
Cục trưởng Đặng Hà Việt sẽ tham dự Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao lần thứ 14 (SOMS 14) từ ngày 27 - 30/8
AMMS 7 tại Chiang Mai -Thái Lan là sự kiện quy tụ Bộ trưởng từ các quốc gia thành viên ASEAN nhằm chia sẻ quan điểm hợp tác ASEAN về thể thao theo Kế hoạch hành động ASEAN về thể thao giai đoạn 2021 - 2025. Hội nghị sẽ trao đổi quan điểm về những vấn đề được các Bộ trưởng và Tổng Thư ký nhấn mạnh. Đại diện Bộ VHTTDL Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương sẽ tham AMMS 7 từ ngày 31/8 – 2/9. Trước đó, từ ngày 27-30/8, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt sẽ tham dự SOMS 14.
Theo báo cáo của Phòng Hợp tác Quốc tế Cục TDTT, Hội nghị cũng sẽ xem xét và thông qua Tuyên bố chung của AMMS + Nhật Bản 4 và Tuyên bố Chiang Mai về tăng cường hợp tác ASEAN – Nhật Bản về thể thao đến 2030; xem xét đệ trình Tuyên bố Chiang Mai về tăng cường hợp tác ASEAN- Nhật Bản về thể thao đến 2030 tới các Lãnh đạo của ASEAN - Nhật Bản tại Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản vào tháng 12 năm 2023 để ký kết.
Cũng tại AMMS 7, Thái Lan và Trung Quốc với vai trò đồng chủ trì Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao + Trung Quốc lần thứ nhất và lần thứ hai sẽ lần lượt báo cáo quá trình hợp tác ASEAN về thể thao.
Việt Nam với vai trò là chủ nhà của Hội nghị Bộ trưởng thể thao ASEAN lần thứ 8; Hội nghị Bộ trưởng thể thao ASEAN + Nhật Bản lần thứ 5; Hội nghị Bộ trưởng ASEAN + Trung Quốc lần thứ 2 sẽ thông tin dự kiến thời gian và địa điểm tổ chức các Hội nghị trên vào năm 2025.
Liên quan tới công tác chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng thể thao ASEAN lần thứ 7, Phòng Hợp tác Quốc tế Cục TDTT cũng xin ý kiến của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương về một số nội dung quan trọng như: Quỹ thể thao ASEAN; Sáng kiến ASEAN đăng cai tổ chức FIFA World Cup 2034; Tuyên bố Chiang Mai….
TÍnh đến thời điểm này, Phòng Hợp tác Quốc tế Cục TDTT đã phối hợp với Cục Hợp tác Quốc tế Bộ VHTTDL hoàn thiện các văn bản liên quan cũng như các công tác khác nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng các đại diện của Việt Nam tham dự các sự kiện trên một cách thuận lợi.

Báo cáo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương các nội dung liên quan tới Hội nghị Bộ trưởng thể thao ASEAN lần thứ 7
Đánh giá cao những nỗ lực của Phòng Hợp tác Quốc tế Cục TDTT và Cục Hợp tác quốc tế trong công tác chuẩn bị tham dự 2 sự kiện trên, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng đề nghị hai Bên phối hợp, rà soát một lần nữa các nội dung liên quan đồng thời giao Cục TDTT xây dựng báo cáo trình bày tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao lần thứ 14, trong đó nêu bật các thành tích mà Thể thao Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây.
Trong thời gian qua, quan hệ về TDTT giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN diễn ra tốt đẹp. Việt Nam tham gia nhiều chương trình, hoạt động về thể thao của ASEAN và ASEAN với các đối tác Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Kế hoạch hoạt động của Việt Nam trong Kế hoạch hành động ASEAN về thể thao giai đoạn 2021 – 2025 bao gồm: Tổ chức hội thảo quốc tế về phòng, chống doping trong thể thao; Triển khai các hoạt động tuyên truyền lối sống lành mạnh trong cộng đồng thông qua các hoạt động TDTT như truyền tải thông tin về thể thao không khói thuốc, an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống Covid 19 tại SEA Games 31 và ASEAN PARA Games 11.
Năm 2011, với sáng kiến của Malaysia, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về thể thao và Hội nghị cán bộ cấp cao ASEAN về thể thao lần đầu tiên được tổ chức tại Indonesia và đã thống nhất Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về thể thao sẽ họp với chu kì hai năm một lần và hàng năm đối với Hội nghị cán bộ cấp cao ASEAN.
Tại các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về thể thao và Hội nghị cán bộ cấp cao ASEAN về thể thao, đại diện các nước ASEAN đóng góp ý kiến chủ yếu tập trung vào việc làm thế nào để các Hội nghị này có thể đóng góp tích cực hơn nữa nhằm đạt được mục tiêu do Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN (ASCC) đề ra và đưa ra các giải pháp để triển khai thực hiện một cách hiệu quả và toàn diện, góp phần tích cực vào việc hình thành Cộng đồng ASEAN. Các Hội nghị cũng đưa ra thảo luận một số vấn đề hướng đến các vấn đề xã hội; phát triển thể thao cho mọi người nhằm nâng cao sức khỏe cho người dân ASEAN; phát triển thể thao chuyên nghiệp và thể thao đi kèm với du lịch như một ngành kinh tế; bình đẩng giới trong thể thao; bảo tồn và phát huy các môn thể thao truyền thống; tiến tới thành lập Quỹ ASEAN về thể thao; thành lập Trung tâm thể thao thành tích cao ASEAN…
Kế hoạch hành động ASEAN về thể thao giai đoạn 2021 – 2025 được xây dựng với 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: Sự đóng góp của thể thao tới kết quả phát triển chính và hòa bình; Thúc đẩy lối sống lành mạnh thông qua sự tham gia các hoạt động thể thao và thể chất; Phát triển năng lực chuyên môn, tính liêm chính của thể thao và khoa học thể thao; Thúc đẩy nhận thức của ASEAN thông qua các hoạt động thể thao, du lịch thể thao và công nghiệp thể thao và Huy động nguồn lực, kết nối với các đối tác vì sự hợp tác và phát triển thể thao ASEAN.
|
A.T, ảnh Văn Duy