Người anh cả của báo chí thể thao

Thấm thoát đã 52 năm ngày 16/6/1957, Báo Thể dục thể thao (nay là Báo Thể thao Việt Nam) của Ban Thể dục thể thao Trung ương ra số đầu tiên. Một năm sau báo chuyển thành Tập san, tháng ra 2 kỳ. Người đứng xin giấy phép ra báo là ông Vương Bích Vượng - Ủy viên Thường trực Ban TDTT trung ương (1956-1959), Ủy ban TDTT quốc gia (1960-1971), kiêm giữ trọng trách Chủ nhiệm Báo gần 10 năm. Nhân kỷ niệm 84 năm Ngày báo chí Cách mạng, Trang tin điện tử Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà báo Trương Xuân Hùng về ông Vương Bích Vượng với tựa đề "Người anh cả của báo chí thể thao"

Ban Thể dục thể thao trung ương (TDTT) ra đời tháng 3/1956 (Quyết định số 068-TTg ngày 6/3/1957 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng trước đó hơn 4 tháng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1186/CT-TTg ngày 21/12/1956 về việc lập cơ quan TDTT ở thành phố và các tỉnh, thì việc ra tờ báo của Ngành TDTT đã được xúc tiến rất khẩn trương và đến ngày 30/4/1957, tờ báo Thể dục thể thao bắt đầu đi vào hoạt động. Những nhà báo từng công tác ở Báo Thể dục thể thao (nay là Báo Thể thao Việt Nam), nhất là lớp Nhà báo đầu tiên (1957-1970) rất gần gũi mật thiết với Chủ nhiệm báo Vương Bích Vượng.

Đôi nét về người chủ bút đầu tiên ngày ấy

Ông Vượng sinh năm 1914, tại Hồng Quảng (nay là thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Ông quê gốc làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh (năm 1963 nhập về Hà Nội). Ông Vương Bích Vượng cùng người em ruột là Vương Bích Nhượng tham gia hoạt động thể thao ở đất mỏ khá sớm. Từ giữa những năm 30 của thế kỷ trước, hai anh em ông đã nổi tiếng trong làng thể thao Bắc Kỳ. Anh cả Vượng từng đoạt cúp vô địch Điền kinh năm 1938. Khi phong trào Mặt trận bình dân Pháp ra đời trên đất mỏ do Đảng Cộng sản lãnh đạo, thì anh thanh niên yêu thích thể thaoVương Bích Vượng đã sớm có mặt.

Năm 1944, ông Vương Bích Vượng chính thức tham gia Việt Minh và được tổ chức phân công hoạt động tại Hải Phòng. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ông Vượng được điều lên Tỉnh đoàn Bắc Giang làm Bí thư. Ba năm sau ông rời Bắc Giang lên công tác tại cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc (Đoàn TNCS HCM ngày nay). Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II tại Việt Bắc, Vương Bích Vượng được Đại hội bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đoàn. Tháng 7/1950, ông được cử là người phụ trách đầu tiên Đội Thanh niên xung phong trung ương do Bác Hồ chỉ định để kịp thời phục vụ các chiến dịch Biên giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ… cho đến ngày ký Hiệp định Giơnevơ tháng 7/1954.

Khi về tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954, Vương Bích Vượng có mặt trong đoàn quân chiến thắng làm việc ở Trung ương Đoàn phụ trách Ban Quân sự - Thể thao. Vì vậy vào hạ tuần tháng 4/1955, một lần nữa ông Vượng lại được Bác Hồ gọi trực tiếp giao nhiệm vụ phụ trách đoàn 6 cán bộ đều nguyên là các cựu VĐV danh tiếng “đến các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô nghiên cứu, học tập để khi về nước xây dựng đề án công tác và tổ chức ngành TDTT”.

Chuyến đi công tác đặc biệt ấy kéo dài hơn 4 tháng từ ngày 2/6 đến đầu tháng 11/1955 mới kết thúc. Sau khi về nước Đoàn báo cáo với Bác và Chính phủ, chẳng bao lâu đến tháng 3/1956 hình thành tổ chức TDTT của nước nhà. Từ đầu tháng 12/1956, Ban TDTT trung ương do ông Hoàng Anh làm chủ nhiệm, giao ông Vượng đứng ra trực tiếp làm đơn xin xuất bản tờ Báo Thể dục, thể thao.

Giấy phép ghi rõ “Được phép của Chính phủ, Báo Thể dục, thể thao hoạt động kể từ ngày 15/6/1958”. Người chịu trách nhiệm chính: Chủ nhiệm Vương Bích Vượng. Sau một năm ra báo Thể dục thể thao khổ 27x39cm, bắt đầu từ tháng 6/1958 báo của ngành TDTT chuyển hình thức ra Tập san Thể dục thể thao vẫn  phát hành 2 kỳ/tháng.

Báo Thể dục thể thao rồi Tập san Thể dục thể thao chỉ chưa đầy 2 năm thì trở lại ra báo tuần. Suốt kế hoạch “3 năm hàn gắn vết thương chiến tranh 1958-1960” và cả nước bước vào thực hiện “Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965”. Cả miền Bắc là một công trường xã hội chủ nghĩa lớn chưa từng có, ngành TDTT thực sự trở thành một động lực góp phần tạo nên sức mạnh trong công cuộc lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc. Báo Thể dục thể thao của ngành TDTT do Chủ nhiệm Vương Bích Vượng chỉ đạo nhanh chóng trở thành người bạn gần gũi của giới yêu thích TDTT cả nước, nhất là các HLV, VĐV và tuổi trẻ học đường, thanh thiếu niên, sinh viên…

Tuy bận trọng trách Ủy viên Thường trực Ban TDTT trung ương (1956-1959) rồi Ủy ban TDTT quốc gia nhưng ông Vượng vẫn dành thời gian và tình cảm lớn cho tờ báo. Từ buổi đầu chỉ vỏn vẹn có 5 cán bộ thì 5 năm sau, Tòa soạn đã có 16 cán bộ, biên tập viên, phóng viên.

Năm 1963, trong một chuyến đi công tác Hải Phòng, ông Vượng lúc này đã chớm tuổi “ngũ tuần” nhưng tác phong rất thanh niên tươi trẻ và có tác phong rất quần chúng, rất sâu sát cán bộ cấp dưới. Đêm ấy ở nhà khách Hải Phòng, ông tâm sự “Chính thành phố này đã đưa mình đến với cách mạng. Hoạt động trong giới thanh niên trong Việt Minh mình đến với công tác thanh vận của Đảng. Nhờ có hoạt động thể dục thể thao, từng là vận động viên nên khi mình được giác ngộ rồi lại lấy TDTT mà đến vận động công nhân,  thanh niên. Hoạt động TDTT để vận động cách mạng rất có hiệu quả!”.

Tôi càng thấm thía nỗi gian nan hồi đầu làm báo. Phó chủ nhiệm Trần Chí Hiền rất lo lực lượng viết báo thể thaoquá ít và mỏng. Ông Vượng cầm giấy phép (tạm thời) đi gặp các danh thủ của phong trào thể thao từ năm 1946 từng đi theo kháng chiến. Hòa bình trở lại Thủ đô, những “lực sĩ toàn diện” như: Nguyễn Đồng, Lê Bách, Vũ Quang Tiệp, Mai Duy Dưỡng, Nguyễn Huy Khôi…mời viết bài cộng tác. Các VĐV từ trong Nam ra tập kết cũng hăng hái cộng tác viết bài  như: Phan Ngươn Đang, Trương Tấn Bửu, Phan Ngọc, Nguyễn Minh Huệ, Nguyễn Hữu Lẫm, Trần Đình Tùng…

Đây cũng chính là lực lượng buổi đầu của Báo Thể dục thể thao thời kỳ phôi thai nhưng rất đáng tự hào. Với người anh cả Vương Bích Vượng anh em cựu VĐV rất hăng hái kề vai sát cánh xây dựng tờ báo của ngành TDTT cách mạng không ngừng phát triển và trưởng thành như hiện nay.  

Trương Xuân Hùng


Ảnh trong bài
  • Người anh cả của báo chí thể thao