Những cán bộ TDTT ngày ấy

Hồi kháng chiến 9 năm (1946 -1954) nhiều hoạt động TDTT đã phát triển mạnh ở khắp miền Nam. Ở vùng tự do khác hẳn vùng địch tạm chiếm, nhiều môn thể thao như Bóng đá, Bóng chuyền, Bơi, Võ thuật... được bộ đội, dân quân, du kích... rất ham thích tập luyện.

Để tránh máy bay địch phát hiện ném bom, bắn phá, các cuộc đá banh diễn ra trong rừng khắp các căn cứ kháng chiến. Miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Quân khu 9, Khu 7 Sài Gòn-Gia định, Khu 8, cực Nam Trung bộ… đâu đâu cũng có hoạt động TDTT phục vụ kháng chiến. Bằng chứng là sau năm 1954, ra Bắc tập kết nhiều bộ đội, cán bộ Dân - chính miền Nam chuyển sang công tác ở Ngành TDTT. Nhiều đồng chí giữ trọng trách Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Thường trực, Trưởng phó Ty TDTT ở 38 tỉnh, thành miền Bắc. Nhiều Ban TDTT cấp Bộ, Ngành, Ban của Đảng, Chính phủ, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội… cũng có người miền Nam đảm đương công tác TDTT. Nhiều người từng là VĐV, HLV hoặc từng học các Trường Thể thao Phan Thiết, Nguyễn Trãi (Sài Gòn), Đà Lạt tham gia cách mạng Tháng Tám 1945. Khi Nam bộ kháng chiến (23-9) và nhất là toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) thì hầu hết số anh em hoạt động thể thao tham gia công cuộc chống giặc cứu nước.

Vì vậy, khi Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam ra đời, thì công tác TDTT cũng được triển khai. Cũng như mọi lĩnh vực dốc toàn lực cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, ngay từ thập niên 60, Ủy ban TDTT do Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Văn Thái giữ chức Chủ nhiệm đã có những kế hoạch cụ thể cử cán bộ TDTT cho các vùng giải phóng. Từ năm 1964 đến tháng 4 năm 1975, ngành TDTT đã cử nhiều đợt với hàng trăm cán bộ quản lý, giáo viên Trờng Đào tạo Cán bộ TDTT trung ương (Trường Đại học TDTT Bắc Ninh ngày nay), HLV, VĐV vào Nam công tác.

Nếu chuyến cán bộ đầu tiên về Nam ngày 22/12/1964 được gọi là “B kín” giữ bí mật tuyệt đối, thì đến các chuyến trở về Nam lần sau trong các năm 1967, 1970, 1972, 1974… mà “Ban B”  Tổng cục TDTT chủ trương, do Tổng cục trưởng điều hành đã có những kết quả rất khả quan.

Đoàn cán bộ đi Nam mùa đông năm 1964 là các giáo viên: Vũ Văn Sản, Vũ Chi Mai, Nguyễn Đình Học (Trường TC TDTT Từ Sơn), Lê Thị Bạch Cát, Trần Đại Lâm… cùng số giáo viên khác Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc-Họa-Thể dục trung ương (Bộ Giáo dục), Phạm Thị Nẵng (HLV Điền kinh Trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT trung ương (Trung tâm HLTTQG Hà Nội hiện nay), Đinh Thị Tâm (Sở TDTT Hà Nội). 20 anh chị em cùng trong đoàn 300 cán bộ khối Văn-xã hành quân ròng rã 82 ngày đêm từ mật danh K33 Phú Thọ đến “R” căn cứ thuộc Trung ương Cục bấy giờ ở vùng giải phóng Tây Ninh, Bình Phước, Bình Long, Lộc Ninh. Các anh các chị vào đến nơi kịp tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn miền Nam lần thứ nhất năm 1965 với 300 VĐV tham gia.

Chiến trường miền Nam ngày càng khốc liệt, Mỹ-Ngụy ra sức đánh phá vùng giải phóng, mấy người được giữ lại công tác tại TƯ Đoàn Thanh niên giải phóng, còn chị Đinh Thị Tâm về địa bàn Long An; Lê Thị Bạch Cát về Khu Sài Gòn-Gia Định, Trần Đại Lầm công tác ở Văn phòng Bộ Giáo dục Chính phủ CMLT.

Cũng chính trong đận gian khó này, từ vùng giải phóng miền Nam Việt Nam các đoàn đại biểu TDTT, VĐV Bóng bàn, Thể dục… đã vượt mưa bom, bão đạn bước lên các diễn đàn và đấu trường thể thao rừng rực khí thế chống Mỹ ở tại Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba, Liên Xô, Indonesia, Campuchia... Các HLV, VĐV mang lá cờ xanh đỏ của Chính phủ CMLT miền Nam Việt Nam diễu hành trên vận động trường cũng là mang lửa của các nước thuộc thế giới thứ ba-Mới trỗi dậy, phấn đấu xây dựng một nền “Thể thao vì hòa bình”, “Thể thao chống các thế lực thù địch phá hoại hòa bình thế giới”.

Đoàn cán bộ thể thao do đồng chí Lê Bửu được cử làm trưởng đoàn đi Nam với danh sách hàng chục người. Song, vì “phải bí mật” nên chỉ thấy có Lê Bửu, Lê Thì…(Tổng cục TDTT), Bùi Văn Bảnh (Ty TDTT Quảng Ninh), Trần Đình Thi (Trường Đại học TDTT Trung ương)… Đến các đợt về Nam sau này thì ngày càng đông hơn, thậm chí còn đưa tiễn trên sân cơ quan 36 Trần Phú, Hà Nội: Lưu Quang Chớp về Cà Mau, Võ Sĩ Huệ, Trần Kỳ Ba đến Lâm Đồng, Nguyễn Văn Luân, Nguyễn Đình Bá lên Đắc Lắc, Nguyễn Đình Châu tới Kon Tum, Trần Văn Quế, Trần Đình Thi trụ tại Gia Lai. Nguyễn Duy Quang, Tống Phước Bền, Ngô Quang Trinh, Nguyễn Văn Vui… có mặt ở Đông Hà, Quảng Trị ngay sau khi giải phóng ngày 01/5/1972. Cơ quan Chính phủ CMLTMNVN đóng trên đất Cam Lộ, Ban TDTT kịp tổ chức hàng loạt hoạt động thể thao chào mừng quê hương và đường 9 giải phóng, chào mừng Chủ tịch Phiđen Catstơrô và Đoàn Chính phủ Cu Ba vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị.

Và, “Ban B” lập danh sách cử nhiều cán bộ, HLV xuất sắc của Ngành tăng cường cho miền Nam thì Tây Nguyên giải phóng tiếp theo là kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn. Miền Nam sạch bóng quân xâm lược, Ngành TDTT liên tiếp đưa cán bộ vào tiếp quản các cơ sở vật chất TDTT các tỉnh, thành phố: Các đồng chí Trương Tấn Bửu, Phan Ngươn Đang, Trần Trọng Lý, Huỳnh Văn Lệnh, Lê Hữu Nghị, Nguyễn Bạch Khấu, Nguyễn Duy Hưng, Cao Văn Thử, Nguyễn Hữu Lẫm, Lê Phong, Mai Xuân Phán, Đặng Nhật Lễ, Tống Viết Khánh… cùng hàng trăm cán bộ khác về Sài Gòn, Cần Thơ, Nha Trang, Tuy Hòa, Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết. Cán bộ TDTT nhiều địa phương như: Hà Việt Thiện (Hải Dương) vào làm Trưởng ty TDTT Đồng Nai; Lưu Phương (Hải Phòng) vào giữ chức Trưởng Ty TDTT Thừa Thiên-Huế…

Nhờ có các biện pháp chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Ngành TDTT, dù đó là những năm chống Mỹ-Ngụy cam go ác liệt (1960-1975), sau ngày giải phóng ngổn ngang công việc, ổn định cuộc sống, phong trào TDTT đã nhanh chóng phát triển. Các giải thể thao mang tên “Thống nhất” như Bóng đá, Điền kinh, Bơi vượt sông đường dài, chạy Việt dã Tiền phong… đã mang đến cho cuộc sống của hàng chục triệu người dân vùng mới giải phóng vui tươi hòa hợp. Công tác TDTT đã góp phần đáng kể tạo cho các thành phố, thị xã, vùng thôn quê rộng lớn thực sự sống trong không khí hòa bình. Niềm tự hào của cán bộ TDTT cũng bắt nguồn từ  niềm vinh quang nhân văn đó. 

TXH

Ảnh trong bài
  • Những cán bộ TDTT ngày ấy