![](/Portals/0/EasyGalleryImages/1/30320/DSC_3119.jpg)
Đồng chí Lê Thị Hoàng Yến (bìa phải) phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: QB)
Phiên họp lần 2 diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Tham dự buổi họp có đồng chí Nguyễn Minh Sơn – Phó tổng biên Báo Điện tử Tổ quốc; Nguyễn Anh Trung Phó Trưởng phòng phụ trách Công nghệ thông tin, Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ VHTTDL; Hoàng Quốc Hòa – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm thông tin Tổng cục Du lịch; Nguyễn Duy Minh – Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông Trung tâm thông tin Tổng cục Du lịch; các thành viên trong Ban soạn thảo Đề án, là lãnh đạo các Vụ, đơn vị trực thuộc Tổng cục TDTT. 2 điểm cầu trực tuyến tham dự là lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ góp ý bằng văn bản.
Như chúng ta đã biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới xây dựng Chính phủ số, đặt nền móng cho công cuộc chuyển đổi số một cách toàn diện.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực TDTT, muốn TDTT Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thì việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là việc làm cấp bách hơn bao giờ hết. Cần triển khai ở tất cả mọi lĩnh vực từ công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành, công tác quản lý huấn luyện, quản lý thi đấu, đo kiểm thành tích, dinh dưỡng, hồi phục cho vận động viên, công tác tuyển chọn và tập huấn vận động viên các đội tuyển tỉnh, thành, ngành và đội tuyển quốc gia, công tác truyền thông, công tác thể thao quần chúng, thể thao học đường, thể thao trong các lực lượng vũ trang… Ngành TDTT không được chậm trễ trong thời kỳ công nghệ thông tin, Internet và mạng xã hội bùng nổ như hiện nay. Đề án “Chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao giai đoạn 2023-2025 định hướng đến năm 2030” sẽ góp phần cụ thể hóa các mục tiêu mà ngành TDTT đặt ra trong tương lai.
![](/Portals/0/EasyGalleryImages/1/30320/DSC_3109.JPG)
Toàn cảnh phiên họp lần 2 Ban soạn thảo Đề án (Ảnh: QB)
Báo cáo tại Hội thảo, Ban soạn thảo đã chỉ rõ các nhiệm vụ và giải pháp trong việc thực hiện Chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao, gồm 5 nhiệm vụ chính:
Chuyển đổi nhận thức: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số, gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền của ngành thể thao; đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số; Tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các cơ quan quản lý nhà nước; Tổ chức các lớp đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số...
Kiến tạo thể chế: Xây dựng các chính sách ưu tiên, hỗ trợ để triển khai Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao giai đoạn 2023-2025 định hướng đến năm 2030 như chính sách về nguồn vốn; chính sách ưu đãi về chế độ làm việc, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và an toàn thông tin; Xây dựng, ban hành quy định, quy trình về tiếp nhận, số hóa, lưu trữ và xử lý hồ sơ, văn bản điện tử đúng pháp luật hiện hành về văn thư lưu trữ và chữ ký số; Xây dựng các chính sách về CSDL (chiến lược chuẩn hóa, tích hợp dữ liệu; danh mục cơ sở dữ liệu; quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu; kết nối, chia sẻ dữ liệu...).
Phát triển Chính phủ số: Tiếp tục duy trì, nâng cấp, phát triển hạ tầng Chính phủ số phục vụ cơ quan nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet nhằm phục vụ kết nối liên thông, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của ngành TDTT, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan nhà nước một cách an toàn, linh hoạt, ổn định và hiệu quả; Nâng cấp, mở rộng, phát triển hệ thống quản lý điều hành tác nghiệp của ngành TDTT; Phát triển mở rộng hệ thống báo cáo chuyên ngành tới các đơn vị trực thuộc...
Phát triển kinh tế số: Xây dựng và tổ chức triển khai các ứng dụng và dịch vụ số về thể dục thể thao, thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao theo hướng gia tăng sự tương tác và trải nghiệm của người dùng; Xây dựng phát triển các dữ liệu số về thể dục thể thao trong đó tập trung ưu tiên ứng dụng, làm chủ các công nghệ liên quan đến phân tích chuyên sâu các dữ liệu thể dục thể thao (Big Data, AI, IoT..); Xây dựng và triển khai Kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể dục thể thao, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số.
Phát triển xã hội số: Xây dựng một số chính sách khuyến khích xã hội hóa (XHH) các sản phẩm, dịch vụ số phục vụ các hoạt động trong lĩnh thể dục thể thao; Ứng dụng công nghệ số để tổ chức các hoạt động thể thao; Thu thập và hình thành các cơ sở dữ liệu huấn luyện viên phong trào; hướng dẫn tập luyện; Cơ sở dữ liệu đánh giá phong trào thể dục thể thao quần chúng (số người tập luyện thể dục; thể thao thường xuyên; số gia đình thể thao; số cộng tác viên thể dục, thể thao; số câu lạc bộ thể thao; số công trình thể thao; số giải thể thao tổ chức hàng năm) làm cơ sở triển khai các ứng dụng phục vụ tập luyện thể dục, thể thao quần chúng.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quý giá cho việc hoàn thiện đề án, trong đó nổi bật là các ý kiến về việc cần sớm phê duyệt Đề án để có căn cứ triển khai các nhiệm vụ tiếp theo; có Đề án mới xây dựng được lộ trình cụ thể, công việc cụ thể và dự toán chi tiết cho từng giai đoạn thực hiện.
![](/Portals/0/EasyGalleryImages/1/30320/DSC_3143.JPG)
Đồng chí Hoàng Quốc Vinh (bìa phải) và đồng chí Ngô Ích Quân đóng góp ý kiến cho đề án
Đồng chí Hoàng Quốc Vinh và đồng chí Ngô Ích Quân – Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 và 2 nhận xét: Dự thảo đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao đã bao quát và phản ánh được các vấn đề về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay trong ngành thể dục thể thao. Tuy nhiên, thời gian triển khai những nhiệm vụ và giải pháp cần phải điều chỉnh theo hướng rút ngắn lộ trình, nếu để đến năm 2030 là quá dài. Trong giai đoạn đầu của đề án cần đẩy mạnh số hóa các văn bản quản lý nhà nước, các thông tin về các giải đấu quốc gia và quốc tế (công tác tổ chức, điều hành, kết quả thi đấu, VĐV, HLV, đoàn ra, đoàn vào...). Điều này sẽ giúp các Liên đoàn, Bộ môn thống nhất thể thức văn bản, biểu mẫu trình, giảm tải báo cáo thủ công, thống kê được kết quả một cách chính xác nhất, đồng thời liên kết chia sẻ dữ liệu phục vụ tốt hơn công tác quản lý và tác nghiệp chuyên môn.
Đồng chí Trần Hiếu – Viện trưởng Viện khoa học Thể dục thể thao ghi nhận những nỗ lực mà phía Trung tâm Thông tin TDTT và đơn vị tư vấn trong việc cho ra mắt Dự thảo đề án chuyển đổi số và đánh giá sơ bộ đề án có bố cục rõ ràng, đủ hàm lượng khoa học với các mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn. Song để đề án mang tính khả thi và đi vào thực tế cuộc sống với kỳ vọng đem lại một cuộc cách mạng trong ngành TDTT thì trước tiên các đơn vị trong toàn ngành phải có nhận thức nghiêm túc về vấn đề này; phải có báo cáo cụ thể về thực trạng và yêu cầu đối với công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại đơn vị mình. Nếu chúng ta không bắt tay chuyển đổi số ngay từ bây giờ chúng ta sẽ không theo kịp xu thế và bị bỏ lại phía sau. Đồng chí Trần Hiếu cũng đặc biệt nhấn mạnh tới công tác đào tạo cán bộ, nhất là các cán bộ phụ trách công nghệ thông tin của từng đơn vị. Trong quá trình chuyển đổi số cần đảm bảo hai loại nhân lực đó là nhân lực trực tiếp triển khai đề án và nhân lực tiếp nhận và vận hành hệ thống sau khi được chuyển giao công nghệ. Việc thiếu nhân lực đủ trình độ để có thể tiếp nhận và vận hành hệ thống sau khi triển khai các dự án là một rủi ro cần được tính đến.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ thể dục thể quần chúng cho rằng: Việc liên thông dữ liệu, chia sẻ dữ liệu với các địa phương là rất cấp thiết. Cần sớm có một phần mềm dùng chung để chuyển tải những ý kiến chỉ đạo, những kế hoạch, chương trình từ trung ương tới địa phương. Và cũng chính hệ thống này sẽ tổng hợp các báo cáo, số lượng về người tập luyện thể thao thường xuyên, số gia đình thể thao, số câu lạc bộ thể thao ....như vậy việc triển khai thực hiện mới đồng bộ và đem lại hiệu quả đúng việc, đúng người, đúng thời điểm.
Đồng chí Tần Lê Minh – Chánh Văn phòng Tổng cục TDTT đề xuất phương án nên sử dụng hạ tầng dùng chung đối với một số nhiệm vụ; tận dụng mô hình điện toán đám mây...song song với đó cũng cần duy trì trung tâm tích hợp dữ liệu tại Tổng cục TDTT để triển khai các nhiệm vụ đặc thù mang tính bảo mật, an toàn an ninh mạng, tuy nhiên việc đầu tư cho Trung tâm tích hợp dữ liệu sẽ ở một mô hình phù hợp với điều kiện thực tế; Cần bổ sung vào trong đề án hạng mục các trang thiết bị nhằm nâng cao thành tích thể thao (nhất là các môn thể thao trọng điểm); mở rộng dịch vụ công trên các nền tảng số để người dân có thể tra cứu, trao đổi thông tin, các VĐV, người hâm mộ thể thao có thể tương tác với các hoạt động của ngành. Đó cũng chính là giải pháp để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá cho ngành thể dục thể thao.
Đồng chí Lê Quang Tùng- Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính chỉ ra những ưu thế và thách thức trong bối cảnh hiện nay khi thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao và cho rằng cần sớm có những sản phẩm mang tính chuyển đổi số để người dùng, để các VĐV, các nhà quản lý theo dõi, phản hồi và tác nghiệp được thuận lợi hơn. Đồng chí cũng cho rằng để đề án được phê duyệt và triển khai hiệu quả Ban soạn thảo phải xác định rõ nguồn vốn đầu tư là gì (vốn đầu tư trung hạn, dài hạn hay chi thường xuyên) trong từng giai đoạn, phân kỳ cho hợp lý và đúng các Thông tư hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính.
![](/Portals/0/EasyGalleryImages/1/30320/DSC_3167.JPG)
Đồng chí Hoàng Quốc Hòa (bìa trái) đặc biệt nhấn mạnh tới tính cấp thiết về chuyển đổi số (Ảnh: QB)
Đồng chí Hoàng Quốc Hòa – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin Tổng cục Du lịch đã bày tỏ sự cảm kích khi lãnh đạo Tổng cục TDTT đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao vấn đề chuyển đổi số của ngành. Đối với đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT, đồng chí Hòa cho rằng cần quyết liệt hành động, kẻo “lỡ chuyến tàu”.
Cần phân bổ, sắp xếp lại các nhiệm vụ cho phù hợp với thời gian và xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ; Cần đưa ra bài toán sau năm 2030 đề án sẽ tiếp tục triển khai như thế nào; Tỷ trọng đầu tư cũng cần xem lại cho phù hợp với từng giai đoạn bởi công nghệ ngày càng thay đổi nhanh chóng, nếu không bắt kịp sẽ nhanh lỗi thời và tiềm ẩn những rủi ro nhất định (nhất là các sản phẩm về xây dựng phần mềm)...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó tổng cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến, Phó trưởng ban soạn thảo Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao đã ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các thành viên và khách mời, giao Trung tâm Thông tin TDTT phối hợp cùng đơn vị tư vấn giải pháp tiếp thu, chỉnh sửa đề án và hoàn thiện trình lãnh đạo Tổng cục xem xét trước khi trình các cơ quan thẩm định và lãnh đạo Bộ VHTTDL.
Phó tổng cục trưởng nhấn mạnh Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài và cần có lộ trình cụ thể, do đó, việc ban hành Đề án tổng thể chuyển đổi số của Tổng cục giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết để bảo đảm việc triển khai hoạt động chuyển đổi số của ngành được đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo kết nối liên thông. Đề án sẽ phản ánh tầm nhìn, nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2030 để đẩy mạnh sáng tạo, phát triển đột phá công nghệ kỹ thuật số, từ đó thúc đẩy sự phát triển về chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của ngành thể thao./.
Thùy Anh