Bộ VHTTDL xây dựng Kế hoạch tổ chức Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc và Tết trồng cây Xuân Tân Sửu năm 2021

Sáng nay (20/1), tại Bộ VHTTDL đã diễn ra buổi họp nhằm đóng góp ý kiến cho Kế hoạch tổ chức Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc và Tết trồng cây Xuân Tân Sửu năm 2021". Buổi họp do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị gồm: Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam, Cục Văn hóa Cơ sở, Cục Di sản, Văn phòng Bộ, Vụ Văn hóa Dân tộc, Tổng cục Du lịch và Tổng cục TDTT.

Tại buổi làm việc, ông Trịnh Ngọc Chung - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam đã báo cáo dự thảo Kế hoạch tổ chức Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc và Tết trồng cây Xuân Tân Sửu năm 2021". Theo dự thảo kế hoạch, Ngày hội sẽ diễn ra trong 2 ngày (27, 28/2/2021, tức ngày 16 và 17 tháng Giêng âm lịch), tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu, Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" là hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, mang đến không khí Tết cổ truyền dân tộc phục vụ khách du lịch những ngày đầu Xuân năm mới.

Đóng góp ý kiến cho Kế hoạch tổ chức Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc và Tết trồng cây Xuân Tân sửu năm 2021

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc

Trong khuôn khổ Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc và Tết trồng cây Xuân Tân Sửu năm 2021" sẽ diễn ra 3 nhóm hoạt động, cụ thể: 1 -Chương trình Bài ca mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Đất nước: lãnh đạo Đảng nhà nước chúc Tết đồng bào các dân tộc và phát động Tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ; 2- Các lễ hội truyền thống: sẽ diễn ra 3 lễ hội gồm: tái hiện Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày tỉnh Hà Giang; Lễ hội Tơlgum Pơ tom - Lễ hội đoàn tụ của dân tộc Chu Ru tỉnh Lâm Đồng và Lễ hội Tung Còn ngày Xuân của dân tộc Thái tỉnh Sơn La; 3- Chương trình Hội Xuân gồm: Hội Tung Còn ngày Xuân; Chương trình Hội Xuân với điểm nhấn là không gian Tết xưa với hình ảnh ông Đồ cho chữ ngày Xuân; Chương trình giao lưu "Ngày hội mùa Xuân với các dân tộc tại Làng; Hoạt động trò chơi dân gian: nhảy sạp, đi cà kheo, bắn cung, đi cầu kiều, đánh đu... giao lưu không gian các nhà dân tộc: Thái, Mường, Mông, Dao, Tày, Nùng, Khơ Mú; Giới thiệu ẩm thực, các món ăn ngày Tết: bánh chưng, xôi nếp ba màu, gà quay, lợn quay, thịt sấy, lạp sườn, thắng cố, rượu ngô; Giới thiệu sắc hoa Tam giác mạch, hoa bướm tím hồng cùng với sắc Đào ngày Tết và các loài hoa khác...

Để chuẩn bị cho các hoạt động tại Làng, Ban tổ chức dự kiến huy động sự tham gia của 200 người của 27 cộng đồng dân tộc thuộc 15 tỉnh, đại diện cho các dân tộc, vùng miền gồm: dân tộc Tày của tỉnh Hà Giang, đồng bào dân tộc Chu Ru của tỉnh Lâm Đồng, các nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân của một số cộng đồng dân tộc của 8 tỉnh: dân tộc Mảng, Lự, La Hủ (Lai Châu), Cờ Lao, La Chí, Pu Pép (Hà Giang), Chứt (Hà Tĩnh), Chăm (Ninh Thuận, An Giang), Rơ Măm, B' râu (Kon Tum), La Ha (Sơn La), Ngái (Thái Nguyên)...

Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc và Tết trồng cây Xuân Tân Sửu năm 2021" là hoạt động được tổ chức thường niên vào dịp đầu Xuân, năm mới. Như thường lệ, Ngày hội năm nay sẽ có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, nhà nước, các Bộ, Ban, ngành đoàn thể, đại diện các Tổng cục, Cục, Vụ, Văn phòng, Thanh tra và các đơn vị trực thuộc Bộ; Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về quê ăn Tết đang ở Hà Nội do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đề cử; đại diện các cơ quan Thông tấn, báo chí và các công ty Lữ hành; Đại diện các Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương tham gia ngày hội; Chủ thể văn hóa, đồng bào dân tộc tham gia các hoạt động tại Làng, các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan và Du khách trong nước, quốc tế, nhân dân địa phương.

Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị tham dự buổi họp đều cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Kế hoạch tổ chức Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc và Tết trồng cây Xuân Tân Sửu năm 2021”. Tuy nhiên, ý kiến của đại diện Cục Văn hóa cơ sở, Văn phòng Bộ cho rằng: Kế hoạch cần bổ sung nội dung về phòng chống dịch Covid 19. Cụ thể cần xây dựng kế hoạch với nhiều kịch bản để có các phương án khác nhau nhằm chủ dộng trong việc tổ chức ngày hội sao cho thành công, đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ. Đại diện Cục Di sản đưa ra đề xuất: ngoài các hoạt động văn hóa, lễ hội, các trò chơi dân gian như kế hoạch đã xây dựng cần tổ chức một giải thể thao quần chúng (cụ thể là giải Vật dân tộc) nhằm tạo sự phong phú về nội dung cũng như không khí vui tươi trong những ngày đầu Xuân mới. Vụ Văn hóa Dân tộc và Cục Di sản sẽ phối hợp với Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam trong việc tổ chức các Lễ hội để các hoạt động lễ hội được tái hiện đúng với phong tục tập quán cũng như quy định của Luật Di sản. Ý kiến của đại diện Tổng cục Du lịch cho rằng cần mở rộng công tác tuyên truyền bằng việc thông qua các cơ quan báo chí của Bộ (báo, website, tạp chí) để đăng tải thông tin về sự kiện. Bên cạnh đó, có thể trình chiếu các video clip về một số dân tộc tham gia các hoạt động tại ngày hội. Qua đó quảng bá cho du lịch các tỉnh. Về tên gọi của sự kiện, một số ý kiến cho rằng cần chỉnh sửa lại về mặt câu chữ cho phù hợp.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh:  Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam là điểm đến của du khách trong và ngoài nước, bởi vậy cần phải xây dựng nét đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Để Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2021 được tổ chức thiết thực và hiệu quả theo đúng yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, giữa Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam với các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần tạo được sự gắn kết chặt chẽ cũng như trách nhiệm của từng đơn vị trong việc tổ chưc hoạt động này.

Về các nội dung trong kế hoạch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đưa ra ý kiến chỉ đạo cụ thể: Về tên gọi, do thời gian diễn ra sự kiện từ ngày 1, trong đó điểm nhấn là ngày 16, 17 tháng Giêng nên cần phải chỉnh sửa, chữ Ngày hội thay bằng chữ “Lễ hội” cho phù hợp. Về các hoạt động, cần phải bổ sung chi tiết công tác tuyên truyền vào kế hoạch. Cụ thể, Thứ trưởng yêu cầu Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan tuyên truyền của Bộ; đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết cho ngày khai mạc Lễ hội cũng như các hoạt động trong lễ phát động Tết trồng cây. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền bằng trực quan và tuyên truyền trước, trong và sau Lễ hội. Thứ trưởng cũng nhất trí với ý kiến bổ sung giải Vật dân tộc vào trong các hoạt động của Lễ hội. Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu tổ chức sự kiện phải đảm bảo phòng chống dịch theo quy định của Chính phủ.

Bài, ảnh VD