Theo báo cáo của đại diện tổ soạn thảo, ông Vũ Xuân Thành – Phó trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1: Quy chế, quy định tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn VĐV đội tuyển quốc gia đã được đưa vào triển khai xây dựng từ năm 2021, đến nay đã lấy được đầy đủ các ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia. Tuy nhiên, để Quy chế áp dụng được trong thực tiễn thì vẫn cần thiết phải điều chỉnh và xem lại một số điều để phù hợp với xu thế phát triển của thể thao trong nước và quốc tế.
Ông Đặng Hà Việt chủ trì buổi làm việc (Ảnh: Văn Duy)
Về điều này, Cục trưởng Đặng Hà Việt cho rằng, việc xây dựng và sớm ban hành quy chế, quy định tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn VĐV đội tuyển quốc gia là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay khi thể thao thành tích cao Việt Nam đang cần những thay đổi mang tính đột phá. Và để tạo được một nền thể thao đỉnh cao phát triển hòa cùng nền thể thao châu lục, thế giới thì việc có được quy trình, tiêu chuẩn chính xác để tuyển chọn VĐV đội tuyển quốc gia cần xem xét kỹ, tính toán sao thật hợp lý để phù hợp với từng nhóm môn thể thao mang tính đặc trưng, chuyên biệt.
Đơn cử như, tiêu chuẩn lựa chọn VĐV ở nhóm môn mang tính cá nhân như: Bắn súng, Thể dục, Điền kinh, Bơi... và môn mang tính tập thể gồm: Bóng đá, Bóng rổ, Bóng chuyền, Đua Thuyền... phải xây dựng được quy chuẩn và tiêu chuẩn riêng. Có như vậy, mới phát huy được thế mạnh của từng môn thể thao.
Được biết, tiêu chuẩn VĐV đội thể thao quốc gia được quy định tại Điều 36 Luật TD,TT năm 2006 đã chỉ rõ: VĐV được tuyển chọn vào đội thể thao quốc gia phải có đủ các tiêu chuẩn như, là công dân Việt Nam; Có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu tuyển chọn của ban huấn luyện đội tuyển; Có phẩm chất đạo đức tốt.
Đặc biệt, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đủ các tiêu chuẩn quy định ở 3 yếu tố trên được tuyển chọn vào đội thể thao quốc gia phù hợp với pháp luật Việt Nam và quy định của các tổ chức thể thao quốc tế.
Những quy định được nêu trong Luật TD,TT mặc dù đã ban hành nhiều năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Chính vì vậy, tổ soạn thảo nên bám sát các điều khoản trong Luật đã ban hành để từ đó triển khai, điều chỉnh phù hợp hơn với xu thế phát triển của thể thao trong nước và quốc tế. Đặc biệt khi văn bản quy chế, quy định tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn VĐV đội tuyển quốc gia được ban hành thì cần phải làm rõ được trách nhiệm của đơn vị nào phụ trách chuyên môn và quản lý nhà nước, có như vậy sự phối hợp và tuyển chọn VĐV đội tuyển quốc gia mới đạt được kết quả như mong muốn.. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Minh – Phó Cục trưởng Cục TDTT tại buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Văn Duy)
Về công tác tuyển chọn, cử VĐV đủ điều kiện được lựa chọn tham dự các đợt tập huấn nước ngoài nâng cao trình độ, Cục trưởng Đặng Hà Việt cho rằng: Với mỗi VĐV đỉnh cao cần có đủ 30 – 40 trận thi đấu đỉnh cao trong nước và quốc tế trong 1 năm thì mới có thể giúp họ phát huy được hết khả năng và trình độ chuyên môn của mình. Song do nguồn kinh phí nhà nước dành cho việc cử các đoàn đi nước ngoài còn khá hạn hẹp nên trong thời gian qua nhiều môn thể thao đã chịu nhiều thiệt thòi như có quá ít thời gian tập huấn, thi đấu quốc tế. Điều này cũng gián tiếp phần nào ảnh hưởng tới thành tích của cá nhân VĐV và thành tích chung của Thể thao Việt Nam.
Để từng bước khắc phục những điều này, tới đây trong định hướng phát triển và các văn bản xây dựng chiến lược phát triển đối với từng môn, trong đó có văn bản dự thảo quy chế, quy định tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn VĐV đội tuyển quốc gia đang hoàn thiện thì phải chỉ rõ ra được trách nhiệm, vai trò của địa phương (đơn vị đang có VĐV tại đội tuyển quốc gia), Liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia cùng chung tay với ngành TDTT tạo điều kiện tốt nhất cho VĐV có thêm cơ hội thi đấu, học tập, giao lưu với các nền thể thao quốc tế.
Kết luận tại buổi làm việc Cục trưởng Đặng Hà Việt đề nghị tổ soạn thảo, các tổ chuyên môn của Cục khẩn trương phối hợp, điều chỉnh, sớm hoàn thiện văn bản để quy chế, quy định tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn VĐV đội tuyển quốc gia sớm được ban hành và đi vào thực tiễn.
N.H