Đội tuyển Triathlon Việt Nam khép lại một kỳ SEA Games 32 với 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ

Sau 3 ngày thi đấu, các VĐV đội tuyển Triathlon Việt Nam đã xuất sắc giành 1 HCV, 1 HCB (nội dung duathalon) và 1 HCĐ nội dung Aquathlon.

Tham dự SEA Games 32, đội Triathlon Việt Nam gồm 9 tuyển thủ: Phạm Tiến Sản, Hà Văn Nhật, Nguyễn Thị Phương Trinh, Lâm Quang Nhật, Nguyễn Thị Kim Cương, Nguyễn Thị Kim Tuyến, Hoàng Văn Hải, Vũ Đình Duân, Nguyễn Hoàng Dung. Các VĐV tranh tài ở 3 nội dung: triathlon (bơi – đạp xe – chạy bộ), aquathlon (bơi – chạy bộ) và duathlon (chạy bộ – đạp xe – chạy bộ). 

Trong số 3 nội dung mà đội tuyển Việt Nam đăng ký tranh tài, các VĐV tham dự nội dung Aquathlon lĩnh ấn tiên phong. Đây cũng là lần đầu tiên tại một kỳ SEA Games nội dung này được đưa vào chương trình thi đấu ba môn phối hợp và chúng ta đã giành được 1 HCĐ nội dung tiếp sức. Đây cũng là tấm huy chương duy nhất ở nội dung này do công của các VĐV Nguyễn Hoàng Dung, Nguyễn Thị Kim Tuyến, Vũ Đình Duân, Hoàng Văn Hải và Nguyễn Thị Kim Cương với tổng thời gian 1 giờ 13 phút 29 giây. Đội tiếp sức Aquathlon của Philippines với thành tích 1 giờ 9 phút 56 giây giành HCV và Indonesia giành HCB với thành tích 1 giờ 11 phút 27 giây.

Với sự nỗ lực quyết tâm của các VĐV cũng như sự tính toán của BHL, đội tuyển Triathlon Việt Nam đã có được kết quả xứng đáng khi giành 1 HCV, 1 HCB  trong ngày thi đấu 7/5. Đáng chú ý là tấm HCV nội dung duathlon cá nhân nam của Phạm Tiến Sản. Mặc dù gặp sự cố xe bị nổ lốp, nhưng vượt qua mọi khó khăn, thách thức Phạm Tiến Sản đã thi đấu xuất sắc với tổng thời gian là  54 phút 37 giây, đánh bại VĐV chủ nhà Campuchia Mickael Chamond (54 phút 41 giây ) để bảo vệ thành công HCV mà anh đã giành được tại SEA Games 31. Với tấm HCV giành được một cách xứng đáng trên đất bạn Campuchia, Phạm Tiến Sản trở thành "nhà vua" duathlon Đông Nam Á 2 kì SEA Games liên tiếp.

Đội tuyển Triathlon Việt Nam đã có một kỳ SEA Games thành công với 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ trên đất Campuchia 

Ngoài tấm HCV của Phạm Tiến Sản, VĐV Nguyễn Thị Phương Trinh cũng đã thi đấu hết mình hoàn thành phần thi với thành tích 1giờ 5 phút 12 giây, qua đó giành HCB. Đương kim vô địch Kim Mangrobang của Philippines bảo vệ thành công HCV với thành tích 1 giờ 4 phút 23 giây. Dù không bước lên bục cao nhất, nhưng tấm HCB mà Phương Trinh có được “quý  như vàng”. Bởi theo chia sẻ của HLV Phạm Thúy Vi: trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 32, Phương Trinh gặp chấn thương dai dẳng trong thời gian dài. Quá trình tập luyện, vì thế, liên tục gặp gián đoạn do phải điều trị chấn thương, nhưng rất may kịp hồi phục để thi đấu SEA Games 32. Phương Trinh là nữ VĐV kiên cường, vượt khó, bứt phá để mang về tấm HCB quý như vàng cho thể thao Việt Nam”.

Đây là thành tích tốt nhất của cá nhân Phương Trinh trong các lần dự SEA Games từ trước tới nay. Tại SEA Games 30, Phương Trinh từng giành tấm HCĐ duathlon lịch sử. Đây là tấm huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam của môn ba môn phối hợp tại một kỳ SEA Games. Đến SEA Games 31 trên sân nhà, Phương Trinh đã rơi nước mắt khi không may bị ngã xe và không giành được thành tích nào. Sau một thời gian dài chuẩn bị, vượt qua nhiều khó khăn, những nỗ lực của cô cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng.

Có mặt tại địa điểm thi đấu nội dung Duathalon, ông Nguyễn Anh Tuấn - lãnh đội đội tuyển triathlon Việt Nam, cho biết: Phương Trinh đã tạo nên màn tranh tài kịch tính với đương kim vô địch người Philippines Kim Mangrobang ở khúc cuối. Khi đó, Kim Mangrobang bị phạt penalty 10s (lỗi ném nón đạp ra ngoài giỏ), trong khi chỉ cách đích 200m. Ngay sau đó, Phương Trinh áp sát. Kim Mangrobang thậm chí đã bật khóc vì quá căng thẳng. Phương Trinh đã cực kì xuất sắc đổi màu huy chương ở cự ly duathlon nữ, mang về đủ bộ huy chương vàng, bạc, đồng cho đội tuyển 3 môn phối hợp Việt Nam tại SEA Games 32. 

Trong ngày thi đấu cuối cùng của môn thể thao này (8/5), các VĐV đội tuyển Triathlon Việt Nam đã không giành được kết quả như mong muốn. Theo đó, ở nội dung 3 môn phối hợp cá nhân nam, Lâm Quang Nhật đã phải dừng thi đấu do nhịp tim quá cao khi bước vào phần thi chạy bộ 5km (trước đó, Quang Nhật đã hoàn thành 2 phần thi của mình là bơi và đạp với vị trí dẫn đầu). Trong khi đó, ở nội dung cá nhân nữ, Nguyễn Thị Kim Cương cũng đã không thể tiếp tục phần thi của mình do chấn thương rạn xương háng chưa bình phục. Trước đó, Kim Cương cũng đã hoàn thành xuất sắc 2 phần thi là bơi và đạp.

Năm 2019, tại Philippines, đội tuyển Triathlon Việt Nam lần đầu tham dự sân chơi SEA Games đã giành được một HCĐ của Nguyễn Thị Phương Trinh ở nội dung duathlon (hai môn phối hợp: chạy 10km-đạp xe 40km-chạy 5km). Tới kỳ SEA Games 31 vừa qua, cựu VĐV Đội tuyển điền kinh quốc gia Phạm Tiến Sản cũng làm nên điều kỳ diệu khi lần đầu vô địch Đại hội ở nội dung duathlon. Và SEA Games 32 với kết quả 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ là minh chứng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của môn thể thao này. Đây cũng là cơ sở để Triathlon Việt Nam tiếp tục đầu tư và hướng tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn.

Triathlon là môn thể thao đầy khắc nghiệt, bởi người chơi được môn này phải có kỹ thuật rất toàn diện ở cả 3 nội dung khác nhau là bơi, đạp xe và chạy bộ. Triathlon xuất hiện lần đầu vào năm 1970, trước khi được đưa vào chương trình thi đấu tại Olympic từ năm 2000 ở Sydney (Australia).

Mỗi cuộc thi Triathlon có những quy định về thời gian thi đấu mà người chơi bắt buộc phải hoàn thành. Cự ly của từng nội dung trong những đấu trường khác nhau cũng không hề giống nhau.

Triathlon chưa phải là môn thế mạnh của Thể thao Việt Nam. Phong trào triathlon chính thức phát triển mạnh tại Việt Nam trong khoảng 5 năm gần đây thông qua các giải đấu như: Ironman, TRI-Factor, Challenge Vietnam, Sunset Bay...Các gỉải đấu hằng năm được tổ chức và số VĐV phong trào đăng ký tham dự bộ môn thể thao này cũng lên tới vài nghìn người.

VD

Ảnh trong bài
  • Đội tuyển Triathlon Việt Nam khép lại một kỳ SEA Games 32 với 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ