Ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng phòng thể thao thành tích cao I phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bùi Lượng
- Thưa ông, trong thời gian qua, Thể thao Việt Nam có rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua để đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Xin ông cho biết, đâu là động lực để chúng ta đạt được những thành tích đó?
+ Trước khi nói về những động lực để chúng ta thực hiện được những thành tích tích đáng tự hào đó thì trước mắt tôi có thể nói rằng, trong thời gian vừa qua Thể thao Việt Nam đã có được những thành tựu nhất định, đặc biệt ở các sân chơi khu vực, châu lục và thế giới. Chính thành tích này đã tạo nên tinh thần cho thể thao nước nhà. Các HLV, VĐV -những người thi đấu trực tiếp đã rất nỗ lực, rất cố gắng, đặt biệt là rất đam mê. Những giọt mồ hôi đổ ra trên thao trường hằng ngày chỉ mong giành được vinh quang, tôi cho rằng đó là động lực lớn nhất để mang lại những thành công cho Thể thao Việt Nam trong thời gian qua. Bên cạnh đó, nhờ có sự hỗ trợ của các chuyên gia cùng việc bổ sung dinh dưỡng cũng có một phần tác động. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn phải cố gắng nhiều bởi vì như tôi đã nói thành tích tại sân chơi ASIAD và Olympic của chúng ta chưa ổn định.
Hoàng Xuân Vinh đã mở ra trang sử mới cho thể thao Việt Nam ở đấu trường Olympic
Trong khi đó, Thái Lan họ không xếp thứ nhất ở đấu trường SEA Games nhưng họ lại giành tới 12 HCV tại ASIAD 19, gấp 4 lần Việt Nam (3 HCV). Đây cũng là bài toán đặt ra cho những người làm chuyên môn đó là nước bạn Thái Lan đã có chiến lược gì?
Thực ra, họ có một số môn gọi là môn chủ đạo như: Esport, Thuyền buồm, Đua ngựa… Rõ ràng, chúng ta thua ở những môn hiện đại và môn xã hội. Chính vì vậy, sắp tới chúng ta cần phải phối hợp và nghiên cứu phát triển các môn mới như vậy.
- Một điều dễ dàng nhìn thấy tại ASIAD vừa rồi về thành tích thì chúng ta đáp ứng được yêu cầu, nhưng về kỳ vọng thì không. Nhưng có một vấn đề có ý kiến cho rằng, liệu đã đến thời điểm chúng ta tập trung vào một số môn để tranh tài ở các sân chơi lớn. Quan điểm của ông trong vấn đề này như thế nào?
+ Tại ASIAD vừa rồi, Việt Nam đạt được 3 HCV. Đây đều là những tấm huy chương rất quý giá, trong đó có 1 tấm huy chương ở môn Olympic là Bắn súng của xạ thủ Phạm Quang Huy.
Có thể nói rằng, ASIAD và Olympic khác hẳn nhau. Ở sân chơi ASIAD có 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia tranh tài, mà trong 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á là khoảng hơn 6 tỷ người. Và hơn 6 tỷ người đó thì mỗi quốc gia được cử 1 VĐV giỏi nhất và người vô địch sẽ là người giỏi nhất trong 6 tỷ người đó. Ý tôi muốn nói, VĐV giành được HCV phải thực sự tài năng chứ không có sự may mắn ở đây. Và những tấm HCV này của chúng ta cũng như HCV của các nước trong châu lục đều là những VĐV đã được chuẩn bị từ 5 đến 10 năm trước thì mới có được thành tích trên đấu trường ASIAD.
Và tương tự như vậy, lên đấu trường Olympic có 204 quốc gia thuộc 5 châu lục tranh tài, Việt Nam mới chỉ có được 1 HCV của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016, còn lại là HCB, HCĐ.
VĐVCua rơ Nguyễn Thị Thật trở thành đầu tiên của Thể thao Việt Nam giành vé tham dự Olympic 2024
Đáng chú ý, đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á chỉ mới có Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines có HCV ở đấu trường Olympic. Còn lại Malaysia 7 lần liên tiếp không có HCV và họ chính thức đã có một chiến dịch "Khát vọng huy chương vàng Olympic" và Chính phủ Malaysia đã thành lập Quỹ gần 13 triệu USD để thưởng cho HCV Olympic. Điều này cho thấy sự tranh đua tấm HCV ASIAD và Olympic là rất khó khăn và quyết liệt.
Có câu hỏi đặt ra là, “Thể thao Việt Nam nên tập trung ở những môn nào và nội dung nào để VĐV của mình có trình độ khẳng định?" đã được ngành Thể thao tập trung đầu tư cách đây 5-10 năm trước. Chúng ta đã có chiến lược thể thao giai đoạn 2010-2020 được Chính phủ phê duyệt và đã có những môn gọi là môn đầu tư Olympic. Và những VĐV nội dung Olympic thì chúng ta mới có môn Bắn súng giành HCV do công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và bây giờ chúng ta trông vào những môn như: Cử tạ, Bắn cung và những môn có khả năng tranh chấp đối kháng ít vì thể hình của chúng ta chưa được to cao mà mình phải tận dụng những ưu thế và những nội dung thế mạnh của người Việt Nam.
Cử tạ cũng đang được đầu tư trọng điểm để giành vé tham dự Olympic
- Xin ông cho biết, chiến lược của Thể thao Việt Nam trong thời gian tới như thế nào để đáp ứng chủ đề của Hội thảo là "Nâng tầm ASIAD - Khát vọng Olympic"?
+ Đúng như chủ đề mà chúng tôi đã báo cáo và nghiên cứ rất nhiều đó là "Nâng tầm ASIAD - Khát vọng Olympic" có nghĩa là ASIAD chúng ta phải nâng lên một tầm mới. Trước đây, chúng ta mới chỉ có 3 HCV tại ASIAD 19 thì các kỳ ASIAD tới chúng ta phải nâng số lượng HCV lên nhiều hơn. Còn Olympic thì chiến lược sẽ phải dài hơi hơn vì đầu tư Olympic không phải là hành chính quản lý mà phải có cơ sở vật chất và có một hệ thống Olympic đi theo.
Trước tiên, chúng tôi cần xây dựng một giải pháp nội tại, cấp bách nhất mà có thể giải quyết được trong ngành Thể thao, chưa phải kêu gọi đến nhiều Bộ, ban, ngành khác cũng như chưa cần thay đổi về Luật hay kinh phí quá nhiều. Trước mắt đó là giải pháp về HLV, VĐV về sự tuyển chọn các tài năng cần tích cực hơn và minh bạch hơn để tìm ra được những tài năng sớm hơn và chính xác hơn. Sau khi tìm được rồi thì công tác huấn luyện và đào tạo phải tìm được những người thầy giỏi, chuyên gia giỏi, các Trung tâm Huấn luyện và cơ sở vật chất phải đạt tiêu chuẩn. Hai điều kiện nội tại này là phải giải quyết được.
Một cái nữa đó là quản lý HLV, VĐV trong giờ tập luyện. Quản lý ở đây là phải nghiêm túc hơn, chăm chỉ hơn để quản lý ra thành tích, quản lý ra tài năng, quản lý ra huy chương và quản lý ra những nhà vô địch. Đây là việc rất quan trọng bởi các nhà quản lý, HLV phải quản lý từ bữa ăn, giấc ngủ, việc tập luyện và cuối cùng là tập luyện phải được nâng lên và gói gọn trong 3 nội tại đó là: Tập luyện các động tác khó; Trong thi đấu thực tế như thế nào, VĐV phải được tập luyện như thế; Phải ứng dụng khoa học kỹ thuật. Như chúng ta thấy hiện các nước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các hình ảnh 3D phân tích động tác.
Chúng ta phải có 3 cái nội tại đấy thì VĐV mới phát triển được tốt và có thành tích trong tương lai.
- Hiện Thể thao Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Olympic 2024 diễn ra tại Pháp vào năm sau. Xin ông cho biết, mục tiêu của của chúng ta tại đấu trường danh giá này như thế nào?
+ Olympic là sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, có 329 nội dung thuộc 32 môn thể thao. Mục tiêu của Thể thao Việt Nam là giành từ 12-15 suất chính thức tham dự Thế vận hội.
Hiện tại, chúng ta chỉ mới có 3 VĐV giành vé đến Olympic Paris 2024 là: Trịnh Thu Vinh (Bắn súng), Nguyễn Huy Hoàng (Bơi) và Nguyễn Thị Thật (Xe đạp). Con số này rất ít ỏi. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Phòng Thể thao thành tích cao I, II và các Liên đoàn đã rà soát lực lượng, chuyên môn. Hy vọng, đến tháng 6/2024, 12 môn thi đấu trọng điểm sẽ giành thêm suất dự Olympic.
Ngoài môn Bơi, Bắn súng, Xe đạp, các môn khác như: Điền kinh, Taekwondo, Boxing, Cầu lông, Thể dục dụng cụ, Cử tạ, Đấu kiếm, Bắn cung hay Đua thuyền vẫn còn cơ hội tranh chấp.
Các hạng cân nhẹ của môn Taekwondo được đặt nhiều hy vọng sẽ giành vé tham dự Olympic
Điền kinh Việt Nam có nhiều rào cản, nhưng vẫn hy vọng ở nội dung 4x400m nữ. Tại Olympic sẽ lấy 16 đội mạnh nhất thế giới, trong khi Việt Nam đang xếp hạng thứ 19. Trong số các VĐV ở nhóm chạy này, có Nguyễn Thị Huyền vừa xin nghỉ. Bù lại, chúng ta có thêm sự trở lại của Quách Thị Lan.
Ngoài ra, môn Bơi cũng xây dựng kế hoạch cho VĐV Nguyễn Huy Hoàng giành thêm 1 suất chính thức nữa tại Olympic. Về Boxing, Nguyễn Thị Tâm, Diệu Quỳnh và Hà Thị Linh cũng sẽ nỗ lực tranh chấp suất dự Olympic từ nay đến tháng 6 năm sau.
Với Bắn súng, ngoài Trịnh Thu Vinh, chuyên gia bộ môn này khẳng định sẽ có thêm 1 suất nữa vượt qua vòng loại, đồng thời tập trung cao độ để phấn đấu tranh chấp huy chương Olympic.
Trong khi đó, môn Taekwondo sẽ có vòng loại khu vực châu Á vào tháng 3 năm sau. Các võ sĩ trọng điểm là: Kim Tuyền, Ánh Tuyết, Bạc Thị Khiêm hay Lý Hồng Phúc sẽ tham dự để tranh suất.
Ở môn Cầu lông, Nguyễn Thùy Linh đứng trước cơ hội lớn góp mặt tại Olympic, đồng thời kỳ vọng vào 2 tay vợt nam là Đức Phát và Hải Đăng. Thể dục dụng cụ có 4 vận động viên tiềm năng là: Khánh Phong, Xuân Thiện, Hải Khang và Vỹ Lương.
Môn Bắn cung còn 1 giải đấu World Cup Final tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6/2024. Bên cạnh đó, Đua thuyền có vòng loại khu vực châu Á diễn ra vào tháng 4 năm sau tại Hàn Quốc, bao gồm nội dung M1X, W1x LW2X.
- Xin cảm ơn ông!
Mỹ Hạnh (Thực hiện)