Bộ VHTTDL tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình

Thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, Bộ VHTTDL đã ban hành công văn số 3160/BVHTTDL-PC để hướng dẫn thực hiện việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và công tác tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.

Theo đó, Bộ VHTTDL yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ; Sở VHTTDL; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ điều kiện thực tế và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 cần tập trung vào tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam; các quy định của Hiến pháp; tập trung tuyên truyền, phổ biến các nội dung về chủ trương, quan điểm, chính sách trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch mới được ban hành, sớm đưa các văn bản mới vào cuộc sống.

Đồng thời giáo dục ý thức tôn trọng, bảo vệ và chấp hành pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật với các chương trình, cuộc vận động, phong trào; nâng cao hiệu quả thực hiện các hoạt động theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế trong việc thi hành các quy định của pháp luật, từ đó kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo; hướng dẫn, quy định của ngành y tế nhằm tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, kêu gọi người dân xây dựng các hành vi, thói quen, kỹ năng mới phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tập trung phổ biến các quy định về cách ly y tế; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh; tình hình thi hành pháp luật và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống Covid-19 đang gây bức xúc dư luận xã hội; nội dung chính sách, pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tuyên truyền, phổ biến trên báo chí, hệ thống phát thanh, truyền hình, truyền thanh, website, mạng xã hội (tăng thời lượng, số lượng các tin, bài hướng dẫn, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch Covid-19, về bảo vệ sức khỏe...) bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa vùng, miền của địa phương, bao gồm các nội dung như tuyên truyền sinh động về thông điệp 5K. Tăng cường thông tin truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, tinh thần đoàn kết, sẻ chia, đùm bọc giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong dịch bệnh; nhân rộng cách làm hay, mô hình phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; đặc biệt, phản ánh nỗ lực của hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng, lực lượng tuyến đầu chống dịch, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền việc ứng xử trên mạng xã hội; chấn chỉnh tình trạng đăng tải, chia sẻ thông tin không chính xác, chưa kiểm chứng, không rõ nguồn gốc, những hình ảnh, nội dung không phù hợp, vi phạm các quy định của pháp luật; chủ động phát hiện, xử lý, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên các phương tiện, không gian mạng theo đúng thẩm quyền.

Hình thức tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 phải phù hợp, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; chú trọng đổi mới, đa dạng các hình thức hưởng ứng một cách linh hoạt, tiết kiệm và có sức lan tỏa sâu rộng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa. Theo đó, hình thức tổ chức sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và hệ thống loa truyền thanh cơ sở, in tài liệu, cổ động trực quan, thi tìm hiểu pháp luật, đối thoại chính sách, pháp luật, thông tin báo chí, cung cấp thông tin, giải đáp pháp luật trên Cổng/Trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, thiết bị di động và mạng xã hội đảm bảo an ninh.

Các đơn vị của ngành tổ chức lồng ghép hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế. Tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Ngày Pháp luật tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng hình thức phù hợp đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật theo các nhóm đối tượng, trước hết với nhóm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, pháp  luật, ưu tiên công chức, viên chức, người lao động, văn nghệ sỹ, vận động viên, huấn luyện viên thuộc phạm vi quản lý.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm và tập trung trong tháng cao điểm bắt đầu từ ngày 15/10 đến ngày 15/11/2021.

KC