Dự thảo quy chế tuyển chọn VĐV, HLV vào tuyển quốc gia khi được ban hành sẽ là hành lang pháp lý thuận lợi cũng như là cơ sở, quy định khung chuẩn về công tác lựa chọn những VĐV, HLV có năng lực, trình độ chuyên môn tốt tham gia thực hiện các nhiệm vụ quốc gia mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Theo ông Hoàng Quốc Vinh – Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1: Dự thảo tuyển chọn VĐV, HLV vào tuyển quốc gia sẽ mang lại giá trị thực tiễn rất cao nếu như một số các nội dung quy định trong dự thảo được cụ thể hóa hơn. Trong đó, ngoài khung các quy định chung, nên đưa thêm các quy định cụ đối với từng môn thể thao. Bởi, trên thực tế thành tích của các môn thể thao cá nhân sẽ có những khác biệt với các môn thể thao tập thể. Điều đó kéo theo sự đánh giá về trình độ chuyên môn VĐV, HLV sẽ chính xác và khu trú đúng đối tượng hơn.
Về điều này, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Trần Đức Phấn cho rằng: Việc đánh giá đúng trình độ năng lực thi đấu của VĐV và kinh nghiệm, thành tích trong công tác huấn luyện của HLV tại các giải đấu mang tính toàn quốc, quốc tế của bất kỳ môn thể thao cá nhân hay tập thể đều là yếu tố quyết định cho việc lựa chọn, gọi lên tuyển quốc gia làm nhiệm vụ quốc gia. Tuy nhiên, ở mỗi môn thể thao sẽ có những đặc thù riêng biệt về chuyên môn nên các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia của từng môn cần phải có trách nhiệm tham mưu, tư vấn cùng bộ môn để đưa ra đề xuất phù hợp nhất, sau đó Tổng cục TDTT và Bộ VHTTDL sẽ đưa ra quyết định và có những cơ chế đặc thù cho các trường hợp VĐV, HLV nằm trong diện trường hợp đặc biệt (theo phụ lục của dự thảo).
![](/Portals/0/EasyGalleryImages/1/21554/0025497_sua 2.jpg.jpeg)
Ông Nguyễn Danh Hoàng Việt - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng ban soạn thảo quy chế tuyển chọn VĐV, HLV vào tuyển quốc gia
Chia sẻ một số khó khăn, hạn chế trong quá trình quản lý, điều động VĐV, HLV lên tuyển quốc gia ở các môn thể thao dành cho người khuyết tật khi tham chiếu vào những quy định trong dự thảo, ông Nguyễn Đông Anh – Phó Vụ trưởng Vụ thể thao quần chúng cho biết: Đối tượng VĐV khuyết tật, HLV cho các VĐV khuyết tật không giống như các môn thể thao thông thường, bởi thời gian tập luyện, quản lý VĐV, HLV chủ yếu tại địa phương là đơn vị chủ quản. Hơn nữa số lượng HLV, VĐV người khuyết tật trên toàn quốc không có nhiều, họ chỉ được triệu tập lên tuyển quốc gia trong thời gian ngắn trước khi tham gia tranh tài tại các giải đấu quốc tế quan trọng. Chính vì vậy, khung quy định về tiêu chí, chế độ dành cho VĐV khuyết tật, HLV nên để ở chế độ mở, giúp cho công tác quản lý chuyên môn được linh hoạt và chủ động hơn.
Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Danh Hoàng Việt – Trưởng ban dự thảo quy chế tuyển chọn VĐV, HLV vào tuyển quốc gia nhấn mạnh: Đây là bản dự thảo nhận được sự quan tâm từ đông đảo các nhà chuyên môn, khoa học, Bộ, ban, ngành, địa phương và Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia. Với 86 ý kiến đóng góp, phản hồi bổ ích đã giúp cho bản dự thảo mang lại những giá trị thực tiễn rất cao. Khi dự thảo quy chế tuyển chọn VĐV, HLV vào tuyển quốc gia được thông qua, ban hành sẽ góp phần vào công tác lựa chọn, đào tạo VĐV, HLV đúng người, đúng việc phù hợp theo nhóm môn thể thao trọng điểm nằm trong quy hoạch, định hướng phát triển của ngành TDTT trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng bản dự thảo quy định này, tổ soạn thảo đã nghiên cứu kỹ lưỡng các điều lệ, luật TDTT cũng như các văn bản quy định của nhà nước để xây dựng các khung quy định chung mang tính mở nhằm phù hợp, thích nghi và có giá trị áp dụng rộng rãi trong thời gian dài.
Kết luận buổi làm việc Phó Tổng cục trưởng phụ trách Trấn Đức Phấn đánh giá cao công tác xây dựng, chuẩn bị dự thảo rất công phu, khoa học của Tổ soạn thảo quy chế tuyển chọn VĐV, HLV vào tuyển quốc gia. Ông Trần Đức Phấn khẳng định: đây là vấn đề lớn, thực hiện nhiệm vụ quốc gia nên văn bản cần phải quy định chặt chẽ, chính xác, đúng luật nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước trong thời gian tới. Cùng với đó, ông Trần Đức Phấn đề nghị Tổ soạn thảo sớm bổ sung, hoàn thiện các ý kiến đóng góp và sửa lại câu chữ gọn, chuẩn xác hơn đề bản dự thảo sớm được đệ trình lên Bộ VHTTDL.
N.H