Ngày hội Trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023: tổ chức trang trọng, ý nghĩa

Sáng 7/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng ban tổ chức Ngày hội Trịnh Thị Thủy đã chủ trì buổi làm việc bàn về công tác tổ chức Ngày hội Trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023. Cùng dự có Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh, lãnh đạo các Vụ, đơn vị trực thuộc và đại diện các địa phương.

Theo kế hoạch, Ngày hội dự kiến diễn ra trong 3 ngày từ 17-19/11/2023 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. 6 tỉnh thành tham gia thực hiện nghi thức dựng cây Nêu tại sự kiện lần này gồm: Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đà Nẵng.

Nói về công tác tổ chức sự kiện quan trọng này, bà Nguyễn Thị Hải Nhung – Vụ trưởng Vụ văn hóa dân tộc cho biết: Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cây Nêu trong thời kỳ hội nhập và phát triển", Ngày hội diễn ra nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc. Đây là hoạt động nhằm kế thừa và thực hành các loại hình văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Qua đó, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, TDTT giữa các vùng, miền, địa phương; giữ gìn và phát huy các nghi lễ, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc, đặc biệt ở các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Văn Duy)

Ngày hội cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, VĐV quần chúng gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; Xây dựng đời sống văn hóa 2 gắn với phát triển du lịch bền vững và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp vùng, miền, dân tộc.

Các nội dung chính được tổ chức sôi nổi, hấp dẫn trong ngày hội gồm: Liên hoan văn nghệ quần chúng (Trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc; diễn tấu cồng chiêng, hòa tấu nhạc cụ đồng bào các dân tộc của địa phương), hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc (đẩy gậy, kéo co, bắn ná, bắn nỏ), hoạt động du lịch (Thi trình diễn kỹ năng du lịch cộng đồng, kỹ năng chào đón khách, kỹ năng thuyết minh, giới thiệu điểm đến, tìm hiểu những kiến thức cơ bản phục vụ tại các cơ sở homestay) và Hoạt động Triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

Bàn về công tác chuẩn bị sự kiện, Quyền Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam – ông Trịnh Ngọc Chung chia sẻ: Điều kiện cơ sở vật chất, chương trình chào mừng, kịch bản lễ khai bế mạc của Ngày hội đang được ban quản lý Làng tích cực chuẩn bị với điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, theo ông Chung, hiện nay đơn vị đón tiếp rất nhiều các đoàn khách du lịch tới tham quan, khám phá trải nghiệm không gian văn hóa, các dân tộc tại Làng. Đây là một lợi thế, cơ hội rất tốt khi Ngày hội Trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II diễn ra tại đây nhằm quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc tới đông đảo khách du lịch và cộng đồng các dân tộc. Qua đó, góp phần tạo nên thành công chung của sự kiện, mang lại ý nghĩa, giá trị văn hóa cao.

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Văn Duy)

Trong khi đó, đối với các hoạt động thể thao dự kiến tổ chức trong Ngày hội, ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng: Phía Cục TDTT hoàn toàn nhất trí về mặt chủ trương khi đưa các môn thể thao dân tộc như kéo co, bắn nỏ, bắn ná vào tổ chức thi đấu tại ngày hội. Tuy nhiên, để hoạt động thể thao diễn ra đảm bảo chất lượng và tính chuyên môn cao, phía Cục TDTT sẽ bố trí, giao bộ phận chuyên môn của Cục cùng phối hợp với Làng triển khai, đáp ứng tốt mọi công tác chuẩn bị về thiết bị thi đấu và điều lệ phù hợp nhất.  

Lắng nghe, ghi nhận đánh giá cao những ý kiến đóng góp từ các thành viên dự họp, cũng như giải đáp, tháo gỡ mọi thắc mắc trước các đề xuất từ phía các địa phương tham dự Ngày hội, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chỉ đạo: Các Cục, Vụ, đơn vị, địa phương bám sát vào kế hoạch tổ chức sự kiện để cùng phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt được kết quả cao nhất.

Cùng với đó, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu: các đơn vị phụ trách mỗi đầu mối cần rà soát lại toàn bộ các hoạt động dự kiến diễn ra trong Ngày hội, trong đó các nội dung hoạt động phải đảm bảo tính đặc sắc, hình thức phong phú, đề cao vai trò của chủ thể văn hóa, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại. Các lễ hội, nghi thức, sinh hoạt văn hóa phải mô phỏng một cách khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc tại địa phương, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống, phát huy các yếu tố tích cực và loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay.

Bên cạnh đó, các hoạt động tại Ngày hội tổ chức phải đảm bảo tính trang trọng, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc. Chú trọng công tác truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trước, trong và sau Ngày hội nhằm quảng bá rộng rãi đến với người dân, du khách.

N.H

Ảnh trong bài
  • Ngày hội Trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023: tổ chức trang trọng, ý nghĩa
  • Ngày hội Trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023: tổ chức trang trọng, ý nghĩa
  • Ngày hội Trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023: tổ chức trang trọng, ý nghĩa