Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 29/6, Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1014/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phạm vi, ranh giới quy hoạch là toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam bao gồm đất liền, các hải đảo, quần đảo, vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

Việc lập Quy hoạch nhằm hướng đến mục tiêu tạo công cụ hiệu quả, hiệu lực của Nhà nước để quản lý, điều hành các hoạt động văn hóa, thể thao; Xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch (hàng năm và dài hạn), dự án về phát triển văn hóa, thể thao; cơ sở lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác có liên quan; Quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực phục vụ phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao. Đồng thời xác định cơ sở định hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và TDTT quốc gia đồng bộ, hiện đại, có một số công trình được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật và TDTT mang tầm khu vực và châu lục; Thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, TDTT có chất lượng cao phục vụ nhân dân; Tăng cường quảng bá văn hóa, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; Đưa trình độ một số môn thể thao trọng điểm ngang tầm Châu Á và thế giới; Bảo đảm các điều kiện để sẵn sàng đăng cai tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn của Châu Á và thế giới.

Theo Quyết định, đối tượng quy hoạch bao gồm: Mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao cấp quốc gia được cụ thể hóa từ quy hoạch tổng thể quốc gia theo ngành trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; Mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia là các cơ sở văn hóa, thể thao có vị trí, quy mô, vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng, tạo thành trung tâm “động lực” phát triển văn hóa, thể thao của vùng và liên vùng (bao gồm các cơ sở do các bộ ngành quản lý trực tiếp).

Mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia bao gồm: Bảo tàng, thư viện, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, triển lãm văn hóa nghệ thuật, trung tâm văn hóa trong nước và trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành văn hóa nghệ thuật, di sản thế giới và di tích quốc gia đặc biệt, làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa, trụ sở cơ quan về văn hóa;

Mạng lưới cơ sở TDTT quốc gia bao gồm: Trung tâm đào tạo, huấn luyện VĐV thể thao, trung tâm hoạt động thể thao; cơ sở dịch vụ thể thao; cơ sở chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng vận động viên; cơ sở nghiên cứu, đào tạo TDTT; trụ sở cơ quan về TDTT.

Nội dung Quy hoạch sẽ tập trung vào việc phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bố, sử dụng không gian của mạng lưới cơ sở văn hóa, TDTT quốc gia; Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng trong việc phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia; Phân tích rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu đối với mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; Phân tích dự báo xu thế phát triển, và các kịch bản phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu hạ tầng cơ sở văn hóa và TDTT quốc gia trong thời kỳ quy hoạch

Cùng với đó xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với việc phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao về quy mô và địa bàn phân bố, cơ hội và thách thức; Xác định các quan điểm, mục tiêu quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và TDTT quốc gia trong thời kỳ quy hoạch; Xác định phương án, định hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ; Định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và TDTT và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích đã xếp hạng quốc gia có liên quan đến việc phát triển hệ thống cơ sở văn hóa và TDTT; Xác định danh mục các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành văn hóa và TDTT và thứ tự ưu tiên thực hiện

Việc lập quy hoạch cũng xác định các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch, gồm: Giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về liên kết, hợp tác phát triển; giải pháp về giáo dục, tuyên truyền; giải pháp về hợp tác quốc tế; giải pháp về huy động và phân bổ vốn đầu tư; giải pháp về mô hình quản lý, phương thức hoạt động; giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Bộ VHTTDL là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có trách nhiệm đảm bảo việc triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan. Trong quá trình lập quy hoạch, tùy theo yêu cầu cần nghiên cứu chuyên sâu, Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để phục vụ cho công tác lập quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ.

KC