Cụ thể, ngành TDTT hướng tới tập trung đổi mới mạnh mẽ, phát huy hiệu quả công tác TDTT; tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước tại Nghị quyết, Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh các hoạt động TDTT quần chúng, nâng cao thành tích thể thao; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành đơn vị.
Cùng với đó, quyết tâm thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá gồm: Xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức mới sau khi có Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL, đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự lãnh đạo, quản lý của cơ cấu tổ chức mới; Xây dựng thể chế, chính sách về TDTT nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển ngành trong trong giai đoạn mới; Chuẩn bị chu đáo lực lượng VĐV tham dự và đạt thành tích cao tại SEA Games 32 và ASIAD 19.
Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ đột phá kể trên bằng những kết quả như mong muốn, ngành TDTT xác định tập trung triển khai, thực hiện thành công các mục tiêu mà ngành đặt ra trong năm 2023 như: Hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án được giao đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Phấn đấu số người luyện tập TDTT thường xuyên đạt 35,7%, số gia đình tập luyện TDTT đạt 26,8%. Phấn đấu đạt từ 03 đến 05 HCV tại ASIAD 19 và giữ vững trong tốp 3 quốc gia dẫn đầu tại SEA Games 32.
![](/Portals/0/EasyGalleryImages/1/29024/0038329_IMG_6657.jpeg.jpeg)
Năm 2023, ngành TDTT quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra (Ảnh: Văn Duy)
Bên cạnh đó, đối với công tác xây dựng và triển khai văn bản quy phạm pháp luật, đề án: Tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển TD,TT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ; xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2022-2040; Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT, Đề án bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian và Võ cổ truyền đến năm 2030. Xây dựng các Thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí và hướng dẫn cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực TDTT… Hoàn tất đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035 và chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030".
Ở lĩnh vực TDTT quần chúng: Đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Chương trình Bơi an toàn phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình phối hợp quản lý, chỉ đạo hoạt động TDTT trong mọi đối tượng, địa bàn trên cả nước. Chuẩn bị chu đáo lực lượng VĐV tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 tại Campuchia và các giải thể thao quốc tế dành cho người khuyết tật. Tổ chức, điều hành 44 Hội thi, giải thể thao quần chúng toàn quốc, 24 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ TDTT.
Về thể thao thành tích cao: Tập trung chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 32 năm 2023 tại Campuchia, ASIAD 19 tại Trung Quốc, Đại hội Thể thao Bãi biển thế giới tại Indonesia, Đại hội Thể thao Trong nhà và Võ thuật lần thứ 6 (AIMAG6) tại Thái Lan, vòng loại Olympic 2024 và các sự kiện thể thao quốc tế trong năm 2023. Phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, các địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức, điều hành 172 giải thể thao thể thao thành tích cao, 33 lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên thể thao. Phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chỉ đạo tổ chức tốt V-League 2023 và chuẩn bị cho đội tuyển Bóng đá nam tham dự AFF Cup diễn ra vào cuối năm 2022, đầu năm 2023, Bóng đá nữ tham dự World Cup, Bóng đá U23 nam, nữ tham dự SEA Games 32 và các giải bóng đá quốc tế khác.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về TDTT: Đẩy mạnh hợp tác với các cường quốc thể thao đã có quan hệ hợp tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cu Ba, Hungary, Nga, Mỹ… trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến TDTT như đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học thể thao, quản lý thể thao, kinh tế thể thao… ; tích cực tham gia và hưởng ứng các hoạt động trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN; ký kết hợp tác về TDTT với Campuchia, Lào.
Bên cạnh đó, kiện toàn lại mô hình hoạt động theo cơ cấu mới; xây dựng chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc; thành lập các Hội thể thao quốc gia của các môn chưa có Hội; đôn đốc, hướng dẫn các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức đại hội theo nhiệm kỳ; thực hiện tinh giản biên chế tại các đơn vị trực thuộc theo quy định; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục TDTT...
Để các mục tiêu đặt ra trong năm 2023 đạt được như kỳ vọng, ngành TDTT đã xây dựng, thực hiện hiệu quả nhóm các giải giải pháp như: Tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực TDTT, trong đó tập trung xây dựng các văn bản triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TD,TT; thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước tại Nghị quyết, Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam trong giai đoạn mới; phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi chế độ, chính sách về TDTT. Đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực TDTT…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động toàn dân tích cực tập luyện TDTT đúng cách góp phần nâng cao chất lượng phong trào TDTT; phổ biến, truyền tải các tài liệu, kiến thức về phương pháp, cách thức, nguyên tắc tập luyện TDTT đảm bảo an toàn trong điều kiện bình thường để nâng cao sức khỏe, thể lực, phòng, chống bệnh tật. Quy hoạch, phân nhóm các môn thể thao nhằm đầu tư trọng tâm, trọng điểm và phát huy nguồn lực xã hội trong công tác đào tạo VĐV. Tập trung, tập huấn ngay từ đầu năm đối với các đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games 32 tại Campuchia cũng như liên thông nhiệm vụ tại ASIAD 19 vào tháng 10 tại Trung Quốc, vòng loại Olympic 2024 cũng như các Đại hội thể thao quốc tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Ngoài ra, chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa về TDTT nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho phát triển thể dục, thể thao. Tăng cường và nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia trong triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, sự nghiệp. Tăng cường phát triển kinh tế thể thao, thúc đẩy hoạt động kinh doanh thể thao chuyên nghiệp phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Xây dựng môi trường văn hóa trong thi đấu thể thao; đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, bạo lực, hành vi thiếu văn hóa trong các hoạt động thể thao. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động TDTT; tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, y học TDTT…
Với kế hoạch, mục tiêu rất cụ thể cùng sự đoàn kết, tâm huyết của các cán bộ công chức, viên chức và người lao động, ngành TDTT sẽ nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy đưa nền Thể thao nước nhà gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.
N.H