Trước khi gắn bó với TTNKT, ông Vũ Thế Phiệt là VĐV môn Điền kinh, cự ly trung bình và dài của Điền kinh Hà Nội, từng giành nhiều huy chương các giải miền Bắc. Sau khi kết thúc sự nghiệp VĐV với những chuyến tập huấn, thi đấu triền miên, ông chuyển sang công tác tại Sở TDTT Hà Nội. Chính ông là người có công lớn trong việc tạo dựng phòng trào và đưa môn Quần vợt tại Hà Nội thành một môn thế mạnh của thể thao Thủ đô. Năm 1989, quyết định của lãnh đạo Sở TDTT Hà Nội cử ông sang Nhật Bản dự Đại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á – Thái Bình Dương với nhiệm vụ tìm hiểu, học tập cách làm thể thao Người khuyết tật từ nước bạn là bước ngoặt gắn bó ông với công việc mới mẻ và đầy khó khăn này.
Với niềm đam mê và tinh thần trách nhiệm của mình, ông Phiệt đã chủ động học hỏi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, tạo dựng nhiều mối quan hệ với các bạn bè quốc tế. Thành quả sau những ngày tháng miệt mài là sự ra đời của CLB TTNKT Khúc Hạo – Hà Nội. Từ nơi chỉ là chỗ tập luyện nhỏ với một số phòng chức năng, CLB TTNKT Khúc Hạo đã từng bước lớn mạnh, đóng góp được hàng trăm tấm huy chương cho TTNKT Việt Nam tại các giải quốc tế.
Trong vai trò Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội TTNKT Việt Nam, ông Vũ Thế Phiệt không chỉ gây dựng phong trào Thể thao Người khuyết tật rộng khắp cả nước, từ những trung tâm lớn như TP HCM, Hà Nội, hay những địa phương có truyền thống mạnh như Quảng Trị đến những tỉnh miền núi như Điện Biên, Quảng Nam, Thái Nguyên… Những đóng góp tâm huyết và công sức qua nhiều nhiệm kỳ của ông đã giúp những VĐV TTNKT Việt Nam vượt qua nhiều mặc cảm, khó khăn, tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, nuôi dưỡng đam mê và vươn lên khẳng định tài năng của mình bằng những tấm huy chương danh giá ở các giải đấu khu vực và châu lục như Asian Para Games, Paralympic hay nhiều giải thế giới khác.
Người khuyết tật vốn luôn mang trong mình sự mặc cảm nên họ luôn cần đến những ai thực sự hiểu, cảm thông tuyệt đối với mình. Chính sự đồng cảm, yêu thương, chia sẻ và quan tâm chân thành của PCT, Tổng thư ký Hiệp hội TTNKT Việt Nam Vũ Thế Phiệt đã giúp các VĐV khuyết tật Việt Nam vượt qua được những thử thách lớn ở các cuộc tranh tài mà ở đó, ý chí của con người là yếu tố quan trọng hơn hết. Là một người lãnh đạo cương trực, thẳng thắn trong công việc, nhưng ông Vũ Thế Phiệt còn được biết đến là một người có tấm lòng nhân hậu, gần gũi và chan hòa với tất cả mọi người. Đối với các VĐV TTNKT, ông như một người thầy, người cha luôn mang đến cho họ sự yêu thương, chia sẻ. Mỗi khi cùng đoàn TTNKT Việt Nam đi thi đấu, ông luôn là người động viên, quan tâm đến các VĐV bằng tất cả tấm lòng của mình. Những hành động rất nhỏ của ông như giúp VĐV lên xuống xe để di chuyển cùng đoàn, chọn lựa đồ ăn hợp khẩu vị và mang đến tận bàn cho VĐV… luôn mang đến cho các VĐV sự ấm áp, thân thương và đó cũng chính là động lực giúp các VĐV Người khuyết tật Việt Nam luôn nỗ lực trong tập luyện và thi đấu và giành thành tích cao trên đấu trường quốc tế
Một trong những thành tích ghi dấu ấn lịch sử của TTNKT Việt Nam lại tại Paralympic Rio 2016, (Braxin), các VĐV người khuyết tật Việt Nam đã giành được 1 huy chương vàng - Lê Văn Công (Cử tạ), 1 huy chương bạc của vận động viên Võ Thanh Tùng (Bơi lội), 2 huy chương đồng của lực sĩ Đặng Thị Linh Phượng (Cử tạ) và vận động viên Cao Ngọc Hùng (Điền kinh). Những thành tích của Thể thao Người khuyết tật Việt Nam có sự đóng góp đáng kể của Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Vũ Thế Phiệt.
Gần đến ngày đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam lên đường tham dự Paralympic 2020 tại Nhật Bản, trái tim nhiệt huyết của Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao Người khuyết tật Việt Nam Vũ Thế Phiệt đã ngừng đập vĩnh viễn sau một cơn đau đột ngột. Ông ra đi là một mất mát lớn của gia đình, của Thể thao Người khuyết tật Việt Nam. Nhiều mong muốn, dự định của ông về phát triển phong trào Thể thao Người khuyết tật Việt Nam ở khắp cả nước cũng như nâng cao thành tích của Thể thao Người khuyết tật Việt Nam tại các đấu trường ASEAN Para Games, ASIAN Para Games, Paralympic còn dang dở, nhưng chắc chắn những người kế tục sự nghiệp và di sản của ông, những lớp thế hệ VĐV Người khuyết tật tiếp theo sẽ hoàn thành những dự định ấy.
Các thế hệ làm thể thao, đặc biệt là những VĐV TTNKT Việt Nam sẽ luôn nhớ về ông - người thầy, người cha của nhiều số phận không may mắn đã chọn thể thao như sự khẳng định ý chí, nỗ lực và sự vươn lên của bản thân, một người mà cả cuộc đời đã cống hiến cho thể thao Việt Nam nói chung và TTNKT Việt Nam nói riêngvới những tình cảm trân trọng nhất./.
Thái Dương