Chào mừng Quốc khánh 2 - 9: Thể thao Việt Nam trưởng thành cùng đất nước

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam chúng ta cùng nhìn lại những kết quả Thể thao Việt Nam (TTVN) đã đạt được thời gian qua. Báo cáo tại Đại hội thi đua yêu nước ngành TDTT lần 2 vừa được tổ chức thành công năm 2005 cho thấy Thể thao Việt Nam đã làm được rất nhiều việc, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam chúng ta cùng nhìn lại những kết quả Thể thao Việt Nam (TTVN) đã đạt được thời gian qua. Báo cáo tại Đại hội thi đua yêu nước ngành TDTT lần 2 vừa được tổ chức thành công năm 2005 cho thấy Thể thao Việt Nam đã làm được rất nhiều việc, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Lịch sử hơn 4000 năm đấu tranh dựng nước và giữ nước đã hun đúc nên một dân tộc mang truyền thống thượng võ, thể hiện qua những sinh hoạt của cộng đồng người Việt như: Đấu vật, đấu võ, đánh đu, thi bơi, thi lặn... những trò chơi giầu tính thể thao này vẫn được duy trì và phát triển đến ngày nay.

Trong thời Pháp thuộc, các hoạt động thể dục thể thao đã bước đầu phát triển dù còn lẻ tẻ và chưa có tính thống nhất. Nhưng đã giành được một số thứ hạng trong khu vực đáng khích lệ ở các môn như: Bóng đá, Tennis...

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), vượt qua những khó khăn trong hoàn cảnh chung, Thể thao Việt Nam đã bước đầu phát triển. Đi lên từ phong trào "khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc" đến đầu những năm 80 sau khi có chính sách đổi mới (1986) phong trào này đã thực sự phát triển mạnh mẽ, cơ sở vật chất bước đầu được thiết lập, sân vận động, trung tâm huấn luyện, và công tác đào tạo đội ngũ cán bộ ngành đã được chú trọng phát triển.

Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đến nay Ngành Thể dục thể thao đã từng bước phát triển và giành được những thứ hạng cao trên đấu trường khu vực và quốc tế. Theo số liệu thống kê tại Đại hội Thi đua lần 2 vừa qua cho thấy; Thể thao Việt Nam đã và đang bắt nhịp cùng với tốc độ phát triển không ngừng của đất nước.

Trong giai đoạn từ 2000 đến 2005 Phong trào TDTT quần chúng đã có những bước phát triển nhanh, mạnh, sâu rộng và ở mọi lứa tuổi (dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên tăng 10% ). Việc tập luyện TDTT từ tự phát đã trở thành tự giác, giờ đây đi bất cứ đâu, bất cứ địa phương nào chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh quen thuộc: các bài tập quyền, tập thở khí công, những sân cầu lông và những sân bóng đá mini hoạt động sôi nổi. Các câu lạc bộ võ thuật cũng không ngừng tăng lên. Đúng như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao Nguyễn Danh Thái phát biểu: "Sự hiểu biết và ý thức tập luyện TDTT của nhân dân được nhân lên cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế - xã hội và đời sống vật chất - văn hóa, chính là "cốt lõi" đảm bảo sự thành công của quá trình xã hội hóa hoạt động TDTT và các chương trình phát triển TDTT của ngành trong thời gian tới" (Tạp chí Thể thao).

Cùng với phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao cũng đạt được những thành tích không nhỏ góp phần nâng cao vị thế của Thể thao Việt Nam trong khu vực và tiến gần đến hội nhập với thể thao thành tích cao trên thế giới. Thể thao thành tích cao Việt Nam ngày càng được chuyên nghiệp. Đến nay đã có hàng chục lượt VĐV giành được các danh hiệu vô địch thế giới, vô địch châu lục. Đặc biệt phải kể đến thành công ở các đấu trường ASIAD, OlYMPIC, SEA Games (SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam năm 2003 Việt Nam đã giành vị trí quán quân, qua đây cũng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bàn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam).

Thời gian qua công tác xây dựng chiến lược, chương trình, định hướng phát triển ngành Thể dục Thể thao đã có những bước tiến mới. Các cấp quản lý của ngành TDTT đã thực hiện tương đối tốt vai trò tham mưu cho các cấp Đảng, Chính Phủ, nhằm đẩy mạnh, phát triển sự nghiệp TDTT. Ngành TDTT đã và đang thực hiện tốt chủ trương, đường lối đổi mới và hội nhập của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, nhìn chung trình độ của thể thao Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là về cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo cho các hoạt động thể thao và công tác đào tạo, công tác huấn luyện chưa thực sự chuyên nghiệp, cán bộ quản lý và huấn luyện viên chuyên môn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

Đất nước Việt Nam đang trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thể thao Việt Nam cũng đang trên con đường chuyên nghiệp hóa và hội nhập cùng thể thao thế giới. Sự phát triển của đất nước kéo theo sự phát triển TDTT và TDTT phát triển góp phần vào sự phát triển của đất nước. Thời gian tới chắc chắn ngành Thể dục Thể thao sẽ khắc phục những khó khăn và đi lên cùng đất nước.

 

TN
 

Ảnh trong bài
  • Chào mừng Quốc khánh 2 - 9: Thể thao Việt Nam trưởng thành cùng đất nước