Đặc biệt, tấm HCV thứ 12 của Nguyễn Thị Huyền đã chính thức xô đổ kỷ lục từng tồn tại 6 năm của Triyaningsih (tấm HCV cuối cùng của VĐV Indonesia diễn ra tại SEA Games 29 năm 2017, sau đó cô tuyên bố giải nghệ).
Trong phần thi chung kết 400m rào nữ, cô gái quê Nam Định tranh tài cùng 6 VĐV, hầu hết là những gương mặt quen thuộc đối với Huyền. Cuộc đua tranh HCV diễn ra kịch tính giữa Nguyễn Thị Huyền và VĐV Philippines Robyn Brown. Mặc dù, quá nửa đường chạy Robyn Brown luôn chiếm ưu thế song cô đã không thể vượt qua Nguyễn Thị Huyền ở khâu bứt tốc. Đây là kỳ đại hội thứ hai liên tiếp, Huyền giành chiến thắng trước Brown ở nội dung này.

Nguyễn Thị Huyền đi vào lịch sử qua các kỳ SEA Games
Bà mẹ một con để lại dấu ấn với sự quyết tâm và bền bỉ đáng kinh ngạc sau khi bất ngờ thông báo sinh con và bỏ lỡ Asian Games 2018. Sự trở lại mạnh mẽ của Huyền hồi năm 2019 được đánh giá là hy hữu trong làng Điền kinh khu vực.
Hạnh phúc khi giành được tấm HCV đầu tiên ở nội dung cá nhân tại SEA Games 32, đồng thời đi vào lịch sử SEA Games ở môn Điền kinh, Nguyễn Thị Huyền chia sẻ: Sau thời gian dài nghỉ sinh con, tôi đã tính đến phương án chuyển sang làm giảng viên TDTT. Thế nhưng khi thấy đồng đội thi đấu, niềm đam mê và khát khao chinh phục đường chạy đã khiến tôi quyết tâm trở lại. Chỉ 3 tháng sau khi sinh, tôi đã ra sân tập và dần lấy lại phong độ.
Theo Điền kinh từ năm 15 tuổi và chỉ sau một năm tập luyện, Nguyễn Thị Huyền liên tục đạt huy chương và là một trong những cô gái Vàng của Thể thao Việt Nam ở môn thể này này. Chân chạy sinh năm 1993 vẫn còn cơ hội nới rộng kỷ lục số HCV trên đất Campuchia khi còn tranh tài ở nội dung 4x400 m tiếp sức đồng đội nữ (diễn ra vào ngày mai 12/5).
12 HCV của Nguyễn Thị Huyền tính cho đến chiều 11/5, gồm: 3 HCV SEA Games 28 năm 2015 ở Singapore, 3 HCV - SEA Games 29 năm 2017 tại Malaysia, 2 HCV tại SEA Games 30 năm 2019 ở Philippines, 2 HCV SEA Games 31 năm 2022 ở Việt Nam, cùng 2 HCV (1 cá nhân, 1 tiếp sức) SEA Games 32, trên đất Campuchia.
N.Hương, Q.Bảng từ Phnom Penh, Campuchia