Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Văn Hồi - Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Người khuyết tật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Việt Nam hiện có hơn 7 triệu Người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28.9%, khoảng 10% Người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác Người khuyết tật. Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật, bên cạnh đó hệ thống chính sách, pháp luật về Người khuyết tật cũng đã được ban hành khá toàn diện, đầy đủ, nhằm thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho Người khuyết tật trong thực hiện các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Ở lĩnh vực TDTT, phong trào TDTT của Người khuyết tật đã phát triển mạnh mẽ ở 35 tỉnh/thành phố với nhiều môn thể thao phù hợp; các giải thi đấu thể thao được tổ chức thường xuyên có từ 1.000-1.500 VĐV Người khuyết tật tham gia. Nhiều VĐV đã đạt được những thành tích xuất sắc trên đấu trường thể thao quốc tế, tiêu biểu như: VĐV cử tạ Lê Văn Công, VĐV môn bơi Lê Tiến Đạt và Vi Thị Hằng,... Công tác tuyên truyền, vận động các tỉnh, thành phố quan tâm thành lập CLB TDTT cơ sở, chú trọng loại hình hoạt động thể thao một môn, đa môn dành cho Người khuyết tật đã được triển khai cùng với đề xuất, kiến nghị 63 tỉnh, thành phố có công trình TDTT đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với Người khuyết tật. Việc tập luyện TDTT ngoài việc rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe còn là cơ hội để Người khuyết tật cống hiến tài năng cho thể thao nước nhà, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Tại ASEAN Para Games 12, các VĐV Người khuyết tật Việt Nam đã giành tổng cộng 201 huy chương, bao gồm 66 HCV, 58 HCB và 77 HCĐ, đứng thứ 3 chung cuộc. Để vinh danh những đóng góp của Người khuyết tật nói chung, các VĐV, HLV Người khuyết tật nói riêng, BTC đã trao tặng Huân chương lao động Hạng Ba của Chủ tịch nước cho 22 HLV, VĐV Người khuyết tật và trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 11 HLV, VĐV Người khuyết tật có thành tích xuất sắc . Đây là những gương mặt đã có nhiều nỗ lực trong tập luyện và có nhiều đóng góp cho Thể thao Việt Nam tại các đấu trường khu vực và quốc tế.
Biểu dương, ghi nhận những đóng góp của các VĐV, HLV Người khuyết tật đối với sự phát triển của Thể thao Việt Nam nói riêng, ngành VHTTDL nói chung, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: đây là sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc xây dựng và thúc đẩy các hoạt động TDTT đối với Người khuyết tật, tạo điều kiện cho Người khuyết tật phát triển tài năng, đam mê trong các hoạt động TDTT, nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng, phát triển thể chất, tinh thần và các kỹ năng vận động, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị, trong thời gian tới các cấp, các ngành và toàn xã hội tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục nghề nghiệp, văn hóa, thể thao dành cho Người khuyết tật; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phổ biến, nâng cao hiểu biết để Người khuyết tật chủ động tập luyện chăm lo sức khỏe; Tăng cường đào tạo đội ngũ HLV, CTV có trình độ, am hiểu về các hoạt động TDTT dành cho Người khuyết tật; Đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình TDTT dành cho Người khuyết tật; Đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, phát triển TDTT dành cho Người khuyết tật; Khuyến khích thành lập và phát triển hệ thống CLB TDTT dành cho Người khuyết tật; Phát triển các môn thể thao phù hợp dành cho Người khuyết tật tập luyện và thi đấu; Hoàn thiện tiêu chuẩn về chế độ đối với Người khuyết tật tham gia thi đấu các giải thể thao trong nước và nước ngoài.
Tại lễ kỷ niệm, đại diện cho các VĐV tiêu biểu của Thể thao Việt Nam, VĐV Lê Tiến Đạt, Phạm Thị Hương... đã có những chia sẻ về những khó khăn, động lực cũng như những nỗ lực để vượt qua chính mình và giành thành tích cao tại kỳ ASEAN Para Games 12.
Danh sách các VĐV, HLV Người khuyết tật (10 HLV, 12 VĐV) được tặng thưởng Huân chương lao động Hạng Ba gồm: 10 HLV - Nguyễn Đăng Việt, Nguyễn Thị Hồng Vân, Phạm Đình Minh (Bơi); Đặng Văn Phúc, Vương Chí Dũng, Nguyễn Văn Hiền (Điền kinh); Bùi Quang Vũ, Lê Hiền Thục (Cờ Vua); Lê Quang Thái, Lê Hà Tuấn Hải (Cử tạ); 12 VĐV - Danh Hòa, Trịnh Thị Bích Như, Lê Tiến Đạt, Vi Thị Hằng, Võ Huỳnh Anh Khoa, Võ Thanh Tùng, Đỗ Thanh Hải (Bơi), Phạm Thị Hương, Trần Ngọc Loan, Đào Thị Lệ Xuân (Cờ vua); Nguyễn Thị Hải, Võ Văn Tùng (Điền kinh).
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 11 VĐV đã có thành tích thi đấu xuất sắc, gồm: Nguyễn Hoàng Nhã, Nguyễn Thành Trung (Bơi); Trần Văn Nguyên, Trịnh Công Luận, Trương Bích Vân (Điền kinh); Châu Hoàng Tuyết Loan, Đặng Thị Linh Phượng, Lê Văn Công, Nguyễn Bình An và Nguyễn Văn Hùng (Cử tạ), 1 VĐV Đội tuyển Cờ vua Nguyễn Thị Hồng.
Dưới đây là những hình ảnh tại buổi lễ
Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, Bộ VHTTDL, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh...
Biểu diễn văn nghệ chào mừng
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại buổi lễ
22 HLV, VĐV có thành tích xuất sắc trong công tác huấn luyện, thi đấu
Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam Nguyễn Văn Hồi trao tặng Huân chương cho các VĐV
Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh chụp ảnh với VĐV Vi Thị Hằng
Biểu diễn văn nghệ
VĐV Lê Tiến Đạt (đội tuyển Bơi Người khuyết tật quốc gia Việt Nam) chia sẻ tại Diễn đàn
Diễn đàn lắng nghe tiếng nói và chia sẻ với Người khuyết tật đã khép lại với những câu chuyện đầy nghị lực của các VĐV Người khuyết tật Việt Nam
Bài, ảnh D.Duy