Huy Hoàng: từ tuổi thơ nghèo khó đến kình ngư thành công nhất của Bơi Việt Nam tại đấu trường ASIAD

Khép lại ASIAD 19 khi giành cú đúp HCĐ ở nội dung 400m và 800m tự do, cùng với đó còn giành vé tham dự Olympic Paris 2024, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đã trở thành VĐV Bơi Việt Nam thành công nhất tại các kỳ ASIAD với 1 HCB và 3 HCĐ. Trong đó, ASIAD 18 giành 1 HCB, 1 HCĐ và ASIAD 19 giành 2 HCĐ.

Ở tuổi 24, mục tiêu phía trước kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đang từng bước nỗ lực vượt qua chính mình với quyết tâm đặt mốc son ở Olympic Paris 2024. Để có được thành công như ngày hôm nay, “rái cá” sông Gianh đã trải qua không ít những khó khăn với tuổi thơ đầy vất vả trong gia đình nghèo, đông con.

Đến với Bơi để thỏa lòng đam mê

Nguyễn Huy Hoàng (SN 2000 ở thôn Thanh Tiến, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), làng quê bên bờ sông Gianh. Huy Hoàng là con út trong gia đình có 6 anh em, cha mẹ làm nghề chài lưới.

Khi chia sẻ với báo chí về cơ duyên trở thành VĐV Bơi số 1 Việt Nam như hiện nay, Huy Hoàng bộc bạch: Sông Gianh mang nhiều ý nghĩa. Là nơi khởi đầu sự nghiệp bơi lội của tôi. Là nơi cho gia đình tôi có thêm thu nhập. Bố mẹ tôi làm nghề nuôi cá lồng trên sông, tôi thường vớt rong cho cá ăn. Thu nhập từ bán cá đã giúp bố mẹ tôi trang trải cuộc sống, nuôi 6 anh, chị em tôi nên người.

Mỗi khi nhắc tới con sông này, bao ký ức lại ùa về trong tôi. Hồi nhỏ tôi thường cùng lũ bạn tập bơi ở đây. Đều đặn khoảng 17 giờ chiều mỗi ngày tôi cùng đám bạn ùa ra tắm mát, đùa nghịch. Đây là nơi khởi đầu và là nơi chôn dấu ký ức tuổi thơ của tôi.

Đến khi học lớp 5, tôi đọc được thông báo tại trường về việc tuyển chọn VĐV Bơi lội. Biết tin này tôi háo hức lắm và lập tức đăng ký tham gia thi tuyển và may mắn được tuyển chọn vào Trung tâm huấn luyện thể thao Quảng Bình – đây cũng là đơn vị chủ quản của Huy Hoàng ở thời điểm hiện tại. Lúc mới đầu theo đuổi con đường Bơi lội rất khó khăn, phải xa gia đình, nhớ bố mẹ, nhớ anh chị, nhớ tất cả mọi người. Nhiều lúc, tôi nhớ gia đình quá phải nhờ thầy cô để gọi điện về nhà.

Ba mẹ cũng động viên tôi rất nhiều. Thêm nữa tôi yêu môn thể thao này nên quyết tâm ở lại tập luyện và rồi cũng dần quen với môi trường tập luyện VĐV đỉnh cao. Theo con đường chuyên nghiệp, có lúc tập luyện mệt mỏi quá, thấy cơ thể mình không thể đáp ứng được nữa nên tôi đã từng nghĩ đến việc sẽ bỏ cuộc. Tuy nhiên sau những lúc như vậy, tôi luôn nhận được sự động viên kịp thời từ thầy cô và gia đình. Chính điều đó đã là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn giúp tôi vượt qua được mọi khó khăn trong quá trình tập luyện, lần lượt chinh phục bản thân, vượt qua chính mình, từng bước chinh phục đỉnh cao thành tích qua các giải đấu.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng - một trong những VĐV thành công nhất của Bơi Việt nam ở đấu trường ASIAD 19 (Ảnh: Q. Bảng)

Sau những lần thi đấu cọ xát, học hỏi và có được thành công ở các đấu trường trong nước và quốc tế tầm khu vực, châu lục, thế giới đã giúp tôi dần hoàn thiện hơn về chuyên môn để tiếp tục hướng tới những đấu trường lớn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, những tấm Huy chương giành được cùng với sự quan tâm của nhà nước, ngành TDTT đã giúp tôi và gia đình cải thiện được nhiều về cuộc sống. Đây cũng là ước mơ, nguyện vọng của tôi mong muốn bố mẹ đỡ vất vả hơn và có thời gian chăm sóc, nghỉ ngơi cho bản thân bù lại những tháng ngày vất vả nuôi nấng 6 anh, chị em tôi khôn lớn.

Tôi muốn trở thành kình ngư Việt Nam đầu tiên vào top 8 Olympic

Đó chính là chia sẻ của Huy Hoàng sau khi khép lại ASIAD 19 với thành tích ấn tượng, anh trở thành VĐV Việt Nam duy nhất đoạt được huy chương ở đường đua xanh cấp châu lục.

Tại ASIAD 19, Huy Hoàng xuất trận khá muộn -ngày thi đấu thứ ba của môn Bơi anh mới bước vào thi đấu. Trước đó, nhiều kình ngư Việt Nam đã thi đấu nhưng không ai có thể tạo nên bứt phá ở kỳ Đại hội lần này. Và trong ngày đầu tiên của mình, Huy Hoàng bơi ở cự ly sở trường là 1.500m tự do nhưng anh đã không đạt được kết quả như kỳ vọng khi cán đích ở vị trí thứ 4. Điều này đã ít nhiều làm ảnh hưởng tới thâm lý của Huy Hoàng cùng những lo lắng, kỳ vọng của tuyển Bơi Việt Nam khó có thể hoàn thành.

Tuy nhiên, gạt mọi áp lực, tâm lý lại phía sau để bước vào những ngày thi đấu cuối với tinh thần thoải mái, tự tin Huy Hoàng đã vùng lên mạnh mẽ tạo nên niềm vui nhân đôi khi tranh tài ở cự ly 800m tự do (thi đấu ngày 28/9) để bảo vệ thành công tấm HCĐ với thành tích 7 phút 51 giây 44, vượt luôn cả chuẩn A Olympic để giành vé đến Paris mùa Hè 2024. Và chỉ ngay ngày hôm sau (29/9) thi đấu ở cự ly 400m tự do vốn không phải sở trường Huy Hoàng tung cú nước rút mạnh mẽ để lần đầu tiên đoạt HCĐ nội dung này với thành tích 3 phút 49,16 giây. Tấm Huy chương này nằm ngoài dự tính, hoàn toàn mang đến sự bất ngờ cho cho chính Huy Hoàng và cả ban huấn luyện.

Chia sẻ cảm xúc với truyền thông,y Huy Hoàng cho biết: Tôi rất vui và bất ngờ vì không tin có thể giành huy chương ở cự ly này. Tôi đã làm được và muốn dành tặng tấm huy chương cho thầy cô và chuyên gia - những người cùng tôi trải qua nhiều cực khổ trong bốn tháng qua để đạt được kết quả hôm nay.

Huy Hoàng nhấn mạnh: Tấm HCĐ lần này nằm ngoài sức tưởng tượng, nhưng tôi không thay đổi mục tiêu. Mũi nhọn của tôi vẫn là 800m và 1.500m tự do. Khi tôi bơi cự ly dài thì hoàn toàn có thể đẩy tốc độ để bơi cự ly ngắn. Thực tế, nếu tôi giành được huy chương 400m tự do thì tốt, không có cũng không sao.

Khép lại 2 kỳ ASIAD với nhiều dấu ấn đáng nhớ, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ về mục tiêu phía trước của anh chính là chinh phục đấu trường Olympic Paris 2024. “rái Cá” sông Gianh bộc bạch: Tôi đã giành chuẩn A Olympic 2024 ở nội dung 800m tự do. Đó là vinh dự lớn vì chắc chắn được đến Paris, Pháp năm sau. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng đạt chuẩn A ở cự ly 1.500m, vốn đã đạt chuẩn B. Mục tiêu của tôi không đổi so với Olympic Tokyo 2020. Tôi muốn trở thành kình ngư Việt Nam đầu tiên vào top 8, tức là vòng chung kết. Trước đây, thành tích tốt nhất của chị Ánh Viên là đứng thứ 9 ở vòng loại.

Sau những chiến tích của cựu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên và kình ngư Nguyễn  Huy Hoàng, Bơi lội Việt Nam đã được kỳ vọng sẽ tiến thêm một bậc, đủ khả năng cạnh tranh huy chương với các cường quốc như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ở nhiều nội dung. Dẫu biết rằng, kỳ vọng đó khó thực hiện được trong “một sớm, một chiều” nhưng với cú ngược dòng ngoạn mục của Huy Hoàng cùng sự tiến bộ của một số kình ngư trẻ (Nguyễn Quang Thuấn...) Bơi Việt Nam dần chuyển mình để hòa cùng các VĐV đạt đẳng cấp châu lục và thế giới.

Thành tích nổi bật trong sự nghiệp đỉnh cao của Nguyễn Huy Hoàng tính đến thời điểm hiện tại

Đấu trường SEA Games:

Huy Hoàng đã tham dự 4 kỳ SEA Games liên tiếp và giành tổng cộng 11 HCV.

  • Kỳ đầu tiên là SEA Games 29 năm 2017: giành 1 HCV, 1 HCB
  • SEA Games 30 năm 2019: giành 2 HCV, 2 HCB
  • SEA Games 31: giành 5 HCV và phá 2 kỷ lục SEA Games
  • SEA Games 32: giành 3 HCV và 1 HCĐ

Đấu trường ASIAD

  • ASIAD 18 giành 1 HCB, 1 HCĐ
  • ASIAD 19 giành 2 HCĐ và giành vé tham dự Olympic Paris 2024

Riêng trong năm 2023 Nguyễn Huy Hoàng vinh dự được đại diện cho hàng trăm VĐV là người cầm cờ cho đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 và Asiad 19. Đây là vinh dự mà không phải VĐV đỉnh cao nào cũng có được và thành tích của Huy Hoàng ở độ tuổi 24 khiến nhiều người ngưỡng mộ.

 

N.H

Ảnh trong bài
  • Huy Hoàng: từ tuổi thơ nghèo khó đến kình ngư thành công nhất của Bơi Việt Nam tại đấu trường ASIAD
  • Huy Hoàng: từ tuổi thơ nghèo khó đến kình ngư thành công nhất của Bơi Việt Nam tại đấu trường ASIAD