Vị thế của Campuchia được nâng tầm sau SEA Games 32

Theo tin từ Ban tổ chức SEA Games 32 công bố, Campuchia đã chi hơn 100 triệu USD để tổ chức kỳ SEA Games 32, trong đó có miễn phí ăn, ở cho các đoàn tham dự và miễn phí bản quyền truyền hình. Cùng với đó là sự chu đáo, thân thiện, hiếu khách của người dân Campuchia đã tạo điểm nhấn góp phần vào thành công chung của SEA Games 32. Thông qua sự kiện này, vị thế của đất nước Chùa Tháp được nâng lên một tầm cao mới trong khu vực Đông Nam Á.

Việc đăng cai SEA Games 32 là cột mốc chứng tỏ Campuchia đã đạt đến một vị thế mới, đủ năng lực tổ chức một sự kiện thể thao - văn hóa quy mô lớn mang tầm quốc tế. Năm 2015, Camphuchia chính thức được xác nhận đăng cai SEA Games 32, kể từ đó, Campuchia ráo riết bắt tay vào chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, sự kiện mà người dân nước này đã mong đợi hơn 60 năm qua.

Đặc biệt Chính phủ Campuchia năm 2015 đã phê duyệt kế hoạch xây dựng Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Morodok Techo với dự toán kinh phí 200 triệu USD. Dự án hoàn thành vào tháng 8/2021 với kinh phí xây dựng thực tế khoảng 160 triệu USD.

Thêm một điểm đáng ghi nhận từ nước chủ nhà ở kỳ SEA Games lần này chính là sự nỗ lực tổ chức sự kiện quy mô lớn theo đúng với thời điểm cam kết, điều này cho thấy Campuchia đã vượt qua nhiều khó khăn trong phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19. Chính phủ và người dân cũng kỳ vọng những đầu tư dành cho SEA Games 32 sẽ tạo bước đà để đất nước gặt hái thêm những thành công trong tương lai.

Ngoài nâng cao vị thế và hình ảnh quốc gia, SEA Games 32 cũng mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài cho Campuchia. Bên cạnh đó, những dự án hạ tầng và giao thông phục vụ SEA Games 32 có thể tác động tích cực lên lĩnh vực du lịch và thu hút nhiều nhà đầu tư mới cho đất nước Campuchia.

Tổ chức SEA Games 32 đã tạo 1 diện mạo mới, vị thế mới cho đất nước Chùa Tháp 

Theo đó, ngành nhà hàng, khách sạn Campuchia sẽ hưởng lợi trong thời gian diễn ra SEA Games 32, khi nước này đón tiếp khoảng 12.000 thành viên các đoàn và 500.000 du khách quốc tế. Sau khi SEA Games kết thúc, hiệu ứng truyền thông mà sự kiện mang lại sẽ tiếp tục đem đến lợi ích đầu tư lâu dài cho lĩnh vực này, khi nhiều du khách nước ngoài biết đến Campuchia hơn.

SEA Games 32 sẽ là đòn bẩy, kích cầu du lịch, tổ chức các sự kiện thể thao lớn

Khi trò chuyện cùng quản lý khách sạn mà nhóm phóng viên chúng tôi lưu trú trong những ngày tác nghiệp tại Phnom Penh, Campuchia, anh tiết lộ rằng: nhiều khách sạn tại các địa phương đăng cai tổ chức SEA Games của Campuchia đều đã kín phòng từ tháng 4 năm nay. Số lượng khách du lịch, công tác đến với Campuchia ngày càng nhiều hơn, điều này báo hiệu sự “hồi sinh” của ngành du lịch, khách sạn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19.

 

Trong thời gian diễn ra SEA Games 32, các cơ sở lưu trú của Campuchia đã đón nhận số lượng lớn du khách trong và ngoài khu vực cùng với một lượng nhỏ VĐV, HLV các đoàn tham dự Đại hội..

Chia sẻ với truyền thông quốc tế, bà Sreyneth Hun - Quản lý truyền thông của khách sạn Rosewood Phnom Penh, cho biết: tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn đã trở lại mức trước dịch COVID-19. Đồng thời nhấn mạnh, 2 tuần qua đã mang lại cơ hội kinh doanh tốt nhất cho ngành khách sạn và nhà hàng ở Vương quốc Campuchia.

Tuy nhiên, để thúc đẩy kinh tế và du lịch Campuchia phát triển hơn, thì rất cần thiết đất nước này tăng cường hơn nữa các chuyến bay đến với Phnom Penh (thực tế hiện nay chỉ có 1 chuyến bay/ngày từ các nước Đông Nam Á đến Campuchia).

Trước đó, phát biểu trước truyền thông, Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia Thong Khon cho biết: SEA Games 32 và ASEAN Para Games 12 năm 2023 sẽ thu hút khoảng từ 250.000-500.000 lượt du khách nước ngoài.

Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen từng chia sẻ mục tiêu lớn nhất ở kỳ SEA Games 32 lần này là quảng bá Campuchia với thế giới thông qua sự kiện này. Và Thông điệp này đã được truyền tải thành công bằng những hiệu ứng từ việc tổ chức thành công SEA Games 32.

N.Hương, Q. Bảng từ Campuchia

Ảnh trong bài
  • Vị thế của Campuchia được nâng tầm sau SEA Games 32