Đuốc sáng Việt Nam - Sáng mãi

Hơn nửa thế kỷ đã qua, ngọn lửa thiêng trong hang Pắc Pó vẫn sáng mãi, soi đường cho cách mạng và nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Hơn nửa thế kỷ đã qua, ngọn lửa thiêng trong hang Pắc Pó vẫn sáng mãi, soi đường cho cách mạng và nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Cuộc chạy tiếp sức rước đuốc mang tên “Đuốc Sáng Việt Nam - Hành trình theo chân Bác” được tổ chức vào dịp 19-5, nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh nhật Bác là một hoạt động nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao nhận thức chính trị, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong thanh thiếu niên. Nó nhắc nhở cho thế hệ trẻ về truyền thống hào hùng của dân tộc mà cha ông ta đã gây dựng nên, về công ơn to lớn của Bác, Người cha già kính yêu của dân tộc.

Xuất phát đúng 6h30 ngày 13/5/2005 từ trung tâm thị xã Cao Bằng, vượt qua gần 50km dưới cái nắng nóng gay gắt, với sự hộ tống của đoàn mô tô, điểm dừng chân đầu tiên của đoàn đuốc là Nhà tưởng niệm Bác Hồ, cách hang Pắc Pó chừng 1km. Sau khi dâng hương để tưởng nhớ Người con vĩ đại của dân tộc, toàn bộ đoàn đuốc đi vào hang Pắc Pó dưới sự chứng kiến của đông đảo đồng bào huyện Hà Quảng, Cao Bằng để làm lễ xin lửa và châm đuốc. Trong không khí trang nghiêm, ngọn đuốc đã được thắp lên dưới sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo UB TDTT và các anh em trong đoàn. Lẫn trong các thành viên của đoàn tại hang Pắc Bó, có không ít những em nhỏ, những mế đồng bào dân tộc đứng nhìn ngọn đuốc được thắp lên bằng ánh mắt xúc động pha lẫn thán phục. Mế Nông Thị Thường khi thấy di ảnh của Bác Hồ đã không nén được xúc động, thốt lên: “Bác Hồ! Bác Hồ!” rồi oà khóc. Khi được hỏi, mế chỉ nghẹn ngào: “Nếu không có Bác Hồ thì không có chúng tôi bây giờ. Tuy chưa được tận mắt nhìn thấy Người nhưng những gì Người đã đem lại cho Tổ quốc Việt Nam, cho đồng bào dân tộc khiến tôi vô cùng nhớ ơn, cảm phục… Bây giờ, các thế hệ trẻ đã làm được những điều mà ngày xưa do điều kiện chúng tôi chưa thực hiện được, đó là châm ngọn đuốc thiêng từ hang Pắc Pó với mong muốn ngọn đuốc tiếp tục soi sáng con đường mà Người đã chọn”.

Chia tay Cao Bằng trong sự lưu luyến của những người con Việt Bắc ngay trên đỉnh đèo Cao Bắc, đoàn đuốc tiếp tục cuộc hành trình về Nam. Điểm dừng chân tiếp theo của đoàn là Bắc Kạn - nơi có di tích lịch sử Nà Tu, nơi Bác Hồ đã đến thăm đơn vị thanh niên xung phong 312 vào ngày 28/3/1951. Tại đây, chúng tôi đã được nghe tâm sự của chị Hoàng Thị Thắm - giáo viên trường trung học cơ sở Cẩm Giàng: “Tôi rất vinh dự được sinh ra và lớn lên tại đây. Là một cô giáo, tôi luôn mong muốn cho các em học sinh phải cố gắng học thật tốt để trở thành người có ích cho xã hội, đồng thời tôi cũng luôn tâm niệm rằng phải cùng các học sinh phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với công ơn của những người đi trước, xứng đáng với công ơn mà Bác Hồ đã dành cho chúng tôi”.

Khi đoàn đuốc về đến Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân thủ đô, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghẹn ngào xúc động: “…Tôi nhiệt liệt hoan nghênh đài Truyền hình TP.HCM cùng Liên đoàn Điền kinh đã tổ chức hoạt động đầy ý nghĩa này… Tôi luôn tin tưởng rằng ngọn lửa thiêng tại hang Pắc Pó sẽ tiếp tục được các thế hệ trẻ thắp sáng trên mọi miền của Tổ quốc, đúng như ý nguyện của Người”.

Chia tay Thủ đô Hà Nội - nơi yên nghỉ của Người cha già dân tộc, Đuốc sáng Việt Nam tiếp tục cuộc hành trình về Nam Đàn - Kim Liên, nơi Bác đã trải qua những tháng ngày thơ ấu đúng vào ngày 19/5 - kỷ niệm 115 ngày sinh của Người. Dưới ánh nắng chan hoà của vùng đất Nghệ An quê Bác, các thành viên trong đoàn ai cũng cảm thấy xúc động nghẹn ngào. “Thật thân thương, thật gần gũi quá Bác ơi!” - Câu nói của một thành viên trong đoàn chợt vang lên khiến cho mọi người đều tưởng như hình bóng của Người vẫn mãi đâu đây.

Hướng về cội nguồn, nhắc nhở công ơn của những người đi trước cho các thế hệ trẻ là mục đích chính của cuộc hành trình này. Với lịch trình từ ngày 20/5/2005 đến ngày 5/6/2005, đoàn Đuốc đã đi thăm và dâng hương tại những địa danh cách mạng lịch sử, nơi ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc như: Đài nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn (Quảng Trị), nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ (Huế), Trường Dục Thanh (Bình Thuận), Đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Cao Lãnh, Đồng Tháp), Bến Nhà Rồng TP.HCM)… Cuộc hành trình đầy ý nghĩa này đã khiến cho các thành viên trong đoàn dường như được tiếp thêm sức mạnh trên chặng đường theo chân Bác.

Với những địa danh cách mạng, địa danh lịch sử đã đi qua, được tận mắt chứng kiến những nơi mà Bác Hồ đã dừng chân, những nơi Bác nằm gai, nếm mật để từ đó ra đi tìm đường cứu nước thì mới có thể hiểu được sự hy sinh to lớn của Người vì độc lập dân tộc. Ngoài ý nghĩa để tưởng nhớ công ơn to lớn của Bác Hồ, những hoạt động khác của “Đuốc sáng Việt Nam” cũng mang đầy ý nghĩa nhân văn cao cả. Xuyên suốt qua 38 tỉnh, thành, những nơi từng một thời in đậm hình bóng của Người, những ngôi nhà tình nghĩa, những suất học bổng sẽ được đoàn đuốc trao tặng tại những nơi mà đoàn đuốc đã đi qua. Đây chính là một hoạt động hướng về cội nguồn hết sức ý nghĩa, thiết thực. Hy vọng “Đuốc sáng Việt Nam” sẽ Sáng mãi, tiếp tục soi đường cho cháu con các thế hệ mai sau!
 

Theo Tạp chí thể thao
 

Ảnh trong bài
  • Đuốc sáng Việt Nam - Sáng mãi