Chương trình nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam.

Bộ trưởng Uỷ ban Thể dục Thể thao Nguyễn Danh Thái đã báo cáo trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 30/6/2005 về Chương trình nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam bằng giải pháp dinh dưỡng và thể dục thể thao. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ kết luận đánh giá cao về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình để Chính phủ sớm phê duyệt làm căn cứ triển khai thực hiện.

Chương trình có mục tiêu tổng thể là: Cải thiện rõ rệt thể lực và tầm vóc của người Việt Nam trong 25 năm tới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ sở tốt cho hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ an ninh quốc phòng. Ở đây ta cần nhìn nhận thể lực có quan hệ mật thiết với trí lực, tâm lực và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển trí lực, tâm lực của con người. Với nhận thức này, trọng tâm của Chương trình này là nâng cao thể lực, đồng thời cải thiện tầm vóc người Việt Nam qua một thế hệ.

Các mục tiêu cụ thể của Chương trình là:

- Mức trung bình về thể lực, đặc biệt là sức bền, sức mạnh của thanh niên 18 tuổi tới năm 2020, 2030 phải đạt tới mức trung bình của thế giới hoặc của Nhật Bản hiện nay (chạy 5 phút tính quãng đường, lực bóp tay, bật xa tại chỗ). Đây là mức phấn đấu rất khó, vì hiện nay sức bền, sức mạnh của thanh thiếu niên Việt Nam vào loại rất kém so với thế giới hoặc Nhật Bản (thậm chí so với Singapore).

- Chiều cao thân thể trung bình của nam thanh niên 18 tuổi đạt 1m69 - 1m70, nữ thanh niên đạt 1m58 vào năm 2030.

Đối tượng thực hiện Chương trình là học sinh từ 6 -18 tuổi, đặc biệt lứa tuổi vị thành niên. Khi thực hiện, chú trọng địa bàn nông thôn, miền núi. Thời gian thực hiện Chương trình là 25 năm, chia làm 2 giai đoạn:

- Từ năm 2005 đến 2010: Giai đoạn thí điểm giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng và thể dục thể thao.

- Giai đoạn 2011 - 2020 và 2021 -2030: Phổ cập rộng rãi và hoàn thiện trong các trường học, xã hội.

Chương trình này của Chính phủ cần có sự tham gia của toàn xã hội, các tỉnh, thành phố, đoàn thể chính trị, đặc biệt là Uỷ ban Thể dục Thể thao, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Chương trình bao gồm 4 đề án lớn với các mục tiêu, nội dung và hệ thống giải pháp riêng cho từng đề án. Dưới đây chỉ giới thiệu sơ bộ nội dung của từng đề án.

ĐỀ ÁN 1: XÚC TIẾN NGHIÊN CỨU CƠ BẢN PHỤC VỤ NÂNG CAO THỂ LỰC VÀ TẦM VÓC CON NGƯỜI.

1. Khảo sát yếu tố di truyền chi phối chiều cao đứng nhằm xác định mức độ chi phối của yếu tố di truyền trong quá trình hình thành tầm vóc thân thể của trẻ em và người trưởng thành của Việt Nam. Đối tượng điều tra khảo sát là các hộ gia đình từ trẻ sơ sinh đến người trưởng thành qua ba thế hệ theo các nhóm cha mẹ:

-Cao x cao

-Cao x bình thường

-Cao x thấp

-Thấp x thấp

-Thấp x bình thường

-Bình thường x bình thường

Ngoài các cặp vợ chồng nêu trên, cần quan sát nhóm trẻ sinh đôi của một số cặp vợ chồng để xác định hệ số di truyền. Ngoài khảo sát các yếu tố di truyền ảnh hưởng tới tầm vóc thân thể, cần tiến hành nghiên cứu bổ sung phương pháp dự báo sự phát triển chiều cao thân thể đạt mức độ chính xác cao hơn.

2. Điều tra tần số bệnh tật gây bất thường về tầm vóc thân thể và thử nghiệm một số biện pháp can thiệp.

Cần xác định tần số một số bệnh gây hiện tượng lùn hoặc cao bất thường, xác định nguyên nhân và thử nghiệm một số biện pháp can thiệp.

3. Khảo sát các yếu tố di truyền chi phối năng lực sức bền chung ở người Việt Nam và xác định một số biện pháp nâng cao năng lực sức bền chung.

Nhiều yếu tố di truyền ảnh hưởng sức bền chung của con người cần tiến hành khảo sát ở trẻ em từ10- 12 đối với nữ và 13- 15 tuổi đối với nam, có tiến hành so sánh với VĐV. Từ cơ sở khoa học này, xác định một số biện pháp có thể áp dụng đại trà để giúp cho thanh thiếu niên nâng cao năng lực sức bền chung.

ĐỀ ÁN 2: TIẾN HÀNH CHĂM SÓC DINH DƯỠNG CHO HỌC SINH TỪ 6 - 18 TUỔI.

1. Khảo sát thực trạng dinh dưỡng và nghiên cứu thực đơn dinh dưỡng hàng ngày hợp lý cho đối tượng học sinh tiểu học, trung học cơ sở, đầu cấp trung học phổ thông. Nội dung này được thực hiện cho từng giai đoạn năm 2005 - 2010, 2011 - 2020, 2021 - 2030.

2. Tiến hành thí điểm đồng bộ về dinh dưỡng và thể dục thể thao từ năm 2005 - 2010 đối với 3.750 học sinh tiểu học (15 trường), 29.250 học sinh trung học cơ sở và đầu cấp trung học phổ thông (117 trường). Trong đó, nội dung thí điểm về dinh dưỡng ứng dụng cho mỗi học sinh trong 2 năm bao gồm:

- Tổ chức hướng dẫn , theo dõi thực đơn các bữa ăn.

- Bổ sung khẩu phần dinh dưỡng vào giờ nghỉ giữa buổi cho học sinh với mức 5000đ/người/ngày.

3. Tổ chức theo dõi thực đơn dinh dưỡng hợp lý và mở đại trà cho học sinh trong các giai đoạn từ năm 2011 - 2020 và từ năm 2021 - 2030.

4. Tổ chức đánh giá hiệu quả dinh dưỡng đối với học sinh vào cuối từng giai đoạn (các năm 2010, 2020, 2030)

ĐỀ ÁN 3: PHÁT TRIỂN THỂ DỤC THỂ THAO TRƯỜNG HỌC GÓP PHẦN NÂNG CAO THỂ LỰC TẦM VÓC CHO HỌC SINH TỪ 6 - 18 TUỔI.

1. Khảo sát thực trạng thể dục thể thao trường học. Nội dung này được thực hiện định kỳ vào đầu các giai đoạn từ năm 2005 - 2010, 2011 - 2020, 2021 - 2030.

2. Tiến hành thí điểm đồng bộ về dinh dưỡng và thể dục thể thao từ năm 2005 - 2010 như đã nêu tại đề án 2. Trong đó, nội dung thí điểm về thể dục thể thao là xây dựng các mô hình chuẩn về thể dục thể thao trường học bao gồm các nội dung hoạt động:

- Bổ sung một số bài tập có tác dụng hỗ trợ phát triển chiều cao thân thể vào các giờ dạy thể dục thể thao nội khoá.

- Mở các lớp thể thao nghiệp dư trong trường học hoặc tại địa điểm lân cận với các môn thể thao được học sinh ưa thích.

- Khuyến khích các hình thức tập luyện đi bộ, chạy, leo núi, thể dục nhịp điệu, Sport Aerobic, các bài thể dục vận động kéo dãn cơ thể.

- Tổ chức các hình thức thi đấu thể dục thể thao trường học một cách thích hợp.

3. Đảm bảo cơ sở vật chất thể dục thể thao tối thiểu cho các trường học thí điểm góp phần tiêu chuẩn hoá cơ sở vật chất thể dục thể thao trường học mở rộng nhiều trường sau này:

+ 132 sân tập đa năng

+ 50 nhà tập

+ 40 bể bơi

4. Từng bước mở rộng các mô hình chuẩn về thể dục thể thao trường học, tăng cường cơ sở vật chất, giáo viên thể dục thể thao ở các giai đoạn tiếp theo từ năm 2011 - 2020, 2021 - 2030.

5. Tổ chức đánh giá hiệu quả về thể dục thể thao đối với sự phát triển thể lực, tầm vóc cơ thể học sinh vào cuối từng giai đoạn (các năm 2010, 2020, 2030)

ĐỀ ÁN 4: GIÁO DỤC VÀ TUYÊN TRUYỀN VỀ NÂNG CAO THỂ LỰC VÀ TẦM VÓC NGƯỜI VIỆT NAM

Nội dung giáo dục và tuyên truyền về dinh dưỡng và thể dục thể thao được triển khai ngay trong giai đoạn thí điểm từ năm 2005 - 2010 và càng mở rộng trong các giai đoạn tiếp theo.

1. Đối với trường học: Đưa kiến thức giáo dục dinh dưỡng vào trường học ở mức độ thích hợp. Kết hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để đưa nội dung giáo dục dinh dưỡng, thể dục thể thao vào trong sinh hoạt Đoàn, Đội.

2. Đối với gia đình: Tổ chức đưa thông tin hướng dẫn, giáo dục về dinh dưỡng và thể dục thể thao đến từng gia đình thông qua tổ chức dân cư, tổ chức cơ sở của Hội nông dân. Kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn các gia đình nông thôn, miền núi tổ chức kinh tế gia đình tự cung cấp thức ăn đủ chất dinh dưỡng theo quy định.

3. Đối với xã hội: Thành lập một số trung tâm dự báo về phát triển chiều cao thân thể và hướng dẫn dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao cho thanh thiếu niên nhi đồng.

Kinh phí thực hiện chương trình theo hướng xã hội hoá, có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước. Giai đoạn thí điểm từ năm 2005 - 2010 kinh phí ước tính như dự toán ban đầu khoảng 637 tỷ đồng.

Chương trình nâng cao thể chất và tầm vóc người Việt Nam sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi để phát triển bóng đá, trường học, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu bóng đá trong học sinh. Đề án phát triển bóng đá trường học nằm trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam tới năm 2020 liên quan chặt chẽ với Chương trình này.
 

Theo Thể thao hàng ngày
 

Ảnh trong bài
  • Chương trình nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam.