Đánh giá về tầm quan trọng của công tác này, Phó Trưởng Ban tổ chức, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT -Trần Đức Phấn cho biết: đây là nội dung mà hầu hết các quốc gia tham dự bày tỏ sự quan tâm tại phiên họp Trưởng đoàn lần thứ nhất. Chính vì vậy, thông qua buổi làm việc này, phía Thường trực Ban tổ chức SEA Games 31 mong muốn được nghe ý kiến chia sẻ và quan điểm từ phía Bộ Y tế và Tiểu ban Y tế để hai bên cùng nhau thảo luận nhằm tổ chức một kỳ Đại hội thành công và an toàn.
![](/Portals/0/EasyGalleryImages/1/24131/0027000_A Phan.jpg.jpeg)
Phó Trưởng Ban tổ chức, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn
nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Chia sẻ tại buổi làm việc, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đã đánh giá cao công tác chuẩn bị của thường trực Ban tổ chức SEA Games 31 tính đến thời điểm này.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh SEA Games 31 là sự kiện thể thao đa môn lớn nhất khu vực, có số lượng người tham gia đông, chính vì vậy hai bên cần tập trung thảo luận để đưa ra các giải pháp và kịch bản nhằm đảm bảo sự kiện diễn ra một cách an toàn nhất. PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị đại diện Bộ Y tế chia sẻ quan điểm chuyên môn để thường trực Ban tổ chức, đại diện các Tiểu ban dự họp thảo luận, qua đó hai bên có thể thống nhất ý kiến. Phía Bộ Y tế và Tiểu ban Y tế sẽ tiếp thu, xây dựng kế hoạch tốt nhất cho nội dung phòng, chống dịch và y tế của Đại hội.
Đại diện Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế – ông Long cho biết, hiện nay tại các tỉnh, thành phố có tới 99% người từ 12 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vaccine vì vậy số các ca mắc Covid-19 chủ yếu ở thể nhẹ, số ca từ vong duy trì ở mức thấp. Nếu không có sự xuất hiện của biến thể mới, Việt Nam hoàn toàn có thể ứng phó được với tình hình. Cũng theo ông Long, cần căn cứ vào tình hình cấp độ dịch và mức độ đáp ứng của địa phương để xây dựng kịch bản số lượng khán giả.
Ngoài ra phía Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế cũng chia sẻ tới các yếu tố khác như hình thức quản lý vòng kín nào, đối tượng xét nghiệm Covid-19, thời điểm xét nghiệm, số lượng môn thể thao và đoàn tham dự tại mỗi địa phương…. Đó là những nội dung hai bên cần làm rõ để có phương án triển khai cụ thể.
Đại diện Cục quản lý môi trường Bộ Y tế - ông Cường cho biết, đơn vị được phụ trách khử khuẩn cũng đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai nội dung này tại các khách sạn, nhà thi đấu… Tuy nhiên, tần suất khử khuẩn hay đơn vị chịu trách nhiệm, phía Cục môi trường sẽ phối hợp với Ban tổ chức địa phương để làm rõ và đưa vào kế hoạch.
Bộ Y tế đã xây dựng sổ tay hướng dẫn, dự kiến ban hành vào cuối tháng 3. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng sẽ tiến hành cập nhật phiên bản mới danh mục thuốc, dụng cụ y tế mới nhất để có thể vừa chống dịch vừa đảm bảo nhiệm vụ được giao liên quan tới SEA Games 31. Đó là những thông tin mà bà Ngọc, đại diện Bộ Y tế cung cấp tại buổi làm việc.
![](/Portals/0/EasyGalleryImages/1/24131/0026998_toan canh bai.jpg.jpeg)
Xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch bệnh Covid-19
nhằm tổ chức SEA Games 31 thành công và an toàn
Căn cứ các ý kiến được nêu ra tại buổi làm việc, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh về tầm quan trọng của xét ngiệm nhanh, khử khuẩn, là những biện pháp cần phải triển khai thực hiện, ngoài ra cần làm rõ về tính đặc thù của từng môn thể thao, các quy định chung của Ban tổ chức, sau khi thống nhất về quan điểm, chủ trương tại buổi làm việc, cần tiến hành kiểm tra và diễn tập tại địa phương. Bộ Y tế cũng sẽ làm việc với các Sở Y tế để giao nhiệm vụ sau khi có kịch bản cụ thể.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện các Tiểu ban Ban tổ chức SEA Games 31 đã làm rõ các nội dung mà đại diện Bộ Y tế yêu cầu, bên cạnh đó cũng chia sẻ một số ý kiến để Bộ Y tế hướng dẫn như: tần xuất xét nghiệm Covid-19 yêu cầu đối với từng nhóm đối tượng, địa điểm, thời điểm và chi phí xét nghiệm, nội dung hướng dẫn y tế tới các đoàn tham dự Hội nghị trưởng đoàn vào ngày 18/3, xây dựng kịch bản cách ly tại khách sạn, chi phí liên quan tới Covid-19.
Qua ý kiến chia sẻ của Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban tổ chức Trần Đức Phấn mong muốn hai bên thống nhất quan điểm rằng công tác phòng chống dịch là quan trọng và được sự quan tâm của các quốc gia tham dự. Chính vì vậy, một số nội dung bắt buộc đối với các đoàn tham dự cần sớm thống nhất để công bố tại Hội nghị trưởng đoàn sắp tới như: đã hoàn thành 2 mũi tiêm phòng dịch, phải khai báo PC Covid-19, phải có giấy chứng nhận đã khỏi Covid-19, khi nhiễm Covid-19 thì không được thi đấu và chi trả chi phí điều trị nếu phải nhập viện. Ngoài ra, cần xây dựng bản hướng dẫn chi tiết để giải đáp thắc mắc của các đại biểu dự họp Hội nghị trưởng đoàn. Ông Trần Đức Phấn đề nghị phía Bộ Y tế hỗ trợ xây dựng và Ban hành hưỡng dẫn y tế và phòng chống dịch tại Đại hội.
Thống nhất quan điểm và đề xuất từ phía ông Trần Đức Phấn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị phía thường trực Ban tổ chức SEA Games 31 tổng hợp các yêu cầu, đề xuất nêu ra trong buổi làm việc để hai bên phối hợp hoàn thiện sổ tay hướng dẫn y tế theo đúng yêu cầu chuyên môn cũng như kịp thời gian diễn ra Hội nghị trưởng đoàn.
Bài và ảnh A.T