Hội thảo tham vấn Dự thảo “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn 2045”

Sáng 19/10 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo tham vấn, đối với Dự thảo “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn 2045” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: văn hóa và thể thao được xác định là một trong những lĩnh vực quan trọng và là động lực của kinh tế xã hội. Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý xã hội, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng liên quan tới lĩnh vực văn hóa và thể thao, đặc biệt là định hướng phát triển văn hóa và thể thao cấp quốc gia. Sau 10 năm triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kết quả đạt được đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của nhân dân. Qua đó đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.

Hội thảo tham vấn Dự thảo “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn 2045”

Các chiến lược, quy hoạch, phát triển văn hóa và thể thao sau khi được ban hành, triển khai thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Phần lớn các quy hoạch triển khai có thời gian hoàn thành đến năm 2020, một số nội dung quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và TDTT tuy được xây dựng tầm nhìn đến năm 2030 nhưng không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, cần phải được thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kì mới.

Tại Hội thảo lần này, Thứ trưởng Tạ Quang Đông mong nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành, địa phương cho các nội dung cơ bản của “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045”. Qua đó, nhằm bổ sung, hoàn thiện những định hướng, giải pháp cơ bản nhằm tạo sự đột phát cho sự phát triển văn hóa, thể thao trong giai đoạn mới phù hợp với những định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, chiến lược của ngành; đồng thời làm cơ sở pháp lý để triển khai chỉ đạo, quản lý các hoạt động của ngành trên phạm vi cả nước một cách có hiệu quả.

Báo cáo tóm tắt nội dung “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn 2045”, ông Nguyễn Tiến Sĩ, đại diện đơn vị liên danh tư vấn đã cung cấp cho các đại biểu dự Hội thảo bức tranh toàn cảnh về mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành, địa phương

Trong đó, mạng lưới cơ sở TDTT quốc gia có 5 đối tượng được lập quy hoạch đó là: Trung tâm đào tạo, huấn luyện VĐV thể thao; Trung tâm hoạt động thể thao; Cơ sở dịch vụ thể thao, chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng VĐV; Cơ sở nghiên cứu, đào tạo TDTT; Trụ sở cơ quan TDTT.

Quy hoạch cũng nêu rõ hiện trạng phát triển của mạng lưới trung tâm hoạt động thể thao; mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đào tạo TDTT; mạng lưới cơ sở dịch vụ chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng; trụ sở cơ quan thể thao được đánh giá dựa trên các tiêu chí kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế.

Phát triển mạng lưới cơ sở TDTT quốc gia nhằm hướng tới mục tiêu: Xây dựng và phát triển nền TDTT tiên tiến, hiện đại, khoa học và nhân dân; Phát triển mạng lưới cơ sở TDTT quốc gia đồng bộ, có một số công trình xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện TDTT mang tầm khu vực và quốc tế, thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ TDTT có chất lượng cao phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu của VĐV, đưa trình độ một số môn thể thao trọng điểm nâng cao ngang tầm châu Âu và thế giới; bảo đảm các điều kiện để sẵn sàng đăng cai tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn của châu Á và thế giới; Phấn đấu đến năm 2045 hình thành xã hội tập luyện TDTT thường xuyên với đa số người dân tham gia, Việt Nam trở thành quốc gia có nền TDTT phát triển ở châu lục, đứng trong tốp 10 của châu Á.

Dự thảo "Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn 2045" đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn. Trong đó, về lĩnh vực văn hóa, tập trung vào các vấn đề như: Thách thức, cơ hội, quan điểm, mục tiêu và bối cảnh để phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa; Thể chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp Văn hóa ở Việt Nam; Những đánh giá và dự báo về phát triển công nghiệp văn hóa...  Đối với lĩnh vực TDTT, các ý kiến tập trung vào các vấn đề như: công tác nghiên cứu xây dựng thể chế, chính sách; Giải pháp phát triển nguồn nhân lực; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và môi trường trong hoạt động TDTT; y học thể thao; vấn đề liên kết ngành, liên kết vùng trong phát triển TDTT; công tác Thông tin tuyên truyền, xã hội hóa TDTT và hợp tác quốc tế về TDTT....

  A.T, ảnh Văn Duy