Việc triển khai Chương trình diễn ra trong thời điểm này mặc dù còn gặp phải một số khó khăn như sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp lý song lại có thuận lợi đó là được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp trong cả nước và toàn xã hội đối với chương trình xã hội hoá. Nghị quyết Đại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định "Đẩy mạnh hoạt động TDTT, nâng cao thể trạng và tầm vóc của người Việt Nam. Phát triển TDTT quần chúng với mạng lưới cơ sở rộng khắp; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ VĐV thể thao thành tích cao, đưa thể thao Việt Nam lên trình độ chung trong khu vực Đông Nam Á và có vị trí cao trong nhiều bộ môn. Đẩy mạnh xã hội hoá, khuyến khích nhân dân và các tổ chức tham gia thiết thực, có hiệu quả các hoạt động văn hoá thể thao". Hơn thế nữa, khi nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn phát triển khá nhanh, đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu hoàn thiện chất lượng cuộc sống ngày càng tăng đó là nguyên nhân tất yếu dẫn tới sự quan tâm đúng mức tới việc nâng cao sức khoẻ bằng con đường luyện tập thể thao.
Do đó Chương trình phát triển TDTT xã, phường, thị trấn đến năm 2010 cùng với chủ trương xã hội hoá TDTT của Đảng, Nhà nước được coi là những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh mẽ, sôi nổi và có chất lượng góp phần vào việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Chương trình được thực hiện từ 2005 đến 2010, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là giai đoạn thí điểm triển khai chương trình sẽ tiến hành trong 2 năm 2005, 2006. Giai đoạn 2 tiến hành trong 4 năm từ 2007 đến 2010 thực hiện triển khai toàn bộ chương trình. Nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn 1 là phải hoàn tất toàn bộ công tác chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình và chỉ đạo thực hiện các mục tiêu chương trình tại các xã, phường thí điểm. Giai đoạn 2 triển khai thực hiện nhân rộng các mô hình xã, phường điểm về TDTT ở cấp xã trong phạm vi toàn quốc với mọi đối tượng, tổ chức dựa trên đánh giá kết quả của giai đoạn 1.
Để chương trình thực hiện có hiệu quả các thành viên ban chỉ đạo đã đưa ra những giải pháp chi tiết như: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác TDTT ở cấp xã; xây dựng các hình thức hoạt động TDTT quần chúng ở cấp xã phù hợp với các đối tượng và điều kiện cụ thể; xây dựng và chỉ đạo xây dựng mô hình thí điểm (chọn ra 128 xã tiêu biểu cho 7 vùng được lựa chọn để chỉ đạo thực hiện thí điểm theo các nội dung của chương trình trong 01 năm sau đó rút kinh nghiệm để phổ biến chung); xây dựng hệ thống thi đấu TDTT quần chúng ở cấp xã; thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển TDTT ở cấp xã theo định hướng xã hội hoá; thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác triển khai thực hiện chương trình; triển khai thực hiện công tác thi đua khen thưởng thường xuyên, định kỳ và công tác tuyên truyền cho hoạt động TDTT ở cấp xã.
Đây là chương trình có quy mô lớn với những nhóm mục tiêu, giải pháp đồng bộ, dài hạn nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Uỷ ban TDTT cùng các ban ngành liên quan như UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo hướng dẫn các Sở TDTT (Sở Văn hoá - Thông tin - Thể thao); Bộ Nội Vụ; Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Tài chính; các tổ chức chính trị, xã hội; Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội cựu chiến binh Việt Nam... để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu mà chương trình đề ra.
A.T