Kính thưa: - Đ/c Tạ Quang Chiến, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT
- Chủ tịch Đoàn
Thưa toàn thể các đồng chí!
Gần 2 ngày làm việc sôi nổi, Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ V đã thảo luận, đóng góp ý kiến về nhiều nội dung quan trọng. Qua diễn biến của Đại hội, qua ý kiến phát biểu của các đồng chí, có thể thấy rằng Đại hội của chúng ta đã diễn ra trong không khí dân chủ, cởi mở và đáp ứng các yêu cầu đề ra.
Thay mặt lãnh đạo Uỷ ban Thể dục thể thao, tôi xin có một số ý kiến với các đồng chí.
Đánh giá về kết quả hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ IV:
Ban chấp hành Liên đoàn đã có nhiều cố gắng trong việc tìm tòi, áp dụng các mô hình quản lý, điều hành theo hướng chuyên nghiệp. Tuy chúng ta còn nhiều lúng túng, bỡ ngỡ trong quá trình chuyển từ cơ chế cũ sang cơ chế chuyên nghiệp, có những lúc thành công, có những lúc còn sơ suất, khuyết điểm, song kinh nghiệm và những kết quả đã đạt được của nhiệm kỳ qua là những bài học quý cho Ban chấp hành nhiệm kỳ tới. Cơ chế chuyên nghiệp đã tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động bóng đá; huy động rộng rãi nguồn lực và sự tham gia, hưởng ứng của xã hội vào việc phát triển bóng đá nước nhà.
Hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia tiếp tục có những cải tiến. Các giải thi đấu được phân hạng rõ ràng và được tổ chức tốt, trong đó giải thi đấu của các câu lạc bộ chuyên nghiệp Việt Nam được đánh giá là giải đấu sôi nổi và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam á. Hệ thống đào tạo cán bộ quản lý, huấn luyện viên, trọng tài cũng dần dần tiếp cận những tiêu chuẩn quốc tế. Thành tích thi đấu quốc tế của các đội tuyển quốc gia nam, nữ có sự tiến bộ rõ rệt.
Quan hệ hợp tác quốc tế được mở rộng, đáp ứng các yêu cầu của quá trình mở cửa, hội nhập theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước. Với những cố gắng trong hoạt động đối ngoại, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam được các tổ chức FIFA, AFC, AFF đánh giá là thành viên tích cực. Thông qua việc mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, Liên đoàn Bóng đá đã tranh thủ được sự giúp đỡ, ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong nhiều dự án, chương trình tài trợ trực tiếp cho bóng đá Việt Nam.
Ban chấp hành Liên đoàn nhiệm kỳ IV đã kế thừa những kết quả đã đạt được của nhiệm kỳ trước và có nhiều cố gắng trong việc tìm tòi, đổi mới phương thức quản lý và tổ chức điều hành các hoạt động bóng đá nước nhà theo cơ chế chuyên nghiệp.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ IV cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế mà báo cáo tổng kết đã nêu. Đó là những bài học sâu sắc cần rút kinh nghiệm cho Ban chấp hành khoá mới.
Về phương hướng hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ 2005-2009.
Tôi cơ bản nhất trí với những nội dung chính tại dự thảo phương hướng hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ tới. Qua ý kiến thảo luận, đóng góp của các đại biểu, Ban chấp hành Liên đoàn khoá mới sẽ nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện các phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Để làm rõ hơn định hướng sắp tới, qua phân tích bối cảnh và những xu thế đã, đang và sẽ tác động tới hoạt động bóng đá nước nhà, chúng ta cần nhận thức rõ những “thuộc tính” của bóng đá để từ đó xác định những hướng đi đúng.
Thứ nhất là tính chính trị: ở cấp độ đội tuyển quốc gia hay cấp độ câu lạc bộ, mỗi một đội bóng đều đại diện cho hình ảnh của một quốc gia, một cộng đồng. Mọi thành công hay không thành công của đội tuyển quốc gia đều đem lại những tác động to lớn về nhiều mặt, vượt ra ngoài một kết quả thi đấu thông thường. Nhân dân mong đợi, đòi hỏi rất lớn đối với thành tích của nền bóng đá nước nhà. Những cán bộ làm công tác quản lý, điều hành, huấn luyện bóng đá cần quán triệt đầy đủ tinh thần đó để đặt ra các yêu cầu cao hơn với công việc của mình. Tính chính trị luôn phải được quán triệt trong mọi chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Thứ hai là tính xã hội: Bóng đá đang ngày càng nhận được sự quan tâm rộng rãi, sâu sắc của mọi tầng lớp xã hội. Mọi hoạt động của Liên đoàn Bóng đá đều được xã hội giám sát và đánh giá. Nói cách khác, bóng đá thực sự đã trở thành một hiện tượng xã hội. Vì vậy, những người làm công tác bóng đá phải tự đặt ra cho mình những yêu cầu cao hơn, phải nắm bắt được đòi hỏi chung của xã hội để tự đề ra cho mình những mục tiêu cần phấn đấu. Trong xu thế chung đó, mọi hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải triệt để tuân thủ các nguyên tắc: dân chủ, cầu thị, công khai và minh bạch.
Tính xã hội của bóng đá càng cần phải được chú trọng trong bối cảnh toàn ngành Thể dục thể thao đang đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động thể dục thể thao. Trong xu thế đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải là tổ chức xã hội đi đầu trong việc huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội để đẩy nhanh tốc độ phát triển bóng đá nước nhà. Hoạt động bóng đá không chỉ của riêng anh em bóng đá làm, mà phải khai thác, thu hút tiềm năng to lớn của mọi tổ chức xã hội, mọi thành phần kinh tế.
Thứ ba là tính quốc tế: Trong bối cảnh toàn cầu hoá đan xen khu vực hoá, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải tích cực và chủ động tham gia quá trình hội nhập quốc tế với tư cách đại diện quốc gia và là một tổ chức thành viên của FIFA, AFC, AFF. Quá trình hội nhập quốc tế mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi ngày càng cao đối với những người làm công tác bóng đá. Làm thế nào để vừa giữ chủ quyền, đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia, vừa phải hài hoà với các yêu cầu quốc tế? Làm thế nào để chủ động nắm bắt các qui định, thông lệ quốc tế và không bị thua thiệt, bị trả giá trong quá trình hội nhập?... Đó là câu hỏi đặt ra đối với anh em quản lý bóng đá ngày hôm nay. Điều này đòi hỏi các cán bộ quản lý phải không ngừng học hỏi, tiếp cận và xử lý thông tin một cách nhanh nhạy, chính xác.
Thứ tư là tính chuyên nghiệp: Xây dựng nền bóng đá Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp qui luật tất yếu. Tính chuyên nghiệp không chỉ thể hiện một cách hình thức qua tên gọi, biểu trưng hoặc qua các qui định trên văn bản, mà cần thể hiện trong toàn bộ hoạt động của Liên đoàn Bóng đá, trong tư duy, nhận thức và trong mọi hành vi ứng xử của các cán bộ quản lý, trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên. Tính chuyên nghiệp cũng phải thể hiện xuyên suốt trong cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân sự, quy chế hoạt động và những qui định chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ tới.
Uỷ ban Thể dục thể thao mong muốn cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ trở thành một hình mẫu cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia khác học tập.
Đó là một số vấn đề cơ bản liên quan tới định hướng hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ tới.
Đi sâu vào các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể được nêu trong dự thảo báo cáo, tôi xin nhấn mạnh mấy vấn đề sau:
1. Đổi mới tổ chức của Liên đoàn. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp cao; hoạt động độc lập, tự chủ, tuân thủ pháp luật và sự quản lý của Nhà nước. Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội, chúng ta đã chuẩn bị các vấn đề về điều lệ hoạt động, bộ máy, nhân sự của Ban chấp hành Liên đoàn nhiệm kỳ tới dựa trên các nguyên tắc nêu trên. Tôi tin tưởng và hy vọng Ban chấp hành khoá mới được Đại hội bầu ra sẽ sớm xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện việc đổi mới hoạt động của Liên đoàn nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của sự phát triển.
Uỷ ban Thể dục thể thao khẳng định luôn tôn trọng và không can thiệp vào các công việc cụ thể của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Mối quan hệ quản lý của Uỷ ban Thể dục thể thao với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng như các tổ chức xã hội khác đã được qui định cụ thể tại Pháp lệnh Thể dục thể thao và các Nghị định của Chính phủ. Sắp tới, Uỷ ban Thể dục thể thao sẽ tăng cường ban hành các qui định về phân cấp quản lý cho các tổ chức xã hội, trong đó có Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, cũng như xây dựng quy chế cụ thể về phối hợp hoạt động giữa các đơn vị chuyên môn Uỷ ban Thể dục thể thao và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
2. Đổi mới tư duy: trước mỗi kỳ đại hội, chúng ta thường nói đến vấn đề đổi mới tư duy, nhận thức để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong nhiệm kỳ tới. Trước đòi hỏi khách quan của thực tiễn, mỗi cán bộ làm công tác quản lý phải thực sự có sự đổi mới tư duy không ngừng. Trước hết, cần phải nhận thức đúng về cơ chế chuyên nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Làm bóng đá phải thật sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Cái “tâm” và cái “tầm” cũng phải đi đôi với nhau, tâm huyết nhưng cũng phải biết suy nghĩ về các vấn đề chiến lược! Làm bóng đá theo cơ chế chuyên nghiệp đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý phải không ngừng học hỏi, nắm bắt những vấn đề về luật pháp, kinh tế, ngoại giao; có khả năng tiếp cận những tri thức mới để xử lý tốt những vấn đề phát sinh hàng ngày trong những mối quan hệ phức tạp và đa chiều. Làm bóng đá cần có tính văn hoá cao. Văn hoá trong bóng đá phải được xây dựng như một hệ thống tiêu chí, có mục đích xuyên suốt trong mọi hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Chúng ta xây dựng bóng đá chuyên nghiệp không theo một mô hình sẵn có mà thực tế vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa rút kinh nghiệm. Vì vậy, mỗi cán bộ quản lý cần phải hết sức năng động, sáng tạo trong tư duy cũng như trong hành động, mới có thể chung sức thực hiện thành công những mục tiêu đề ra.
3. Đổi mới phương thức hoạt động: Liên đoàn Bóng đá cần tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể và tinh thần dân chủ trong mọi hoạt động của Liên đoàn. Các vấn đề lớn cần được bàn bạc công khai, dân chủ trong nội bộ Ban thường vụ, Ban chấp hành và nếu cần thiết, tổ chức xin ý kiến rộng rãi trên công luận. Phát huy dân chủ nhưng cũng phải đi kèm với kỷ cương để tránh mất đoàn kết. Quy chế hoạt động của Liên đoàn phải được xây dựng cụ thể, phân công trách nhiệm và qui trách nhiệm rõ ràng tới từng đầu mối, từng cá nhân, tránh sự chồng chéo trong giải quyết công việc.
Về định hướng hoạt động, tôi đề nghị Ban chấp hành liên đoàn nhiệm kỳ tới ưu tiên chỉ đạo việc đổi mới công tác tài chính và vận động tài trợ. Với chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá, Nhà nước sẽ tạo điều kiện, tạo cơ chế chính sách cần thiết để các tổ chức xã hội có thể tự chủ về mặt tài chính. Đầu tư của Nhà nước sẽ chỉ tập trung cho các nhiệm vụ quốc gia và hỗ trợ cho những lĩnh vực trọng yếu. Vì vậy, Ban chấp hành khoá mới cần hết sức năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp hơn trong công tác tài chính - vận động tài trợ.
Về công tác điều hành chuyên môn, tôi đề nghị Ban chấp hành khoá mới đặc biệt chú trọng tới công tác đấu tranh chống tiêu cực trong bóng đá. Việc chống tiêu cực cần được thể hiện thành một chương trình hành động cụ thể của nhiệm kỳ V. Cần kết hợp đồng bộ giữa nhiều biện pháp: tuyên truyền giáo dục, quản lý, giám sát và thanh tra, kiểm tra, xử lý kỷ luật. Đặc biệt, cần chú trọng phòng ngừa, ngăn chặn từ gốc các hành vi tiêu cực có thể xảy ra. Tôi đề nghị chúng ta quan tâm hơn tới việc thực hiện các biện pháp chống tiêu cực trong chính nội bộ những người làm công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý thi đấu, đặc biệt là đội ngũ trọng tài. Bởi tiêu cực nếu phát sinh từ đội ngũ này sẽ có hậu quả nguy hại gấp nhiều lần! Tiêu cực sẽ làm hỏng sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Về công tác tuyên truyền, đối ngoại của Liên đoàn, tôi đề nghị Ban chấp hành Liên đoàn xây dựng các mối quan hệ với giới truyền thông và quan hệ cộng đồng thật tốt. Chúng ta cần nhận thức rõ một điều: Liên đoàn Bóng đá là một tổ chức đặc biệt, được xã hội quan tâm và giám sát chặt chẽ. Vì vậy, mọi hoạt động của Liên đoàn cần phải công khai, minh bạch để quần chúng giám sát, đánh giá.
Kính thưa các đồng chí!
Thưa toàn thể Đại hội!
Với tinh thần đổi mới, trí tuệ, trách nhiệm, Đại hội của chúng ta đã làm việc tích cực, khẩn trương và thể hiện ý thức trách nhiệm cao. Tôi tin tưởng rằng Ban chấp hành Liên đoàn khoá mới do Đại hội tín nhiệm bầu ra sẽ là một tập thể đoàn kết, đồng lòng, có đủ sức mạnh để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ được giao.
Nhân dịp này, thay mặt ngành Thể dục thể thao, tôi xin cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, Ban, ngành trung ương và các cơ quan liên quan trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội. Cảm ơn Tiến sỹ Hồ Đức Việt, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Tiến sỹ Mai Liêm Trực, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - các đồng chí đã có nhiều đóng góp tích cực đối với hoạt động của LĐBĐVN khoá IV. Xin cảm ơn các nhà tài trợ và các cơ quan thông tấn, báo chí đã ủng hộ, giúp đỡ cho Đại hội.
Chúc sức khoẻ các vị đại biểu, các vị khách quý!
Chúc Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ V thành công tốt đẹp!
Xin cảm ơn!