Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả phát triển thể dục thể thao

Tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, TS.Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội - đã có tham luận “Đổi mới công tác quản lý HLV, VĐV đội tuyển tại các Trung tâm HLTTQG” nhằm nâng cao hiệu quả phát triển TDTT trong giai đoạn hiện nay. Bên hành lang Hội nghị, TS.Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ về sự phát triển của Thể thao Việt Nam thời gian qua và định hướng phát triển thể thao thành tích cao trong thời gian tới.

TS.Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030

Xuất thân từ VĐV và có hơn 30 năm làm công tác giảng dạy, quản lý TDTT, ông mong muốn gì qua Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030?

TS. Nguyễn Mạnh Hùng: Hội nghị này là dịp để lãnh đạo ngành TDTT đánh giá tổng thể các giai đoạn của Thể thao Việt Nam trong nhiều năm qua, thực trạng những tích cực và hạn chế. Những khó khăn hiện nay từ khâu tổ chức, cơ chế chính sách… còn nhiều bất cập. Qua Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia đầu ngành, các chuyên gia công tác trong lĩnh vực TDTT, các nhà quản lý của đơn vị trong ngành… nêu ra những mặt tồn tại, những điều còn khó khăn và các giải pháp thực hiện. Cũng từ Hội nghị này, tôi mong lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng như lãnh đạo các ngành, các cấp quan tâm để có định hướng phát triển thể thao những năm tới ngày càng tốt hơn.

Xin ông cho biết, Thể thao Việt Nam đạt được những thành tựu gì trong thời kỳ đổi mới của đất nước?

TS. Nguyễn Mạnh Hùng: Trong sự phát triển chung của đất nước, ngành TDTT cũng đã có những bước tiến lớn góp phần tạo sức lực cho nhân dân khỏe mạnh để học tập, lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đem lại giá trị sống tích cực cho mỗi người dân. Nhìn lại lịch sử nước ta từ một đất nước có nền thể thao kém trong khu vực Đông Nam Á trước những thập niên 70-80 và 90. Sau những năm đổi mới của đất nước, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của các Bộ, Ngành và Nhân dân, Việt Nam lần đầu tổ chức thành công SEA Games 22 đã đem lại sự khích lệ cho mọi tầng lớp nhân dân tích cực rèn luyện TDTT, nâng cao sức khỏe để xây dựng hạnh phúc gia đình và kiến thiết quốc gia. Ngành TDTT có một Ủy ban trực thuộc Chính phủ, cơ quan ngang Bộ đã phát huy được sức mạnh, đem lại nhiều thành công cho Thể thao Việt Nam những năm tiếp theo về cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.

Đặc biệt là sau SEA Games 22 năm 2003, Việt Nam luôn đứng trong tốp 3 của các kỳ Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á. Điều đó không thể phủ nhận sự cố gắng của Nhà nước, của Ngành TDTT, những người làm công tác thể thao, sự nỗ lực của cán bộ, HLV, VĐV, các Bộ, ngành khác, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đóng góp để Ngành TDTT có được những thành công đó. Thể thao Việt Nam không chỉ đứng tốp đầu Đông Nam Á mà từng bước tới châu Á, có những tấm huy chương quý giá tại Olympic, ASIAD của các môn: Taekwondo, Cử tạ, Bắn súng, Điền kinh, Võ, Xe đạp, Thể dục…

Theo ông, khó khăn hiện nay của Thể thao Việt Nam là gì?

TS.Nguyễn Mạnh Hùng: Khi xã hội phát triển, điều kiện kinh tế được cải thiện, việc thay đổi chính sách cho phù hợp với ngành, nghề đối với TDTT cũng đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy vậy, thực tế việc một người làm công tác TDTT hay HLV, VĐV đội tuyển quốc gia sống bằng nghề của mình là khó khăn chứ chưa nói là dư giả. Nếu có chính sách tốt, thu hút được nguồn lực của xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao, tạo đà cho thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao thì trọng tâm là chính sách về con người để TDTT ngày càng phát triển vững mạnh.

Xã hội hóa thể thao phát triển chưa đồng đều. Ngành TDTT không có nguồn lực xã hội ổn định, bền vững từ xã hội hóa TDTT như những nước tiên tiến khác trên thế giới. Hiện nay, một số môn thể thao đã được xã hội quan tâm như: Bóng đá, Bóng chuyền, Golf hay một vài môn thể thao giải trí khác… Song thực sự hiện nay, nền TDTT nước nhà vẫn phải bao cấp nhất là trong khâu đào tạo, huấn luyện và thi đấu các đội tuyển thể thao. Đây là một thực trạng khó khăn của nước ta.

Nguồn lực lượng VĐV, HLV còn mỏng, VĐV kế cận ít. Hệ thống cơ sở vật chất từ quốc gia đến các đơn vị phần nào còn chưa đáp ứng được trong công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện nâng cao. Chế độ đãi ngộ cho HLV, VĐV trước, trong và sau thi đấu còn chưa tạo động lực thu hút nhân tài. 

Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng với các VĐV đội tuyển điền kinh

Theo ông, cần có những giải pháp gì nhằm góp phần nâng cao hiệu quả phát triển TDTT trong giai đoạn hiện nay?

TS. Nguyễn Mạnh Hùng: Thể dục thể thao không trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội song vai trò của TDTT đã gián tiếp đem lại cho con người về sức khỏe thể lực và tinh thần ở trong tất cả các lĩnh vực khác của xã hội. Từ trẻ đến già, nam đến nữ và các đối tượng tuổi khác nhau đều cần có sức khỏe bảo đảm chất lượng cuộc sống, đồng thời thể thao thành tích cao góp phần làm nâng cao vị thế của đất nước, tạo an sinh xã hội cho nhân dân vui tươi, xây dựng cuộc sống cho mỗi người dân, xây dựng đất nước văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Thông qua quá trình làm việc thực tiễn đồng thời trao đổi với các nhà quản lý, các thế hệ đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TDTT, chúng tôi rút ra và có một vài chia sẻ nhằm đóng góp một phần nhỏ bé trong công tác quản lý, định hướng, phát triển TDTT trong giai đoạn hiện nay của đất nước. Thể thao cũng giống như giáo dục nếu chỉ một Ngành TDTT làm sẽ không thành công, mà cần cả xã hội vào cuộc (gia đình và xã hội), cần sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp xây dựng chính sách để phát triển chiến lược TDTT; đồng thời tạo ra nhiều chính sách đẩy mạnh xã hội hóa TDTT.

Ngành TDTT cùng các ngành khác nên xem xét xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng tham gia công tác phát triển TDTT từ cơ sở đến Trung ương. Xây dựng thể chế, chế độ đãi ngộ cho những người làm công tác TDTT, VĐV, HLV, hướng dẫn viên…

 Nâng cao cơ sở vật chất để người dân có điều kiện tập luyện TDTT như: quỹ đất dành cho TDTT, sân tập, vườn hoa, công viên, khu dân cư, cơ quan, trường học, bệnh viện… đều có nơi cho mọi người tập luyện TDTT. Từng bước nâng cao cơ sở vật chất các cơ sở huấn luyện, đào tạo tài năng thể thao, tăng cường các thiết bị hiện đại, đảm bảo số lượng, chất lượng về đào tạo HLV, hướng dẫn viên, đầy đủ và tiến tới hiện đại.

Đối với thể dục thể thao quần chúng, cần trú trọng các điều kiện để cho mọi tầng lớp xã hội dễ tiếp cận và có điều kiện tập luyện TDTT từ cụm dân cư, trường học, bệnh viện, cơ quan, trường huấn luyện, giáo dục, giáo dưỡng, vùng sâu, vùng xa… 

Đối với thể thao thành tích cao, cần có chế độ chính sách thu hút tài năng cho HLV, VĐV giỏi từ lương, thưởng… có chế độ chính sách tốt cho những người làm công tác TDTT. Cần đầu tư xây dựng lực lượng VĐV bằng chương trình mục tiêu quốc gia cho các tỉnh, thành, ngành (mà trước đây đã thực hiện tốt). Xây dựng cơ chế tuyển chọn VĐV, chuyên gia, HLV, quản lý, đào tạo huấn luyện hợp lý đảm bảo hiệu quả. Lựa chọn các môn, các nội dung trọng tâm, trọng điểm phù hợp với đặc thù, tầm vóc, tâm lý của con người Việt Nam để đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

Xin cảm ơn ông!

Phương Mai (thực hiện)

Ảnh trong bài
  • Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả phát triển thể dục thể thao
  • Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả phát triển thể dục thể thao