Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Đặng Xuân Phương chia sẻ: Trong những năm qua, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, truyền thông toàn cầu, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet ở nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ. Với thế mạnh về khả năng tương tác cao, độ bao phủ rộng, sử dụng thuận tiện, các nền tảng mạng xã hội đã thu hút được đông đảo người sử dụng, qua đó có những tác động sâu, rộng đến đời sống xã hội, đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ,đáp ứng nhu cầu thông tin, hưởng thụ văn hoá của nhân dân, góp phần phản biện chính sách, định hướng dư luận xã hội, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, quảng bá sản phẩm, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế…
![](/Portals/0/EasyGalleryImages/1/24141/0027012_s5.jpg.jpeg)
Toàn cảnh buổi làm việc
Tuy nhiên bên cạnh những tiện ích và mặt tích cực, công tác quản lý mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới, đang bộc lộ nhiều mặt trái đáng lo ngại. Tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để nói xấu, công kích, bôi nhọ tổ chức, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, quảng cáo, thông tin sai sự thật về sản phẩm, thông tin thiếu chuẩn mực đạo đức, trái thuần phong mỹ tục đã ảnh hưởng tiêu cực, gây nhiều hệ luỵ cho xã hội. Là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực trong đó xu hướng ngày càng bùng nổ các hoạt động sáng tạo văn hoá, xã hội trên mạng xã hội, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, kéo dài, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã vào cuộc, chấn chỉnh, quản lý và định hướng đồng thời chấn chỉnh các nội dung không phù hợp.
Tiểu biểu có thể kể đến như: Việc xây dựng, ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách trước tác động của việc cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác. Bộ VHTTDL đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của ngành đến công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ, cán bộ chuyên trách thuộc các Sở VHTTDL, Phòng Văn hóa – Thông tin cấp huyện...
Được biết, hiện nay việc cung cấp và sử dụng thông tin trên điện tử, mạng xã hội là xu hướng tất yếu của xã hội, phù hợp với sự phát triển của đất nước và quốc tế, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Thông tin trên mạng xã hội giúp người dân tìm hiểu thông tin, phục vụ nhu cầu giải trí kịp thời và đang dạng hơn. Tuy nhiên, do sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ nên đã bộc lộ một số hạn chế của công tác quản lý nhà nước như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa sử đổi, bổ sung kịp thời so với những thay đổi của công nghệ dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước lúng túng, nhưng trong lĩnh vực điện ảnh là một ví dụ. Các doanh nghiệp tư nhân nhanh chóng thích ghi với việc sản xuất, phát hành, phổ biến các sản phẩm trên môi trường mạng. Các đơn vị nhà nước cũng có thể chuyển đổi số ngay trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn phải chờ hoàn thiện cơ chế pháp lý theo trình tự, thủ tục, luật định cho việc hoạt động. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ so với các doanh nghiệp tư nhân.
Tại buổi làm việc, hầu hết các ý kiến của Đoàn giám sát và các ý kiến trả lời từ phía đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ đều tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi số trên các lĩnh vực bản quyền, quảng cáo trên mạng xã hội, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, phát ngôn của người nổi tiếng trên mạng xã hội; việc quản lý môn thể thao điện tử - Esport; việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ thông tin, truyền thông khác trên mạng internet…
Đáng chú ý, khi nói tới lĩnh vực thể thao, có câu hỏi đặt ra rằng: Việc quản lý, tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp của môn thể thao điện tử - Esport được Bộ thực hiện như thế nào trong xu thế phát triển công nghệ thông tin mạnh mẽ như hiện nay. Trước vấn đề này, bà Lê Thị Hoàng Yến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: hiện môn Esport là một trong những môn thể thao trí tuệ mới phát triển ở Việt Na, rất thu hút người đam mê công nghệ, giải trí, trong đó đặc biệt là giới trẻ. Chính vì vậy, nhiều giải đấu chuyên nghiệp đã tổ chức thành công. Hiện trên cả nước có gần 200 CLB thể thao điện tử thuộc Hiệp hội thể thao điện tử Việt Nam (quản lý về mặt chuyên môn) và các Sở Thông tin truyền thông, Sở VHTTDL địa phương quản lý về mặt quản lý nhà nước. Tại SEA Games 31 tới đây, bộ môn Esport cũng nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của Đại hội với 8 nội dung thi đấu, hiện Tổng cục TDTT phối hợp cùng các đơn vị, ngành liên quan quản lý và định hướng phát triển tốt môn thể thao này.
Chia sẻ những khó khăn của Bộ VHTTDL trong việc quản lý của một bộ đa ngành, đa lĩnh vực trong đó có nhiều lĩnh vực thu hút sự quan tâm của dư luận và khá nhạy cảm, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục -Đặng Xuân Phương đánh giá cao báo cáo từ phía Bộ VHTTDL trong việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ thông tin, truyền thông khác trên mạng xã hội đã bám sát vào nội dung giám sát của Quốc hội. Ông Đặng Xuân Phương cũng cho rằng có một thực tế là khuôn khổ chính sách pháp luật của nhà nước về quản lý thông tin trên mạng internet còn chật hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Mặc dù Việt Nam đã có Luật an ninh mạng, đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng nhưng thực tế hiện đang đặt ra nhiều vấn đề trong đó có yêu cầu về việc xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá trên không gian mạng, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp, xử lý kịp thời.
Ghi nhận trước những ý kiến đóng góp từ đại biểu của đoàn giám sát của Quốc hội, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định: những ý kiến tại buổi làm việc lần này rất quý, bổ ích, sẽ được Bộ tiếp thu và điều chỉnh, bổ sung kịp thời những điểm còn chưa hoàn thiện trong công tác quản lý điều hành ở các lĩnh vực do Bộ quản lý. Nhân dịp này, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương mong muốn Quốc hội tiếp tục quan tâm, coi trọng và có sự đầu tư tương xứng cho công tác quản lý thông tin trên mạng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng; xây dựng mô hình quản lý riêng đối với lĩnh vực thông tin trên mạng xã hội cho ngành Văn hóa, thể thao và du lịch...
N.H