Ca trù cần sớm trở thành Di sản văn hoá phi vật thể

Chiều qua (20/04), Bộ VH,TT&DL đã tiến hành tổ chức họp báo giới thiệu về Di sản Ca trù và đề nghị UNESCO đưa vào danh mục "Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp".

Tham dự buổi họp báo có ông Tô Văn Động - Chánh văn phòng Bộ, bà Phạm Thị Minh Lý - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, ông Lê Toàn - Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, ông Phạm Sanh Châu - Tổng Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cùng đông đảo các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương.

Buổi họp báo nhằm cung cấp thông tin một cách đầy đủ và chính xác về đặc điểm của nghệ thuật Ca trù cũng như công tác chuẩn bị cho việc thành lập hồ sơ Quốc gia đưa vào danh mục "Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp"  tới đông đảo các phóng viên, nhà báo.

Toàn cảnh buổi họp báo (Ảnh Minh Đăng)
Với những đặc thù riêng của nghệ thuật Ca trù, việc lập hồ sơ để Ca trù Việt Nam được sớm đứng trong danh mục "Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp" đã được Viện Âm nhạc, Học viện Quốc gia Việt Nam tiến hành từng bước khẩn trương và cẩn trọng. Năm 2005, theo Quyết định của Bộ VH,TT&DL, GS Trần Văn Khê được cử làm cố vấn khoa học cho công tác lập hồ sơ. Viện Âm nhạc đã mời ông theo dõi công tác xây dựng hồ sơ suốt 5 năm; một số nhà khoa học tham gia viết các bài nghiên cứu về Ca trù đã xuất bản. Năm 2005 - 2008 đã tổ chức nhiều cuộc điền dã khảo sát, sưu tầm tài liệu, ghi âm, ghi hình và phục hồi các thể cách Ca trù. Qua các đợt khảo sát đã có những phát hiện nhiều mặt rất quan trọng của Ca trù. Những kết quả thu được sau các cuộc điền dã, sưu tầm là căn cứ vững chắc giúp cho công tác lập hồ sơ bảo đảm tính chính xác và khoa học. Năm 2008 tổ chức Liên hoan Ca trù lần thứ nhất và Hội thảo khoa học quốc tế Hát Ca trù người Việt tại Hà Nội, Hội nghị kiểm kê Ca trù, Hội nghị bàn về múa trong Ca trù. Để hoàn thiện công tác kiểm kê Ca trù tại cộng đồng, Viện Âm nhạc đã tổ chức cùng lúc 2 cuộc thẩm định kết quả kiểm kê.

Sau thời gian dài chuẩn bị làm việc có tính kế thừa, nối tiếp các thông tin đã có và tiếp tục sưu tầm, bổ sung thêm tư liệu mới đáp ứng được tiêu chí do UNESCO đề ra đối với hồ sơ, bằng nội lực, cùng sự cộng tác chặt chẽ của các nhà nghiên cứu văn hoá và âm nhạc trong và ngoài nước; được sự chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL, sự giúp đỡ của Cục Di sản Văn hoá và nhiều địa phương cùng các cơ quan ban ngành đến nay Viện Âm nhạc đã hoàn thành bộ hồ sơ Quốc gia đúng tiến độ, theo tiêu chí đăng ký danh sách Di sản Văn hoá cần được Bảo vệ khẩn cấp của UNESCO.

Di sản Ca trù được công nhận là "Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp" có ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam. Điều đó thể hiện ở việc gìn giữ văn hoá dân tộc với những bản sắc riêng biệt và đặc thù riêng, là cơ hội quảng bá về văn hoá, hình ảnh Việt Nam tới bạn bè thế giới, hưởng ứng năm ngoại giao văn hoá của Việt Nam. 

Nguyệt Hương

Ảnh trong bài
  • Ca trù cần sớm trở thành Di sản văn hoá phi vật thể