Những chiến sĩ thầm lặng của đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 19

Đóng góp vào những tấm huy chương của đoàn Thể thao Việt Nam tại kỳ Đại hội thể thao châu Á lần này không thể không kể đến đội ngũ y, bác sĩ thể thao Việt Nam – những người chiến sĩ thầm lặng luôn hỗ trợ hết mình cho các VĐV.

Trong danh sách 504 thành viên của đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Asian Games 2023, đội ngũ y tế có tổng cộng 16 người, bao gồm 11 bác sĩ và 5 điều dưỡng viên. Trong đó, 4 bác sĩ chuyên trách phục vụ hai đội tuyển bóng đá nam và nữ còn lại 12 bác sĩ, 5 điều dưỡng có trách nhiệm chăm lo cho 377 VĐV. Khối lượng công việc nhiều nên đội ngũ y tế luôn phải phân bổ hợp lý theo thứ tự thi đấu lần lượt các môn, nhằm đảm bảo được những điều kiện y tế tốt nhất cho các VĐV thi đấu.

Hầu hết các bác sĩ, điều dưỡng được cử tham gia Đại hội lần này đều là những người có nhiều kinh nghiệm và là những người thường xuyên thực hiện nhiệm vụ chăm sóc các VĐV thể thao thành tích cao tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, Bệnh viện Thể thao Việt Nam và Viện khoa học TDTT.

Công tác y tế luôn được đảm bảo với nhiều trang thiết bị hiện đại, nhằm giúp VĐV có được thể lực tốt nhất khi tranh tài tại ASIAD 19 (Ảnh: Quý Bảng)

Nhiệm vụ của các bác sĩ, điều dưỡng không chỉ là những người điều trị, xử lý những vấn đề y tế theo chuyên môn mà còn đóng góp rất nhiều vào quá trình hồi phục sau khi thi đấu của các VĐV. Các bác sĩ, điều dưỡng sẽ nắm bắt tình trạng cơ thể và chấn thương của từng VĐVđể chỉ định việc ăn uống, sử dụng thuốc hay thậm chí là cung cấp liệu pháp giải tỏa áp lực tâm lý cho các VĐV, nhằm giúp các VĐV có thể trạng tốt nhất trong quá trình thi đấu.

Chia sẻ về vai trò của các y, bác sĩ thể thao, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền – Tổ trưởng Tổ Y tế ASIAD 19 cho biết: Chúng tôi căn cứ vào lịch thi đấu của đoàn Thể thao Việt Nam xem môn nào có lịch thi đấu dày đặc, nhiều nguy cơ chấn thương thì ưu tiên phân bổ bác sĩ, điều dưỡng. Khối lượng công việc nhiều nhưng đội ngũ y, bác sĩ của đoàn Thể thao Việt Nam đã có sự phân công hợp lý, cố gắng nỗ lực hết mình để đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho VĐV.

Niềm vui lớn nhất của các y, bác sĩ là khi chữa trị thành công chấn thương cho các VĐV,  được chứng kiến những khoảng khắc các VĐV nỗ lực mang vinh quang về cho Tổ quốc.  Sự có mặt của bác sĩ thể thao là tối cần thiết, bởi ngoài việc xoa bóp giúp VĐV thả lỏng cơ sau khi tập luyện, thi đấu với cường độ cao, thì sự chủ động của các bác sĩ thể thao sẽ giúp cho việc xử lý chấn thương của VĐV được kịp thời. Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra những chấn thương nặng, bác sĩ sẽ có những biện pháp sơ cứu trước khi chuyển VĐV đến bệnh viện. Không chỉ lo chăm lo về mặt sức khỏe, dinh dưỡng cho các VĐV được tốt nhất, nhiều khi các bác sĩ còn phải đảm đương luôn công việc của chuyên gia tâm lý. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền chia sẻ.

Xe cứu thương luôn được Ban tổ chức bố trí ở tất cả các địa điểm thi đấu tại ASIAD 19 (Ảnh: Quý Bảng)

Bên cạnh việc cử những y, bác sĩ có kinh nghiệm và chuyên môn tốt nhất tại kỳ ASIAD lần này đoàn Thể thao Việt Nam cũng rất chú trọng đến việc chuẩn bị thuốc men, trang thiết bị y tế trong điều kiện có thể của ngành nhằm giúp VĐV đạt thể trạng tốt nhất khi thi đấu.

Cùng với đó, công tác y tế cũng được Ban tổ chức nước chủ nhà đặc biệt quan tâm khi đã xây dựng một trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe VĐV có diện tích hơn 8.000 m2, với một phòng khám tổng hợp và 2 phòng y tế, bên cạnh trang thiết bị tập luyện đầy đủ, trong đó có khu vực tập luyện riêng dành cho các VĐV bơi lội tại Làng VĐV Asian games.

Đây là khu được đánh giá đầy đủ tiện nghi nhất trong lịch sử các kỳ đại hội, giúp VĐV các đoàn Thể thao của các quốc gia có thêm điều kiện để có được sự chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe khi tham gia thi đấu tại Á vân hội.

 

KC

Ảnh trong bài
  • Những chiến sĩ thầm lặng của đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 19
  • Những chiến sĩ thầm lặng của đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 19