gian tới:
Thứ nhất: Tập trung thực hiện Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 một cách bài bản, khoa học
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu sau khi quy hoạch về thể thao được phê duyệt, ngành TDTT cần tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện đúng theo phân cấp, phân quyền, gắn liền với trách nhiệm. Trên cơ sở đó hoàn thiện Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc đánh giá lại một cách toàn diện về sự phát triển của thể thao cho mọi người cũng như thể thao thành tích cao trong đó có việc tìm kiếm giải pháp huy động các nguồn lực, xem xét nhiều góc độ để tập trung thực hiện Chiến lược một cách bài bản, khoa học nhằm góp phần cải thiện thành tích của thể thao thành tích cao trên đấu trường quốc tế.
Thứ hai: Tìm hướng trong đầu tư, đào tạo
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu ngành TDTT trong thời gian tới phải tập trung chấn chỉnh công tác đào tạo, tính toán từ cấp tỉnh, ngành đến hình thành các cấp độ đội tuyển. Trong đó, đặc biệt chú ý quy trình tuyển chọn, đào tạo cần mang tính hệ thống, bố trí điểm tập huấn tập luyện hợp lý với từng môn, đây là yếu tố nền tảng. Tiếp theo, ngành TDTT cần tập trung rà soát cơ sở vật chất đối với từng Trung tâm HLTTQG, từng địa phương để xác định thế mạnh, bố trí đội tuyển phù hợp. Ngành cũng cần phải tuyển chọn danh mục các môn thể thao trọng điểm; phát hiện, bồi dưỡng các VĐV, HLV tài năng. Phải chọn danh mục thể thao trọng điểm, từ đó lựa chọn các VĐV trọng điểm đào tạo theo hướng từ sớm, từ xa. Hiện chúng ta xác định có 9 môn thể thao trọng điểm thì từng bộ môn phải lựa chọn được những VĐV trọng điểm và xây dựng danh sách tương ứng như tập luyện tại cơ sở đào tạo nào? do HLV nào phụ trách?…
Thứ ba: Đẩy mạnh vai trò của quan hệ quốc tế
Ngành TDTT cần khai thác yếu tố hợp tác quốc tế và thế mạnh của đối ngoại để tìm được những chuyên gia, HLV giỏi.
Thứ tư: Đẩy mạnh công tác ứng dụng Công nghệ thông tin
Khẳng định tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực TDTT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu ngành TDTT cần ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đào tạo, huấn luyện và quản lý, điều hành, hướng đến thành tích cao tại đấu trường quốc tế.
Thứ năm: Khơi gợi khát vọng “màu cờ, sắc áo”
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng ngành TDTT cần vận dụng bài học lịch sử của cha ông ta để khơi gợi lên khát vọng “màu cờ, sắc áo”, không được phép nản lòng khi chưa đạt được mục tiêu đề ra. Ngành thể thao cần tiếp tục khơi dậy niềm tin, khát vọng chiến thắng không chỉ trong đội ngũ các HLV, VĐV mà còn trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành để hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa.
Thứ sau: Đồi mới về tư duy
Để phát huy hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Cục TDTT cũng phải thay đổi tư duy, đổi mới cách làm, trong bối cảnh hiện nay phải quản trị về thể thao chứ không phải quản lý về thể thao theo cách làm thông thường. Phải đúng vai, thuộc bài trong việc thực thi các nhiệm vụ.
Rất nhiều việc phải làm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, đã có giấc mơ thì phải thức dậy để thực hiện giấc mơ đó.
Sau Hội nghị dù ngắn nhưng cũng giúp "vỡ" ra nhiều điều, Bộ trưởng mong muốn ngành TDTT bước vào năm 2024 với quyết tâm cao hơn, hoàn thiện, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nâng tầm thể thao thành tích cao, bắt đầu từ kế hoạch ngắn hạn, làm từ việc nhỏ đến lớn
A.T, ảnh Văn Duy