Kun Khmer: "Cơn gió lạ" tại SEA Games 32

Là một trong những môn thể thao mới lần đầu tiên góp mặt tại SEA Games, cùng với Kun Bokator và Cờ Ok Chaktrongg, Kun Khmer đã góp phần mang đến một bầu không khí lạ tại SEA Games 32.

Trong Võ Kun Khmer, các đòn tay và cùi chỏ được áp dụng nhiều hơn những môn võ tương đồng như Muay , Leth Wei (Ảnh: Quý Bảng)

Kun Khmer còn có tên gọi là Pradal Serey, là môn võ truyền thống của Campuchia. Trong tiếng Campuchia, Kun có nghĩa là võ, Khmer có nghĩa là người Khmer - vì vậy tên gọi Kun Khmer hiểu đơn giản là "võ thuật của người Khmer". Trong khi đó, Pradal Serey nghĩa là "đánh tự do". Kun Khmer xuất hiện từ thế kỷ IX với hình ảnh được khắc trên những ngôi đền cổ. Đền Angkor Wat nổi tiếng cũng có hình ảnh chiến binh đấu Kun Khmer. Trước khi được hiện đại hóa, các võ sĩ Kun Khmer thi đấu trong các hố/bãi đất trống sau mỗi mùa thu hoạch tại các lễ hội, đền chùa, tuyển chọn cho quân đội hay biểu diễn trước hoàng gia. Võ sĩ thi đấu với tay trần, dây thừng quấn tay hoặc thậm chí sử dụng vỏ sò bọc khớp ngón tay để tránh  sát thương.

Là môn thể thao có nhiều nét tương đồng với môn Muay (Thái Lan, Lào), Letha (Myanmar). Trong môn Kun Khmer, các võ sĩ sử dụng tất cả các đòn đá, đấm, lên gối, cùi chỏ. Trong đó, đòn chỏ phổ biến nhất. Kỹ thuật đòn chỏ là điểm khác biệt chính giữa Kun Khmer và Muay Thái, Leth Wei (Myanmar).

 

Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho môn thể thao này, ngay từ đầu năm 2023, đội tuyển Kun Khmer Việt Nam đã được thành lập với 12 VĐV (đều là những gương mặt xuất sắc của đội tuyển Muay) tranh tài 19 nội dung.

Bên cạnh lợi thế lực lượng dày dặn kinh nghiệm cùng quyết tâm giành HCV, đội tuyển Kun Khmer còn có sự đồng hành của “độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất với vai trò HLV. Tất cả đã tạo nên độc lực mạnh mẽ để các đại diện của Việt Nam vượt thành tích đặt ra tại SEA Games 32.

Với sự cổ vũ rầm rộ của khán giả xứ sở Chùa Tháp, mỗi trận đấu đều mang đến áp lực cho các võ sĩ Việt Nam. Tuy nhiên, các võ sĩ của chúng ta đã biến áp lực thành động lực để kết thúc môn Kun Khmer tại SEA Games 32 với 5 HCV (vượt chỉ tiêu đặt ra so với mục tiêu 3 HCV mà tuyển Kun Khmer đặt ra trước lúc lên đường)

Những tấm HCV mà Kun Khmer tại SEA Games 32 có được do công của võ sĩ Huỳnh Hà Hữu Hiếu (45kg nữ), Tạ Thị Kim Yến (48kg nữ), Triệu Thị Phương Thùy (51kg nữ), Bùi Yến Ly (57kg nữ) và Bàng Thị Mai (60kg nữ). Ngoài ra, đội tuyển Kun Khmer Việt Nam còn giành thêm 8 HCB và 4 HCĐ.

Với thành tích này, đội tuyển Kun Khmer Việt Nam xếp thứ Nhì toàn đoàn tại SEA Games 32. Đội chủ nhà Campuchia có chiến thắng áp đảo với 14 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ, qua đó xếp Nhất toàn đoàn. Đứng thứ Ba là đoàn Lào với 5 HCB, 7 HCĐ.

A.T

Ảnh trong bài
  • Kun Khmer: "Cơn gió lạ" tại SEA Games 32