Cần quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh dịch vụ Bridge & Poker

Do lúng túng trong công tác quản lý loại hình mới này, nên ngày 28 tháng 5 năm 2021, Sở VH&TT TP.HCM đã có công văn số 1672/BC-SVHTT gửi Bộ VHTTDL để báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh dịch vụ Bridge & Poker trên địa bàn thành phố và xin ý kiến chỉ đạo.

Cần quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh dịch vụ Bridge & Poker

Phó tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh chủ trì buổi họp (Ảnh:Q.B)

Với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực TDTT, ngày 24/6, Tổng cục TDTT đã triệu tập cuộc họp để bàn thảo về vấn đề này. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo Vụ TDTT Quần chúng, Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ pháp chế, Văn phòng Tổng cục và các thành viên liên quan. Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – Nguyễn Hồng Minh chủ trì buổi họp.

Theo báo cáo, hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh đã có tổng cộng 17 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ Bridge & Poker, trong đó có 10 cơ sở đóng cửa, ngừng hoạt động hoàn toàn; 02 cơ sở đang tạm ngừng để sửa chữa; 03 cơ sở đang trong thời gian xây dựng để hoạt động; 02 cơ sở đang hoạt động. Tuy nhiên, sau một thời gian theo dõi và kiểm tra, các cơ quan chức năng nhận thấy loại hình kinh doanh dịch vụ này tiềm ẩn các vấn đề tệ nạn xã hội, nếu không kiểm soát chặt chẽ dễ biến tướng thành đánh bạc...

Căn cứ theo quy định của pháp luật, loại hình kinh doanh dịch vụ Bridge & Poker hiện không thuộc diện những ngành, nghề cấm hoạt động kinh doanh. Theo đó, pháp luật quy định các tổ chức, cá nhân (nhà đầu tư) có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật (khoản 1 điều 5 Luật đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 Quốc hội).

Vì thế, hiện nay các tổ chức cá nhân thực hiện đăng ký thành lập công ty, hộ kinh doanh với ngành, nghề kinh doanh: Dịch vụ thể thao trí tuệ Bridge & Poker, dịch vụ thể thao trí tuệ Poker, thể thao trí tuệ; để hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố, chấp nhận đóng phạt vi phạm hành chính về hành vi “kinh doanh hoạt động thể thao mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao” và tiếp tục duy trì hoạt động dù hiểu rõ dịch vụ thể thao Bridge & Poker hiện nay chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao, do đang chờ những quy định, hướng dẫn cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cần quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh dịch vụ Bridge & Poker

Buổi họp có sự tham dự của các Vụ, đơn vị liên quan (Ảnh:Q.B)

Từ thực tế trên mà các cơ sở kinh doanh đã vận dụng hay còn gọi là “lách luật” để tổ chức các giải thi đấu Bridge & Poker dưới danh nghĩa các giải thể thao quần chúng, giải thi đấu thể thao giải trí, trí tuệ…Hơn nữa, hồ sơ đề nghị công nhận câu lạc bộ TDTT cơ sở và thời gian công nhận CLB TDTT cơ sở tương đối dễ dàng, thẩm quyền thuộc Chủ tịch UBND cấp xã, nhưng các hội viên tham gia thuộc bất cứ nơi nào không phải cư trú trên địa bàn xã, với loại hình kinh doanh CLB cơ sở (CLB Bridge & Poker) rất khó kiểm soát vi phạm về cờ bạc nếu hội viên không phải cư trú tại địa phương.

Số tiền người tham gia giải thi đấu Bridge & Poker phải bỏ ra từ 500.000 đồng trở lên để mua thẻ điểm cho mỗi lần tham gia thi đấu và vẫn được tham gia thi đấu tiếp tục khi mua thua hết thẻ điểm, không bị loại, không bị giới hạn số lần tham gia thi đấu trong ngày, giá trị tiền tham gia thi đấu lớn, người tham gia có cơ hội thắng, được nhận thưởng bằng tiền mặt, ẩn dưới danh nghĩa giải thưởng, do cơ sở treo thưởng từ chính số tiền của những người bỏ ra mua thẻ điểm là chưa phù hợp với nội dung công văn 05/2017/BC-CBPA ngày 23 tháng 10 năm 2017 của Hiệp hội thể thao Bridge & Poker Việt Nam gửi Bộ Nội Vụ. Đồng thời đứng ra tổ chức giải thi đấu không nhằm mục đích thể thao chân chính, mà luôn lợi dụng danh nghĩa giải thi đấu thể thao để cờ bạc trá hình, biến tướng hoạt động đánh bạc, nhằm mục đích thu lợi cá nhân bất chính.

Từ thực trạng và tính chất đặc thù của loại hình thể thao Bridge & Poker luôn thu hút nhiều thành phần xã hội tham gia, rất dễ biến tướng thành tệ nạn xã hội, tiềm ẩn hành vi vi phạm pháp luật nếu không quản lý chặt chẽ. Đồng thời nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, phòng- chống tội phạm, giữ vững an ninh xã hội rõ ràng cần có những quy định, thông tư hướng dẫn cụ thể từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT nhấn mạnh; Trước tiên, chúng ta phải có văn bản gửi tới các địa phương trong cả nước, nhất là những tỉnh/thành có phong trào Bridge & Poker phát triển mạnh yêu cầu báo cáo về thực trạng hoạt động của loại hình thể thao trí tuệ này để có hướng xử lý.

Tiếp đến Tổng cục TDTT sẽ đề nghị Hiệp hội thể thao Bridge & Poker sớm xây dựng và ban hành luật thi đấu môn này tại Việt Nam. Và trình Bộ VHTTDL xem xét xây dựng và ban hành Thông tư quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tập huấn nhân viên chuyên môn đối với thể thao Bridge & Poker./.

Vân Thùy