Tới dự buổi lễ có Uỷ viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Hoàng Tuấn Anh, ông Trần Đại Quang - Thứ trưởng Bộ Công an, ông Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Phan Lâm Phương - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Hoà thượng Thích Thanh Tứ Phó chủ tịch thường trực HĐTS - Giáo hội Phật giáo Việt Nam và lãnh đạo đại diện các đơn vị, sở, ban ngành cùng đông đảo các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn năm xưa.
Đại lễ cầu siêu bạt độ cho các anh hùng liệt sĩ là dịp để tất cả người dân Việt Nam cùng ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, cùng nhau thực hiện một truyền thống tốt đẹp của đạo phật và của dân tộc về sự biết ơn, nhớ ơn đối với sự kiên trung, anh dũng hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, những người yêu nước - những người con ưu tú của đất nước đã vĩnh viễn nằm xuống cho sự hoà bình và độc lập của Tổ quốc. Ngay sau Lễ cầu siêu Bộ trưởng đã đến thắp hương hang 8 cô và tặng một bộ thiết bị âm thanh cho ban quản lý khu di tích này.
Tiếp tục ngày làm việc thứ 2 của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh về các hoạt động nằm trong chương trình kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn tại Quảng Bình, sáng (16/5) Bộ trưởng đã đến thăm, tặng quà cho 3 gia đình cựu thanh niên xung phong, đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc. Buổi gặp mặt và tưởng niệm diễn ra trong không khí đầy xúc động và mang đậm tính nhân văn cao cả.
Cùng ngày 19h45 tại Tượng đài thanh niên xung phong (Bố Trạch - Quảng Bình) điểm đầu của tuyến đường 20 quyết thắng Bộ VH,TT&DL tổ chức chương trình Nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn, từ những bản tình ca hùng tráng chương trình sẽ tái hiện lại sự hy sinh, gian khó đầy mồ hôi, máu của bao thế hệ bộ đội gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại.
Nói về các hoạt động kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết: Đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, chúng ta không thể nào quên được những khó khăn, gian khổ của quân và dân ta với phương châm " đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", với đôi dép cao su và chiếc gậy Trường Sơn các chiến sĩ bộ đội đã viết lên thiên hùng ca dân tôc của một lịch sử hào hùng, đầy khí phách Trường Sơn để hôm nay hàng triệu con người Việt Nam có được cuộc sống ấm no hạnh phúc. Giờ đây, mặc dù có làm tất cả những gì có thể nhưng chúng ta vẫn không thể nào bù đắp được những mất mát hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, lực lượng thanh niên xung phong Trường Sơn bởi vẫn còn biết bao người đã để lại một phần thân thể, mãi mãi nằm lại với núi rừng Trường Sơn. Ở thời điểm hiện tại cũng như trong thời gian tới Bộ VH,TT&DL sẽ làm hết tất cả những gì có thể vì những chiến sĩ Trường Sơn đã nằm xuống nơi đây và những người may mắn còn sống.
Vài nét về con đường Trường Sơn huyền thoại
Đường Trường Sơn khởi đầu từ xã Tân Kỳ - Nghệ An, được định hình từ ngày 19/5/1959. Đặc biệt, đường 20 Quyết thắng được khởi công xây dựng ngày 21/01/1966, thông xe ngày 31/5/1966. Đây là con đường huyết mạch, phá thế độc đạo, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, xuất phát từ Xuân Sơn đến ngã ba Lùm Bùm. Trong những năm chiến tranh leo thang miền Bắc bị giặc đánh phá, vì hậu phương lớn, cho một tiền tuyến lớn - miền Nam, hàng ngàn, hàng vạn cán bộ chiến sĩ, thanh niên xung phong , công nhân giao thông, dân công hoả tuyến và đồng bào các dân tộc, đã ngày đêm lao động quên mình, chiến đấu, anh dũng hy sinh để xẻ núi, bạt đèo, mở đường tiếp viện cho miền Nam đến ngày Tổ quốc thống nhất hoàn toàn.
|
Nguyệt Hương