Mít-tinh trọng thể kỷ niệm 80 năm Báo chí cách mạng Việt Nam

Sáng 19-6, tại Nhà hát lớn, Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6-1925 - 21-6-2005.

Ðến dự có các đồng chí: Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư T.Ư Ðảng; Lê Ðức Anh, nguyên Chủ tịch nước; Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Ðảng; Nguyễn Khoa Ðiềm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa T.Ư; Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Ủy ban T.ƯMTTQ Việt Nam; đại diện nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư, Sư đoàn 312 (đơn vị kết nghĩa với Hội Nhà báo Việt Nam); nhiều nhà báo lão thành; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí ở T.Ư; Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các liên chi hội trực thuộc T.Ư Hội Nhà báo Việt Nam.

Ðọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Hồng Vinh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ: Cách đây 80 năm, vào ngày 21-6, báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên của những người yêu nước Việt Nam theo xu hướng cộng sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp thành lập, đã xuất bản số đầu tiên. Sự xuất hiện của tờ báo với những bài viết giản dị, dễ hiểu nhưng vô cùng sâu sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã làm thức tỉnh lòng yêu nước, vạch rõ sự tàn bạo của bọn thực dân, phong kiến, chỉ rõ con đường thoát khỏi áp bức, bất công. Lần đầu tiên, các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, những thành tựu của nhà nước Xô-viết đã được giới thiệu vào nước ta một cách khái quát và có hệ thống. Báo Thanh Niên khẳng định: Cách mạng các nước muốn thành công chỉ có thể đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga.

Sự ra đời của báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã khai sinh cho một nền báo chí mới-báo chí cách mạng, một nền báo chí đã có sự thay đổi về chất so với báo chí của nước ta trước đó. Từ tờ báo Thanh Niên, bắt đầu hình thành một nền báo chí mang tính chiến đấu, gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, ngay từ lúc xuất bản số đầu tiên, báo Thanh Niên đã tích cực chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3-2-1930.

Nhận thức rõ vai trò, sức mạnh và tác dụng to lớn của báo chí cách mạng, ngay từ khi vừa thành lập, Ðảng Cộng sản Ðông Dương đã chủ trương xây dựng một hệ thống báo Ðảng từ T.Ư đến cơ sở. Ðây là thứ vũ khí vô cùng lợi hại giúp Ðảng ta đấu tranh có hiệu quả với kẻ thù. Ðồng chí Hồng Vinh đã điểm lại những đóng góp to lớn và sự trưởng thành của báo chí trong các chặng đường cách mạng của dân tộc, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và nhấn mạnh, trong những năm tháng hào hùng, khốc liệt đó, có hơn 400 nhà báo cách mạng đã ngã xuống nơi chiến trường với khí thế người chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm máy, cống hiến cả cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân, tô thắm thêm trang sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng.

Trong những năm thực hiện sự nghiệp đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí nước ta càng có bước trưởng thành nhanh chóng. Hiện nay, cả nước có hơn 700 tờ báo, tạp chí, chưa kể gần 1.000 bản tin, phụ trương. Mức hưởng thụ báo chí của người dân trong thời gian qua được cải thiện đáng kể. Cả nước có hơn 14 nghìn nhà báo chuyên nghiệp, nhiều người trong số đó được đào tạo chính quy. Báo chí đã góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, làm cho vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Báo chí nước ta thật sự là tiếng nói tin yêu của Ðảng, Nhà nước, của các đoàn thể chính trị-xã hội; là diễn đàn của nhân dân; là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực phản động, thù địch; là chiếc cầu hữu nghị gắn kết Việt Nam với bạn bè tiến bộ trên thế giới.

Ðồng chí Hồng Vinh cũng chỉ rõ, bên cạnh những ưu điểm và thành tựu cơ bản đã nêu trên, bằng thái độ cầu thị và nghiêm túc, chúng ta cũng nhận rõ một số hạn chế, yếu kém cần phải nhanh chóng khắc phục như việc phân bổ thông tin chưa được hợp lý; còn có những vụ việc, hiện tượng đưa tin thiếu chính xác, cách bình luận thiên vị, không công bằng hoặc phản ánh không đúng bản chất vấn đề... gây hiểu lầm, làm ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội.

Từ truyền thống vẻ vang 80 năm qua của nền báo chí cách mạng, đồng chí Hồng Vinh đã nêu ra bốn bài học kinh nghiệm để các nhà báo chúng ta cùng suy ngẫm, đó là: Báo chí cách mạng Việt Nam luôn kiên định lập trường chính trị của giai cấp công nhân, tuân thủ sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, trung thành với lý tưởng cách mạng mà Ðảng, Bác Hồ đã lựa chọn; bám sát thực tiễn sản xuất và đời sống, phản ánh kịp thời, đúng đắn, sinh động phong trào cách mạng của nhân dân, phát hiện, biểu dương nhân tố tích cực; thường xuyên học tập, rèn luyện theo gương làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; rèn luyện tính trung thực, khách quan, đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân trong nghề nghiệp.

Sau khi đề cập tình hình đất nước trong giai đoạn CNH, HÐH hiện nay, đồng chí nhấn mạnh tình hình đó đòi hỏi các cơ quan báo chí và những người làm báo chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang trong 80 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành của báo chí cách mạng Việt Nam, tiếp tục xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng theo hướng thiết thực, hiện đại, sắc bén, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa, hội nhập quốc tế.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Phan Diễn thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới Hội Nhà báo Việt Nam, tất cả các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên trong cả nước nhân ngày truyền thống này. Ðồng chí khẳng định, Ðảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của Ðảng và nhân dân ta 80 năm qua. Ðồng chí cũng nhấn mạnh vai trò và nhiệm vụ của báo chí nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay (toàn văn đăng trong số báo ra hôm nay).

Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam các khóa V và VI, đại diện cho lớp nhà báo lão thành và phóng viên Văn Nghiệp Chúc, báo Nhân Dân, đại diện cho lớp nhà báo trẻ đã phát biểu ý kiến khẳng định niềm tự hào sâu sắc về truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, nguyện một lòng phấn đấu không ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ để ngày càng có nhiều báo hay, chất lượng tốt phục vụ bạn đọc.

Theo nhandan.com.vn

Ảnh trong bài
  • Mít-tinh trọng thể kỷ niệm 80 năm Báo chí cách mạng Việt Nam