Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới

Nghị định đã quy định rõ các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới, các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể trong từng lĩnh vực hoạt động: chính trị; kinh tế; lao động; giáo dục và đào tạo; khoa học, công nghệ; văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao; y tế và trong gia đình. Các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới được quy định cụ thể và có mức xử phạt tương ứng.

Ngày 10/6/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bình đẳng giới. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động, sinh sống, cư trú tại Việt Nam.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới, các tổ chức, cá nhân vi phạm bị phạt tiền tối thiểu từ 200 ngàn đồng và tối đa là 40 triệu đồng. Riêng người nước ngoài vi phạm hành chính về bình đẳng giới trên lãnh thổ Việt Nam có thể bị xử phạt trục xuất.

Nghị định đã quy định rõ các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới, các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể trong từng lĩnh vực hoạt động: chính trị; kinh tế; lao động; giáo dục và đào tạo; khoa học, công nghệ; văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao; y tế và trong gia đình. Các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới được quy định cụ thể và có mức xử phạt tương ứng.

Trong đó, đối với lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao, các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhằm cản trở nam hoặc nữ sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn hoặc các hoạt động văn hoá khác, tham gia các hoạt động TDTT vì định kiến giới, hay hành vi tự mình thực hiện hoặc xúi giục người khác thực hiện hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (từ 200.000 - 500.000 đồng).

Nghị định cũng đã quy định rõ mức xử phạt tiền (từ 1 - 3 triệu đồng) khi có hành vi đe doạ dùng vũ lực hoặc uy hiếp về tinh thần và phạt từ 3-5 triệu khi dùng vũ lực cản trở hoặc không cho nam hoặc nữ sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn hoặc các hoạt động văn hoá khác, tham gia hoạt động TDTT vì định kiến giới.

Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng là mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao. Đó là các hành vi sáng tác, lưu hành, xuất bản hoặc cho phép xuất bản các tác phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới dưới bất kỳ thể loại, hình thức nào. Các hành vi này có thể sẽ chịu cả hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép từ 3 - 6 tháng.

Bất kỳ các hoạt động truyền bá tư tưởng, hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức cũng sẽ chịu mức phạt cao nhất này.

Ngoài ra, mức phạt này còn dành cho các hành vi thực hiện quảng cáo về các dịch vụ xã hội, thông báo, nhắn tin, rao vặt có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới.

Ứng với mỗi hành vi vi phạm và mức độ xử phạt hành chính cụ thể, Nghị định còn quy định rất chi tiết về các biện pháp khắc phục hậu quả, gồm: Buộc xin lỗi; Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của nam hoặc nữ đã bị xâm hại; Buộc sửa đổi, thay thế, đính chính hoặc tiêu huỷ các tác phẩm, vật phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới; Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý.

Nghị định cũng quy định rõ, người có hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân, ngoài bị xử phạt hành chính còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự. Mặt khác, công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền về những vi phạm hành chính về bình đẳng giới và hành vi trái phép luật trong xử phạt.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2009.

HX

 

Ảnh trong bài
  • Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới