Tại buổi họp giao ban báo chí, ông Bùi Trung Kiên- Phó Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL cho biết: Hiện có 3 cơ quan báo chí do Bộ VHTTDL trực tiếp quản lý gồm: Báo văn hóa, Báo điện tử Tổ quốc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật và 3 cơ quan báo chí do các đơn vị trực thuộc Bộ quản lý gồm: Tạp chí Thể thao (trực thuộc Tổng cục TDTT), Tạp chí Làng Việt (trực thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam) và Tạp chí Du lịch (trực thuộc Tổng cục Du lịch). Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã và đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ công tác thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các hoạt động của Bộ VHTTDL. Đây cũng là nơi cung cấp các thông tin chính thống đến với các đơn vị thông tin báo chí trên toàn quốc.
Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Văn Duy)
Cuộc họp giao ban cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp rất thiết thực, ý nghĩa từ các đại biểu dự họp. Song về cơ bản, các ý kiến đều tập trung vào việc đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cũng như công tác vận hành tại mỗi cơ quan báo chí. Trên cơ sở đó, đề xuất với lãnh đạo Bộ có chủ trương chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng phối hợp, giải quyết khắc phục hiệu quả.
Ý kiến của bà Lê Thị Hoàng Yến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho rằng: 6 cơ quan báo chí của ngành VHTTDL đã làm rất tốt nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong việc tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như phản ánh một cách rất sinh động về các hoạt động, lĩnh vực do Bộ đang quản lý. 8 tháng đầu năm, nhiều sự kiện văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch đã được phản ánh đầy đủ, kịp thời, trong đó, nổi bật là SEA Games 31. Thành công của sự kiện này đã tạo được tiếng vang rất lớn từ người dân trong nước đến bạn bè quốc tế. Có được thành công đó là sự góp sức rất lớn từ đội ngũ phóng viên, nhà báo, những cán bộ làm công tác truyền thông tại 6 cơ quan báo chí của ngành VHTTDL.
Để công tác thông tin, tuyên truyền cho các hoạt động của ngành VHTTDL đạt hiệu quả tốt hơn nữa trong thời gian tới, bà Lê Thị Hoàng Yến cũng đưa ra ý kiến đề xuất lãnh đạo Bộ VHTTDL, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ tiếp tục có những quan tâm sát sao, cởi mở hơn trong công tác chia sẻ thông tin, tạo những điều kiện tốt nhất cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên có thể khai thác thông tin một cách chính thống, nhanh nhất.
Đánh giá cao công tác thông tin tuyên truyền của 6 cơ quan báo chí ngành VHTTDL, ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL khẳng định: 8 tháng đầu năm 2022 đã có hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật được các cơ quan báo chí ngành VHTTDL đăng tải liên tục trên các kênh báo chí khác nhau. Điều này thật sự hữu ích để truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành VHTTDL tới bạn đọc quan tâm, cũng như các cơ quan báo chí, đơn vị trong và ngoài ngành khai thác, triển khai nhiệm vụ. Đặc biệt, để tạo được tính độc đáo, vận dụng mạnh mẽ thế mạnh của mỗi tờ báo, các cơ quan báo chí của ngành VHTTDL hãy xây dựng cho mình các tuyến bài, theo từng chủ đề, chủ điểm bám sát vào các nhiệm vụ chính của ngành cũng như nhiệm vụ tuyên truyền của đơn vị, để từ đó tạo được thương hiệu riêng cho mỗi cơ quan báo chí.
Quan cảnh buổi làm việc (Ảnh: Văn Duy)
Ghi nhận và đánh giá cao công tác thông tin tuyên truyền từ các cơ quan báo chí, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ mong muốn các cơ quan báo chí ngành VHTTDL phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các hoạt động của ngành VHTTDL. Đồng thời, thẳng thắn chia sẻ những khó khăn của các cơ quan báo chí đang còn vướng mắc trong quá trình quản lý, thực hiện nhiệm vụ tại mỗi đơn vị.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu các Vụ, đơn vị thuộc khối 51 Ngô Quyền sẽ tiếp tục là đầu mối, kết nối với các Bộ, Ban ngành liên quan cùng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí của Bộ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí.
Cùng với đó, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định: Báo chí đóng góp không nhỏ trong các kết quả nổi bật của Bộ VHTTDL 8 tháng đầu năm 2022. Qua sự phản ánh của các cơ quan báo chí ngành VHTTDL đã cho thấy những nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên các lĩnh vực VHTTDL, góp phần vào thành công chung của cả nước”.
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong Quý IV, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, các cơ quan báo chí trực thuộc Bộ cần tập trung thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ đã cam kết với Bộ trưởng, đặc biệt là các nội dung tại Thông báo Kết luận của Bộ trưởng tại Hội nghị triển khai công tác báo chí, tuyên truyền năm 2022 (Thông báo số 61/TB-VP ngày 21.2.2022 của Văn phòng Bộ); tập trung nâng cao chất lượng phóng viên của các báo, tạp chí; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường tuyên truyền trên nền tảng số trong cơ quan của Bộ nói chung, cơ quan báo, tạp chí của Bộ nói riêng.
Các, các cơ quan báo chí ngành VHTTDL cũng cần xây dựng kế hoạch, tổ chức đoàn phóng viên báo chí viết tin bài, phóng sự truyền hình và đi tác nghiệp tại địa phương nhằm tuyên truyền, quảng bá các hoạt động về ngành VHTTDL.
Cùng với đó là việc hoàn thành Đề án Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch”; đồng thời làm tốt nhiệm vụ tổ chức bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của ngành, thực hiện hàng năm.
Thực hiện tốt định hướng tuyên truyền của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý về báo chí; của Bộ VHTTDL, bám sát phương châm của cả nhiệm kỳ “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến” với chủ đề công tác năm 2022 là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”; hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quý IV năm 2022.
Bên cạnh đó, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; bám sát thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối VHTTDL của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030...
Tuyên truyền đậm nét, tăng cường các bài viết có chất lượng, chiều sâu về các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; phục hồi du lịch; thể dục thể thao và gia đình…
N.H